Hơn 32ha đất Quốc phòng bị 'phù phép' về tay doanh nghiệp nước ngoài?

Đất Quốc phòng được chủ trương tạm giao cho một doanh nghiệp quân đội làm dự án khu dân cư nhưng qua 'trợ giúp' của nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín bỗng nhiên về tay người nước ngoài.

Gần đây, Báo Người Tiêu Dùng đã liên tục thông tin các vấn đề liên quan đến việc chủ đầu tư Dự án Khu dân cư 7/5 (P. Long Thạnh Mỹ, Q.9, TP.HCM) thu hồi đất dân nhưng đền bù rẻ mạt, gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, tại dự án này không chỉ có chuyện đền bù không thỏa đang cho người dân mà qua quá trình tìm hiểu, xác minh, phóng viên còn phát hiện hàng loạt các vấn đề nhức nhối khác.

Khu đất hơn 32ha được đặt biển báo "khu vực quân sự".

Tiền thân là đất quốc phòng

Phần đất có diện tích 32,4ha (P. Long Thạnh Mỹ, Q.9) mà hiện nay Công ty TNHH A Sung (Công ty A Sung) triển khai Dự án Khu dân cư 7/5 là một phần trong tổng số hơn 82ha đất Quốc phòng, trước đây thuộc quyền quản lý của Quân khu 7. Đến năm 2013 thì Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thu hồi giao cho UBND TP.HCM quản lý, sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế xã hội.

Tiếp đến, tháng 6/2004, ông Nguyễn Văn Đua - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký quyết định tạm giao phần đất nói trên cho Công ty 7/5 (thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng) thực hiện dự án Khu dân cư 7/5. Từ quyết định này, UBND Q.9 đã phê duyệt phương án, áp giá bồi thường, hỗ trợ cho người dân với mức giá chỉ có 105.000 đồng/m2 đất nông nghiệp. Mức giá đền bù này đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của người dân vì cho rằng quá rẻ, không đúng thực tế.

Tháng 5/2015, ông Nguyễn Hữu Tín - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký Quyết định 3066, chấm dứt việc tạm giao đất (32,4ha) cho Công ty 7/5. Đồng thời, chấp thuận giao khu đất nói trên cho Công ty A Sung tiếp tục thực hiện Dự án khu dân cư 7/5 theo Quyết định số 2313/QĐ-UBND ngày 19/5/2015 của UBND TP.HCM.

Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã ký quyết định tạm giao hơn 32ha đất cho Công ty A sung làm dự án nhà ở mà không qua đấu giá.

Rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài một cách “ngoạn mục”

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty A Sung đăng ký ngành nghề kinh doanh lần đầu năm 2013, có trụ sở tại Q.12, TP.HCM, vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Chỉ chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dạy ngoại ngữ, dạy nghề. Hai thành viên góp vốn là ông Trần Ngọc Thổ, cũng là người đại diện pháp luật (10%) và bà Trần Thị Oanh Oanh (90%). Chỉ hơn 1 tháng sau, vốn điều lệ của công ty này đã tăng lên đến 250 tỷ đồng và được bổ sung thêm một số ngành nghề kinh doanh như: Bất động sản, mỹ phẩm…

Tính đến cuối năm 2013, bà Oanh nắm giữ 90% cổ phần Công ty A Sung (tương đương 225 tỷ đồng), còn ông Thổ vẫn năm 10% (tương đương 25 tỷ đồng). Ông Thổ vẫn là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Giữa năm 2016, số cổ phần của bà Oanh đột ngột được chuyển sang cho CTCP Tae Kwang Vina Industrial (có địa chỉ tại tỉnh Đồng Nai). Tiếp đó, ở lần đăng ký thay đổi kinh doanh lần 4 (ngày 9/2/2017), CTCP Tae Kwang Vina Industrial đã tăng vốn góp lên 99,99%. Số vốn góp còn lại là 0,01% cũng được chuyển cho một đơn vị khác là Công ty TNHH TK2. Như vậy, sau 4 lần thay đổi kinh doanh, Công ty A Sung đã được chuyển nhượng hoàn toàn cho 2 doanh nghiệp khác. Tuy vậy, người đại diện pháp luật vẫn không thay đổi.

Đáng chú ý, ở lần đăng ký thay đổi kinh doanh gần nhất (ngày 22/2/2017), ông Trần Ngọc Thổ cũng không còn là người đại diện theo pháp luật của Công ty A Sung mà thay vào đó là một người có quốc tịch Hàn Quốc. Điều này hiển nhiên biến Công ty A Sung trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, theo quy định, nếu doanh nghiệp có vốn nước ngoài sẽ không được nhận chuyển nhượng đất tại Việt Nam và chỉ được thuê đất để thực hiện dự án nhà ở. Điều này sẽ làm phát sinh 2 trường hợp, nếu Công ty A Sung “mua lúa non” dự án từ Công ty 7/5 mà đất “tạm giao” thì sẽ trái quy định pháp luật. Còn nếu Công ty A Sung thực hiện thuê đất làm dự án nhà ở, 32,4ha đất nói trên phải được đấu giá theo luật định. Mà việc đấu giá trong thương vụ này là hoàn toàn chưa có.

Dư luận đang thắc mắc không biết nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã căn cứ vào quy định nào để ký quyết định chấm dứt việc tạm giao đất cho doanh nghiệp này, rồi sau đó lại giao đất cho doanh nghiệp khác. Việc xác định đất thuộc diện Nhà nước thu hồi có cần phải được hủy quyết định giao đất, đấu giá lại, xác định lại bản chất dự án là vì lợi ích quốc gia hay thuần kinh doanh bất động sản? Việc này rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra, kiểm tra làm rõ.

Trong một trả lời báo chí, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, nguyên Giám đốc Công ty TNHH A Sung (Công ty A Sung) cho biết, khi Công ty 7/5 rao bán dự án, ông cùng bà Trần Thị Oanh Oanh và một người bạn Hàn Quốc hợp tác lập doanh nghiệp để mua. Tuy nhiên, người bạn Hàn Quốc đã không công khai việc dùng tiền của CTCP Tae Kwang Vina để góp vốn. Sau đó CTCP Tae Kwang Vina yêu cầu ông giao lại quyền điều hành Công ty A Sung. Ông Thổ đã chấp thuận để người Hàn Quốc đứng đại diện pháp luật, nhận lại số vốn góp ban đầu và rút khỏi Công ty A Sung.

Tấn Lợi

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/hon-32ha-dat-quoc-phong-bi-phu-phep-ve-tay-doanh-nghiep-nuoc-ngoai-d73355.html