Hơn 30 năm 'chiến đấu' giành lại sự sống cho bệnh nhân lao

Hơn 30 năm khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, bằng sự kiên trì và nhiệt huyết, y sỹ Đinh Văn Thưởng đã chiến đấu, giành lại sự sống cho các bệnh nhân mắc bệnh lao tại Trung tâm y tế huyện Ứng Hòa.

Ghé thăm ngôi nhà nhỏ của y sĩ Đinh Văn Thưởng tại thôn Đinh Xuyên xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội trong một buổi chiều cuối tuần. Tiếp đãi chúng tôi bằng những chiếc kẹo ngọt và ấm trà nóng hổi, ông Thưởng chia sẻ cho chúng tôi hành trình đến với ngành Y cũng như hành trình ông chiến đấu giành lại sự sống cho các bệnh nhân mắc bệnh lao tại Trung tâm y tế huyện Ứng Hòa.

Y sĩ Đinh Văn Thưởng- Phó Trưởng khoa y tế cộng đồng và các bệnh xã hội - Trung tâm y tế huyện Ứng Hòa.

Y sĩ Đinh Văn Thưởng- Phó Trưởng khoa y tế cộng đồng và các bệnh xã hội - Trung tâm y tế huyện Ứng Hòa.

Năm 1978, khi cuộc chiến tranh biên giới nổ ra là lúc ông nhận công tác tại Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 thuộc Quân khu I. Trong quá trình công tác, ông được cấp trên và đồng đội tin tưởng, yêu mến, ông cùng một người bạn cùng đơn vị được phân nhiệm vụ học y tá sơ cấp ở Sư đoàn. Tiếp đó, ông tiếp tục học lên trung cấp tại Trường Quân y Quân khu I.

Là y tá chính phục vụ cứu thương trong quân đội, ông đã đối mặt với nhiều chiến sỹ với những vết thương khác nhau. Ông kể rằng, ngày đó, chiến tranh khốc liệt tới mức nhiều khi tưởng mình không thể sống sót trở về. Chính ông cũng là người chứng kiến những người đồng đội ngã xuống mà không thể cứu chữa, thương đồng đội, ông càng thêm quyết tâm theo đuổi nghề y sỹ, cứu giúp mọi người.

Sau 7 năm 2 tháng phục vụ trong quân ngũ, năm 1984 ông được phân công công tác về Bệnh viện Đa khoa Vân Đình. Như một cái duyên, năm 1988, y sĩ Thưởng được bổ nhiệm chính thức làm chương trình lao của Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng chống bệnh lao cho tới thời điểm hiện tại. Những năm đầu thành lập Tổ chống lao, không mấy ai theo được vì không có nhiều chi phí cho những người làm trong lĩnh vực này, thế nhưng với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ và tình yêu nghề đã níu ông ở lại với chương trình.

Trong công việc, y sỹ Thưởng luôn là người năng nổ, tiên phong trong các hoạt động tuyên truyền cũng như dự án liên quan đến căn bệnh lao. Là Phó Trưởng Khoa y tế cộng đồng và các bệnh xã hội lại là người trực tiếp khám và điều trị cho các bệnh nhân nên áp lực công việc với ông khá lớn, thế nhưng, mỗi khi có hội thảo về chương trình lao là ông lại cố gắng sắp xếp công việc để đến tham dự, học hỏi. Tháng nào ông cũng vượt hàng chục cây số để tham dự các cuộc họp giao ban hàng tháng, tham dự các buổi tập huấn, phối hợp với Bệnh viện Phổi Hà Nội để ra phác đồ chữa trị cho các bệnh nhân lao.

Hơn 30 năm gắn bó chương trình phòng chống bệnh lao đã khiến y sỹ Thưởng thêm yêu nghề. Trong quá trình làm việc, ông không hề lơ là dù chỉ một phút bởi ông biết rằng, trong nghề y, chỉ cần một phút cũng có thể cứu được một tính mạng. Với nhiều năm nghiên cứu bệnh lao và có kinh nghiệm trong việc chữa trị căn bệnh này, y sỹ Đinh Văn Thưởng đã trực tiếp khám chữa cho nhiều bệnh nhân với các thể lao khác nhau, từ nhẹ cho tới nặng.

