Hơn 30 di tích văn hóa được tìm thấy trong các ngôi mộ cổ ở miền Trung Trung Quốc

Viện Khảo cổ học và Di tích Văn hóa tỉnh Hồ Nam cho biết, hơn 30 di tích văn hóa đã được tìm thấy trong một loạt các ngôi mộ cổ ở thành phố Chenzhou thuộc tỉnh này.

Nhiều đồ tạo tác bằng gốm được tìm thấy trong ngôi mộ cổ ở thành phố Chenzhou (Ảnh:Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ tỉnh Hồ Nam)

Công việc khai quật liên quan đến cụm các ngôi mộ được thực hiện trong khoảng thời gian tháng 6 và tháng 7. Trong đó, 11 ngôi mộ và một công trình xây dựng cổ đã được tìm thấy tại khu vực.

Dựa trên hình dạng của các ngôi mộ, đặc điểm của các đồ vật được khai quật và chữ khắc trên gạch, các nhà khảo cổ học suy luận, những ngôi mộ có thể được xây dựng từ thời nhà Hán (năm 202 TCN – 220 SCN) đến triều đại nhà Đường (năm 618 – 907). Đối với công trình kiến trúc, công trình này được xây dựng vào thời Đông Hán (năm 25 – 220).

Phần gạch được khai quật tại công trình xây dựng thời Đông Hán (Ảnh:Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ tỉnh Hồ Nam)

Cho đến nay, nhiều hiện vật cổ như đồ gốm, sứ, gương đồng, móc đồng và hạt mã não đã được các nhà khảo cổ khai quật tại di chỉ.

Với những dữ liệu thu thập được, những nhà nghiên cứu tin rằng, địa điểm được xây dựng để phục vụ cho các nghi thức hiến tế. Đặc biệt với những tấm mái ngói được tìm thấy, chủ nhân của ngôi mộ xây dựng bên cạnh công trình được xác định là một người có vị thế trong xã hội.

Theo ông Chen Bin, người đứng đầu công trình khảo cổ cho biết: “Cụm lăng mộ đã cung cấp dữ liệu khảo cổ quan trọng cho việc nghiên cứu các thành phố cổ. Đồng thời, làm sáng tỏ sự phát triển văn hóa ở Trung Quốc thời xa xưa. Phong tục tang lễ của các triều đại khác nhau có thể giúp chúng tôi hiểu thêm về nền tảng xã hội và đặc điểm của thời kỳ đó”.

ĐÌNH TOÁN (Theo Tân Hoa Xã)

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/the-gioi/artmid/425/articleid/45119/hon-30-di-tich-van-hoa-duoc-tim-thay-trong-cac-ngoi-mo-co-o-mien-trung-trung-quoc