Hơn 3,5 triệu người Việt mắc đái tháo đường và sẽ tăng lên 6,3 triệu vào năm 2045

Khoảng hơn 3,5 triệu người Việt đang mắc đái tháo đường. Tỷ lệ người mắc đái tháo đường tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa. Dự kiến số người mắc đái tháo đường tại Việt Nam sẽ tăng lên gần 6.3 triệu vào năm 2045.

Trong bài trình bày về thực trạng và thách thức trong quản lý đái tháo đường tại Việt Nam và cập nhật khuyến cáo mới tại cuộc họp trực tuyến ra mắt công nghệ theo dõi tại Việt Nam diễn ra ngày 12/3, GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cho biết thông tin so với các nước khu vực, đến năm 2045, số người đái tháo đường ở Việt Nam sẽ tăng 78,5 % tương đương gần 6,3 triệu người; Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore tăng ít hơn, từ 37 đến 48%. Trong khi đó, số người bệnh tiểu đường ở Nhật Bản sẽ giảm khoảng 10%.

Tỷ lệ người mắc đái tháo đường tại Việt Nam tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa

Tỷ lệ người mắc đái tháo đường tại Việt Nam tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa

Tỷ lệ người mắc đái tháo đường tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa. Rất nhiều người ở độ tuổi 25-30 tuổi mắc đái tháo đường mà không biết. Đây là căn bệnh có diễn tiến âm thầm nhưng nguy hiểm. Tỷ lệ tử vong đứng thứ 3 trong các bệnh không lây nhiễm.

Đái tháo đường là tình trạng tăng glucose trong máu, là bệnh mạn tính, không thể chữa lành. Việt Nam có đến 55% bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng, chủ yếu là tim mạch, mắt, thần kinh và thận. Vì vậy phải kiểm soát đường trong máu thật tốt, ngăn ngừa biến chứng.

Tình hình kiểm soát đái tháo đường ở Việt Nam còn nhiều thách thức, chỉ có hơn 31% người đái tháo đường được chẩn đoán; và trong số bệnh nhân được chẩn đoán chỉ có gần 29% người được điều trị.

"Số được điều trị đã không nhiều, số được điều trị đạt yêu cầu cũng nhỏ. Đây là bức tranh không sáng sủa với đái tháo đường ở Việt Nam"- GS. TS Trần Hữu Dàng nói.

Thống kê cho thấy hơn 55% bệnh nhân đái tháo đường tại Việt Nam có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5 có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận. Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống. Vì vậy phải kiểm soát đường trong máu thật tốt, ngăn ngừa biến chứng.

Thế nhưng Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường cũng cho hay: Đường cao thì biến chứng xảy ra như mù mắt, nhồi máu cơ tim, suy thận... nhưng đường thấp hay hạ đường huyết thì tiên lượng tử vong còn nhanh hơn.

Bài toán đặt ra là không những kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân, nâng cao chất lượng sống mà ngăn ngừa biến chứng. Để làm được điều này, ngoài ăn uống, thể dục, thuốc men, cần phải kiểm soát đường huyết thật tốt nhưng không được để hạ đường huyết.

Insulin là thuốc căn bản đều trị đái tháo đường, song người dùng có nguy cơ hạ đường huyết rất cao. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dùng insulin phải theo dõi đường huyết nhiều lần trong ngày, khoảng 6-10 lần, song thực tế hầu hết người bệnh chỉ làm dưới 4 lần.

Trong hơn 30 năm qua, việc tự quản lý đường huyết bằng cách chích máu ngón tay, sử dụng que thử và máy đo cầm tay đã giúp việc kiểm soát đái tháo đường được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ cung cấp chỉ số đường huyết của từng lần đo, mỗi lần đo đều phải chích ngón tay để lấy máu...

Chăm sóc bàn chân của người bị đái tháo đường biến chứng tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương

“Việc quản lý đường huyết tốt và thường xuyên có thể giúp người mắc đái tháo đường điều chỉnh lối sống kịp thời, đồng thời cung cấp cho bác sĩ những thông tin hữu ích để điều chỉnh phương pháp điều trị.”- GS.TS Trần Hữu Dàng nhấn mạnh

Nếu không được quản lý tốt, đái tháo đường có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Theo một nghiên cứu của Đại học Y Dược Huế công bố vào đầu năm 2020, số người mắc đái tháo đường đang phải đối mặt với chứng trầm cảm ở Việt Nam là tương đối cao.

Do vậy, trong hướng dẫn quốc gia do Bộ Y tế ban hành về chẩn đoán và điều trị đái tháo đường tuýp 2, việc đo đường huyết liên tục được khuyến nghị cho những người muốn quản lý đường huyết tốt hơn và những người nhập viện cần theo dõi sát đường huyết...

Tại Hội thảo triển khai Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2 do Bộ Y tế tổ chức mới đây, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, các bệnh không lây nhiễm đang ngày một gia tăng và ngày càng trẻ hóa. “Cuộc chiến với các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng cũng chả kém gì cuộc chiến với dịch COVID-19”- Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nói.

Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phố biển trên toàn cầu. Bệnh đái tháo đường gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận và cắt cụt chi.

Thế giới hiện có 463 triệu người độ tuổi 20-79 tương đương 1 trong 11 người lớn đang sống với bệnh đái tháo đường trong năm 2019. Dự đoán vào năm 2045, con số này sẽ tăng tới khoảng 700 triệu người, tương đương 1 người trong 10 người lớn có bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, gần một nửa số người đang sống với bệnh đái tháo đường không được chẩn đoán, chiếm 46,5%, tỷ lệ này ở khu vực Tây Thái Bình Dương là 52,1%. Ước tính hơn 4 triệu người trong độ tuổi từ 20-79 đã tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến đái tháo đường trong năm 2019.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hon-35-trieu-nguoi-viet-mac-dai-thao-duong-va-se-tang-len-63-trieu-vao-nam-2045-n188130.html