Hơn 3 thập kỷ truy tìm kẻ ám sát Thủ tướng Olof Palme

Hơn 3 thập kỷ kể từ sau vụ ám sát Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme gây chấn động dư luận, cuối cùng hung thủ thật sự cũng đã lộ mặt. Các công tố viên Thụy Điển đã chính thức khép lại cuộc điều tra kéo dài từ năm 1986.

Vợ chồng Thủ tướng Olof Palme trước khi bị ám sát.

Vợ chồng Thủ tướng Olof Palme trước khi bị ám sát.

130 người tự nhận là thủ phạm

Ngày 28/2/1986, Thủ tướng Olof Palme bị ám sát trên đường đi bộ về nhà sau khi xem suất phim tối cùng gia đình. Sát thủ bắn hai phát đạn, một phát trúng lưng làm ông Palme chết tại chỗ, phát thứ hai làm vợ ông, bà Lisbeth Palme, bị thương nhẹ. Sau khi gây án, tên sát thủ biến mất trong màn đêm và trở thành ẩn số khiến cảnh sát Thụy Điển đau đầu trong suốt hơn 3 thập niên.

Theo miêu tả của truyền thông Thụy Điển hơn 30 năm trước, sát thủ đã đặt một tay lên vai ông Palme, tay kia bắn một viên đạn từ khẩu súng ngắn (được cho là khẩu 357 Magnum) vào lưng ông. Viên đạn thứ hai người này nhắm vào bà Lisbeth nhưng chỉ sượt qua.

“Đó là tối thứ sáu, phố Sveavagen rất đông người. Họ cố gắng sơ cứu cho ông Palme đang nằm trên vỉa hè giữa vũng máu loang rộng. Sáu phút sau, ông được đưa đến bệnh viện gần nhất. Quá nửa đêm, ông chính thức được tuyên bố qua đời. Sau đó, người ta xác định viên đạn đã cắt đứt tủy sống của Thủ tướng và ông đã chết trước khi ngã xuống đất”, theo tờ New York Time.

Việc điều tra gặp nhiều khó khăn vì có quá nhiều giả thuyết được đặt ra với các chủ mưu đến từ… nhiều châu lục. Nguyên nhân là do ông Palme dù rất được lòng dân chúng nhưng đối với nhiều chính trị gia cả trong lẫn ngoài nước, ông thật sự là “một cái gai” cần phải nhổ bỏ.

Báo Le Figaro dẫn lời chuyên gia Clars Arvidsson cho biết ông Olof luôn mong muốn xây dựng Thụy Điển và tăng cường sự kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế. Về đối ngoại, ông không ngại công khai phản đối Mỹ về chiến tranh Việt Nam, chỉ trích chế độ Apartheid của Nam Phi, xem lực lượng PKK người Kurd là khủng bố hoặc kêu gọi châu Âu giải trừ vũ khí hạt nhân…

“Vết thương đã lành”

Khi Thủ tướng Palme bị giết, cảnh sát Thụy Điển có hàng chục hướng điều tra để triển khai cả trong lẫn ngoài nước, chưa kể giả thuyết hung thủ là một kẻ có vấn đề về tâm lý, hành động đơn độc. Theo báo Le Temps, từ năm 1986 đến nay có hơn 11.000 người bị xét hỏi, trong đó có 130 người tự nhận là… thủ phạm.

Thậm chí, năm 1989, qua xác nhận của bà Lisbeth Palme, nghi phạm Christer Pettersson đã bị bắt giữ và bị kết án chung thân nhưng sau đó được tòa phúc thẩm xử trắng án vì không đủ chứng cứ. Năm 2001, Pettersson thừa nhận việc gây án trong một bài báo và giải thích hành động của mình là để trả thù cho người bạn Lars Tingstrom bị kết án chung thân do thực hiện nhiều vụ đánh bom vào đầu thập niên 1980. Tingstrom đã viết đơn xin ân xá nhưng bị Thủ tướng Palme từ chối nên nuôi lòng căm hận. Tuy nhiên, sau đó, Pettersson lại bác bỏ thông tin trong bài báo và không tiết lộ gì thêm cho đến khi qua đời vào năm 2004.

Công tố viên trưởng Thụy Điển Krister Petersson cho biết, ông may mắn nắm được manh mối của vụ án từ nhà báo tự do có tên Thomas Pettersson, người đã giúp đưa ra những chứng cứ dẫn tới Stig Engstrom. Thomas Pettersson đã tìm ra mối quan hệ giữa sát thủ và một nhà sưu tập vũ khí. Hai người này cũng có chung quan điểm phản đối các chính sách của Thủ tướng Olof Palme.

Năm 2017, cảnh sát đã tìm được tại nhà của người sưu tầm vũ khí một khẩu súng có đặc điểm nhận dạng trùng với hung khí sát hại Thủ tướng Olof Palme. Nhà báo Thomas Pettersson cũng phát hiện ra Stig Engstrom thường làm việc khuya tại tòa nhà gần nơi xảy ra vụ ám sát và có mặt tại hiện trường vụ án. Tên này có tham gia câu lạc bộ bắn súng và có thái độ bất mãn với cuộc sống vào thời điểm đó.

Công tố viên trưởng Krister Petersson cho biết, có những bằng chứng cho thấy, người đã bắn Thủ tướng Olof Palme là Stig Engstrom, một nhà thiết kế đồ họa, người đã tự kết liễu đời mình vào năm 2000. “Vì đối tượng đã chết, cơ quan chức năng không thể buộc tội đối tượng và do vậy quyết định kết thúc cuộc điều tra”- ông Krister Petersson nói.

Thủ tướng đương nhiệm Thụy Điển Stefan Lofven gọi vụ án này là “vết thương hở của xã hội Thụy Điển” và “giải quyết vụ án là điều cực kỳ quan trọng”.

”Việc Thủ tướng bị ám sát là nỗi đau quốc gia. Tôi hi vọng bây giờ vết thương đó có thể chữa lành. Các công tố viên đã đi tới tận cùng vụ việc và tất nhiên, tốt nhất là có một bản án”, ông Lofven phát biểu ngày sau khi vụ án khép lại.

Đình Tú

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/hon-3-thap-ky-truy-tim-ke-am-sat-thu-tuong-olof-palme-490533.html