"Trong năm 2017, Trung tâm y tế huyện Ứng Hòa tiếp nhận 110 bệnh nhân, trong đó chữa khỏi, hoàn thành 118 bệnh nhân; mất 2 bệnh nhân; không có trường hợp bệnh nhân bỏ, chuyển; không có trường hợp không theo dõi được. Năm 2018, Trung tâm y tế huyện Ứng Hòa tiếp nhận thêm 120 bệnh nhân, cho tới tháng 1/2019, đã có 70 bệnh nhân được ra viện (bao gồm cả bệnh nhân cũ từ năm 2017)" - y sỹ Thưởng cho biết.

Những năm làm công tác khám, điều trị cho bệnh nhân lao đã để lại không ít kỷ niệm với ông. Vì bệnh lao là bệnh truyền nhiễm, do đó những người mắc phải căn bệnh này không ngoại trừ bất cứ trường hợp nào. Càng nói, đôi mắt y sỹ Thưởng lại càng thêm nhoèn đi, ông còn nhớ, có đợt ông tiếp nhận cả gia đình 5 người đều mắc lao do lây nhiễm qua nhau. Song, với chuyên môn và sự phối hợp của gia đình người bệnh, ông đã kiên trì áp dụng phác đồ và lịch điều trị khoa học để điều trị khỏi cho các bệnh nhân.

Có trường hợp bệnh nhân bị lao nặng, thời gian điều trị kéo dài không có cơm ăn, vì thương bệnh nhân nên ông giấu cơ quan báo xuất cơm của mình để nhường cho bệnh nhân, sau cùng ông mạnh dạn xin đề xuất với Giám đốc hỗ trợ nuôi cơm cho bệnh nhân công việc đặc thù. Khó khăn là vậy nhưng y sĩ Thưởng luôn nhận thức sâu sắc rằng “Làm thầy thuốc ngành chống lao không chỉ đòi hỏi về trình độ chuyên môn mà cần có trách nhiệm với bệnh nhân, cộng đồng và tình yêu thương, đồng cảm với bệnh nhân.”

Để có những thành công trong công việc, cứu chữa được cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh lao, ngoài sự giúp đỡ của đồng nghiệp, người mà y sỹ Thưởng kể đến nhiều trong cuộc nói chuyện là người vợ cùng các con của ông. "Nhà mình lúc đó thì chỉ có vợ, vợ mình công tác trong ngành giáo dục nên cũng hiểu rất rõ tính chất nghề y như thế nào. Lấy nhau đã ngót mấy chục năm, có với nhau một cô con gái và một cậu con trai nhưng vợ chồng chưa một lần bất hòa, to tiếng. Nhờ có hậu phương vững chắc nên mình có nhiều thời gian học hỏi cũng như khám chữa bệnh cho các bệnh nhân mắc bệnh lao."- y sỹ Thưởng chia sẻ.

Cuộc chiến chống lại bệnh lao không chỉ là "cuộc chiến sống còn" của các bệnh nhân mà còn là "cuộc chiến trường kỳ" của những người mặc áo blouse trắng như y sỹ Đinh Văn Thưởng. Bằng sự kiên trì và tinh thần làm việc không mệt mỏi, y sỹ Thưởng cùng các cán bộ y, bác sỹ Trung tâm y tế huyện Ứng Hòa đã phối hợp với Bệnh viện Phổi Hà Nội chữa thành công cho hơn 90% bệnh nhân mắc bệnh lao, đưa lại niềm hy vọng sống cho những bệnh nhân mắc các thể lao nguy hiểm.

Lương Hằng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hon-30-nam-chien-dau-gianh-lai-su-song-cho-benh-nhan-lao-88752.html