Hơn 3 tỷ người trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng thiếu nước

Thiếu nước được xem là vấn đề cấp bách đối với các quốc gia trên toàn thế giới. Thiếu hụt nước không chỉ ảnh hưởng đến canh tác nông nghiệp mà còn gây ra tình trạng đói nghèo và khó khăn cho hàng triệu người dân toàn cầu.

 Khoảng 50 triệu người dân châu Phi khu vực cận Sahara phải đối mặt với mặt với tình trạng hạn hán gây khô hạn nghiêm trọng 3 năm một lần. Ảnh: Aaron Ufumeli / EPA

Khoảng 50 triệu người dân châu Phi khu vực cận Sahara phải đối mặt với mặt với tình trạng hạn hán gây khô hạn nghiêm trọng 3 năm một lần. Ảnh: Aaron Ufumeli / EPA

Dữ liệu cho thấy, tình trạng thiếu nước hiện đang gây khó khăn cho cuộc sống của khoảng 3 tỷ người trên toàn thế giới. Hơn nữa, lượng nước ngọt có sẵn trung bình trên một người đã bị giảm khoảng 20% trong hơn 2 thập kỉ qua. Trong khi đó, số liệu thống kê cho thấy, hơn 1,5 tỷ người đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng thiếu nước hoặc thậm chí đối mặt với những đợt hạn hán kéo dài trên toàn cầu. Biến đổi khí hậu và nhu cầu gia tăng nông nghiệp nhưng lại quản lý kém đã khiến tình hình nông nghiệp toàn thế giới gặp nhiều bất ổn.

Hôm thứ năm vừa qua (26/11/2020), Liên Hợp Quốc đã đưa ra cảnh báo, hàng tỷ người sẽ phải đối mặt với tình trạng nghèo đói và thiếu lương thực trong thời gian dài do thất bại trong việc bảo tồn tài nguyên nước và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Ông Qu Dongyu, Tổng giám đốc Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc (FAO), cho biết: "Chúng ta cần xem vấn đề khan hiếm nước là một trong những vấn đề cấp thiết cần giải quyết, bao gồm cả sự mất cân bằng giữa cung và cầu đối với lượng nước tự nhiên và sự thiếu hụt lượng nước mưa". Ngoài ra, ông nhấn mạnh, "Tình trạng thiếu nước sạch cho người dân và khan hiếm nước trong nông nghiệp phải được giải quyết cấp bách và quyết liệt".

Theo định nghĩa, khan hiếm nước (water scarcity) là sự mất cân bằng giữa cung và cầu đối với các nguồn nước ngọt, còn thiếu nước (water shortage) là việc có ít mưa hơn.

Theo ông Qu, những mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, bao gồm xóa đói giảm nghèo và cải thiện khả năng tiếp cận nước sạch, vẫn đang được tiến hành và kiểm soát. Tuy nhiên, cần phải thực hiện nhiều hơn nữa để cải thiện hoạt động canh tác trên toàn thế giới và quản lý cân bằng các nguồn tài nguyên.

Hạn hán nghiêm trọng do ảnh hường của biến đổi khí hậu. Ảnh: Smithsonian Magazine

Báo cáo Tình trạng Lương thực và Nông nghiệp 2020 của FAO cho thấy, cứ 3 năm một lần, khoảng 50 triệu người châu Phi thuộc khu vực cận Sahara phải đối mặt với tình trạng hạn hán nghiêm trọng gây khô hạn đất nông nghiệp và các đồng cỏ. Ngoài ra, hơn 10% diện tích đất trồng trọt và khoảng 14% diện tích đồng cỏ phải chịu hạn hán thường xuyên.

Mức canh tác nông nghiệp nhờ nước mưa chiếm 60% sản lượng cây trồng toàn cầu và 80% diện tích đất canh tác, phần còn lại sử dụng nước từ nguồn canh tác thủy lợi. Tuy nhiên, vấn đề canh tác thủy lợi để tạo ra nguồn nước tưới không phải là cách giải quyết. Canh tác nước tưới không hợp lý sẽ gây lãng phí nguồn nước và làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên không thể tái tạo như các tầng chứa nước dưới đất. Ngoài ra, khai thác thủy lợi không hợp lý có thể gây ra tình trạng mất cân bằng trong phân bổ lượng nước, ví dụ như khai thác quá mức ở thượng lưu sẽ dẫn đến thiếu nước ở những vùng hạ lưu.

Tổ chức FAO cũng đưa ra cảnh báo, canh tác sản xuất lương thực cần thay đổi để giảm thiểu khí thải nhà kính và ngăn chặn biến đối khí hậu. Tuy nhiên, đây không phải là việc "một sớm một còn". Theo ông Qu, xã hội hiện nay đang dần chuyển sang chế độ ăn uống lành mạnh với các nguồn thực phẩm chủ yếu cần sử dụng nhiều nước như rau củ quả, các loại đậu, các loại hạt, gia cầm và các sản phẩm từ sữa. Vì vậy, sử dụng và khai thác nguồn tài nguyên nước bền vững là việc làm cần thiết hơn bao giờ hết. "Nông nghiệp sử dụng nguồn nước mưa lớn nhất trong thị phần sản xuất lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, để duy trì quá trình này, chúng ta cần cải thiện cách sử dụng nguồn nước mưa hiện đang dần trở nên hạn chế", ông Qu định hướng.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, vấn đề lương thực toàn cầu cũng gặp phải nhiều khó khăn trong năm nay. Tuy nhiên, theo báo cáo từ FAO, nhìn chung tình hình lương thực của các quốc gia vẫn ở mức tốt, chỉ duy một số khu vực ở châu Phi đang bị đe dọa bởi vấn đề thiếu lương thực nghiêm trọng.

Nguồn: The Guardian

Phương Thanh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/hon-3-ty-nguoi-tren-the-gioi-bi-anh-huong-nang-ne-boi-tinh-trang-thieu-nuoc-20201127235751188.htm