Hơn 334 nghìn tỷ đồng tiền thuế nội địa được nộp theo phương thức điện tử

Theo Tổng cục Thuế, thời gian qua toàn ngành đã chú trọng việc kiểm kê, rà soát mã số thuế, đảm bảo kiểm soát, nắm bắt kịp thời đối tượng nộp thuế, để đưa vào diện theo dõi, quản lý thuế.

Nửa đầu năm 2020 đã có trên 2 triệu giao dịch nộp thuế vào ngân sách nhà nước thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Ảnh Thùy Linh.

Nửa đầu năm 2020 đã có trên 2 triệu giao dịch nộp thuế vào ngân sách nhà nước thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Ảnh Thùy Linh.

Trên 2 triệu giao dịch nộp thuế điện tử

Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, đến thời điểm ngày 30/6/2020, toàn quốc có 780.109 doanh nghiệp đang kinh doanh, tăng 22.576 doanh nghiệp (2,98%) so với thời điểm cuối năm 2019 (ngày 31/12/2019).

Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai diện rộng ứng dụng Hỗ trợ kê khai thuế, Dịch vụ thuế điện tử theo kiến trúc và công nghệ mới, với nhiều tiện ích, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện khai thuế thuận lợi, chính xác.

Đồng thời chú trọng việc rà soát thông tin người nộp thuế trên ứng dụng, kịp thời đôn đốc người nộp thuế bổ sung thông tin thay đổi gửi cơ quan thuế để cập nhật thông tin phục vụ cho công tác quản lý thuế.

Thống kê cho thấy, hiện tỷ lệ tờ khai thuế đã nộp đạt 96% trên tổng số tờ khai phải nộp; tỷ lệ tờ khai nộp đúng hạn đạt 96% trên tổng số tờ khai đã nộp.

Tổng cục Thuế cũng cho biết, nửa đầu năm 2020 đã có trên 2 triệu giao dịch nộp thuế vào ngân sách nhà nước thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế với số tiền trên 334 nghìn tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử tính đến 30/6/2020 là 772.548 doanh nghiệp, chiếm 99% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.

Theo bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế, từ năm 2020, ngoài nộp thuế điện tử tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hay các dịch vụ nộp thuế điện tử của các ngân hàng thương mại thì người nộp thuế có thêm một kênh nữa để thực hiện nộp thuế đơn giản, thuận tiện 24/7 là qua Cổng dịch vụ Công quốc gia.

”Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ hoàn thiện quy trình thu thuế qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, mở rộng thêm kênh nộp thuế điện tử cho người nộp thuế, đặc biệt là cá nhân”, bà Lê Thị Duyên Hải thông tin.

Đáng chú ý, trong công tác quản lý hoàn thuế, ngành Thuế đã tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, kiểm soát chặt chẽ số chi hoàn thuế giá trị gia tăng, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, theo đúng chính sách pháp luật của Nhà nước.

Theo báo cáo, tính đến hết ngày 30/6/2020, cơ quan Thuế đã ban hành 10.490 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng với tổng số tiền thuế hoàn là 61.498,6 tỷ đồng (bằng 47,3% so với dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2020 đã được Quốc hội thông qua).

Tiếp tục triển khai đăng kí thuế điện tử

Từ cuối năm 2019, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cục thuế triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết hồ sơ đăng kí thuế bằng phương thức điện tử và đã giao chỉ tiêu triển khai dịch vụ đăng ký thuế điện tử tại từng cơ quan Thuế.

Theo Vụ Kê khai và kế toán thuế, qua tổng hợp tình hình triển khai dịch vụ đăng ký thuế điện tử tại tất cả các cơ quan Thuế trên ứng dụng quản lý thuế tập trung của ngành, tính đến ngày 30/6/2020, cả nước có 286.677 hồ sơ đăng ký thuế bằng điện tử trên tổng số 601.015 hồ sơ đăng ký thuế mà cơ quan Thuế đã nhận. Như vậy con số này đạt tỷ lệ 47,7%.

Theo bà Lê Thị Duyên Hải, hiện mới có 16 địa phương hoàn thành chỉ tiêu được giao gồm: Lai Châu (100%), Quảng Bình (87,02%), Thái Nguyên (81,59%), Hà Tĩnh (80,77%), Bình Dương (78,66%), Hải phòng (78,21%)… Riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh gần hoàn thành chỉ tiêu được giao, cụ thể: Hà Nội đạt 55,53%, Hồ Chí Minh đạt 50,84%.

Bà Lê Thị Duyên Hải cho rằng, tỷ lệ hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế, hồ sơ đăng ký tạm ngừng kinh doanh/tiếp tục hoạt động sau tạm ngừng kinh doanh trước thời hạn và hồ sơ khôi phục mã số thuế bằng điện tử đạt tỷ lệ rất thấp.

Một trong những nguyên nhân là do việc triển khai dịch vụ đăng ký thuế điện tử đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh còn gặp khó khăn do đặc thù hoạt động của nhóm người nộp thuế này là không muốn thay đổi cách thức nộp hồ sơ nên tỷ lệ triển khai dịch vụ đăng ký thuế điện tử cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đạt rất thấp. Đây cũng là khó khăn, thách thức cho cơ quan thuế trong việc triển khai dịch vụ đăng ký thuế điện tử trong thời gian tới.

Hơn nữa, việc triển khai dịch vụ đăng ký thuế điện tử đối với tổ chức khác không có chữ ký số cũng không thực hiện được (nhóm này hiện nay chưa thực hiện khai thuế, nộp thuế điện tử).

“Để hoàn thành chỉ tiêu triển khai đăng ký thuế điện tử, trong thời gian tới các cơ quan thuế cần có các giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế của 6 tháng đầu năm 2020 như đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho người nộp thuế trong việc triển khai dịch vụ đăng ký thuế điện tử, đảm bảo 100% người nộp thuế là tổ chức kinh tế, tổ chức khác đã có chữ ký số phải nộp hồ sơ dịch vụ đăng ký thuế điện tử đến cơ quan thuế; hỗ trợ tối đa cho nhóm người nộp thuế là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp hồ sơ đăng kí thuế điện tử và tuyên truyền cho tổ chức chưa có chữ ký số thực hiện đăng ký chữ ký số theo quy định để triển khai dịch vụ đăng ký thuế điện tử”, bà Lê Thị Duyên Hải nói.

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/hon-334-nghin-ty-dong-tien-thue-noi-dia-duoc-nop-theo-phuong-thuc-dien-tu-129834.html