Hơn 3.300 ha ngô ở Điện Biên bị sâu keo mùa thu phá hoại

Theo thống kê từ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên, toàn tỉnh hiện có hơn 3.300 ha ngô của người dân ở chín huyện, thị xã bị sâu keo mùa thu phá hoại. Trong đó, Tủa Chùa là địa phương có nhiều diện tích ngô bị sâu keo mùa thu gây hại nhất (hơn 2.200 ha).

Cán bộ Trạm BVTV huyện Tủa Chùa đánh giá mức độ gây hại của sâu keo mùa thu trên cây ngô.

Cán bộ Trạm BVTV huyện Tủa Chùa đánh giá mức độ gây hại của sâu keo mùa thu trên cây ngô.

NDĐT - Theo thống kê từ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên, toàn tỉnh hiện có hơn 3.300 ha ngô của người dân ở chín huyện, thị xã bị sâu keo mùa thu phá hoại. Trong đó, Tủa Chùa là địa phương có nhiều diện tích ngô bị sâu keo mùa thu gây hại nhất (hơn 2.200 ha).

Ông Nguyễn Trọng Kính, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Điện Biên, cho biết: Sâu keo mùa thu có tên khoa học Spodoptera frugiperda. Đây là loài sâu ngoại lai mới xâm lấn vào Việt Nam, có khả năng di trú xa, gây hại mạnh trên cây ngô và nhiều loại cây trồng khác. Khác với các loài từng gây hại trước đây, sức ăn của sâu keo mùa thu rất khỏe, một cá thể sâu trưởng thành có thể ăn hết phần ngọn cây ngô trong vài ngày và thải ra lượng phân lớn. Sâu tuổi nhỏ thường tập trung nhiều cá thể trên một cây. Cây ngô đã bị sâu này gây hại khó có khả năng phục hồi, vì loài sâu này thường cắn đứt ngọn cây ngô sau đó chúng mới ăn khuyết dần các lá tiếp theo.

Tại tỉnh Điện Biên, loài sâu này được phát hiện từ đầu tháng 4-2019, rải rác tại xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa), đến nay hơn 2.200 ha tại 11 xã trong huyện Tủa Chùa bị sâu gây hại; mật độ sâu phổ biến từ 8-10 con/m2. Ở huyện Tuần Giáo, sâu keo mùa thu cũng gây hại chủ yếu trên cây ngô tại hai xã Pú Nhung, Quài Nưa - thủ phủ cây ngô ở Tuần Giáo khiến người trồng ngô hết sức lo lắng.

Anh Vàng Dìn Tài ở xã Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa, cho biết: Vụ ngô năm nay, gia đình trồng hơn 3 ha nhưng thời điểm này đã phát hiện gần 2 ha ngô bị ảnh hưởng bởi sâu hại. Vì nghĩ là sâu thông thường như mọi năm nên khi phát hiện cây ngô bị ăn lá, gia đình đã mua thuốc về phun thì thấy sâu không chết mà chúng tiếp tục lan sang diện tích khác nhiều hơn. Đến nay, rất nhiều diện tích ngô của người dân xã Tả Sìn Thàng đều bị loại sâu này gây hại.

Nương ngô ở Tủa Chùa bị sâu keo mùa thu phá hoại.

Để bảo vệ diện tích ngô hiện có, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu keo mùa thu gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, đã ban hành công văn khẩn gửi UBND các huyện, khuyến cáo người dân cần chủ động vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại, làm kỹ đất để hạn chế nơi trú ngụ của sâu; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt khi cây ngô trong thời kỳ sinh trưởng từ 3-6 lá để phát hiện ổ trứng.

Đối với diện tích ngô từ 5-7 lá bị sâu keo phá hoại nặng thì tiến hành phun các loại thuốc có hoạt chất Bacillus thuringienis, Spinetoran; Indoxacar, Lufenuron hoặc phun một số thuốc hóa học có trên địa bàn tỉnh mà đã được thử nghiệm cho hiệu quả diệt trừ cao, như: Thamaten 150SC, Obaona 95WG (chứa hoạt chất Indoxacar). Quá trình phun phòng phải tuân thủ nguyên tắc “bốn đúng” và chỉ thực hiện phun thuốc bảo vệ thực vật vào sáng sớm hoặc chiều mát.

Tin, ảnh: LÊ LAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/40344902-hon-3-300-ha-ngo-o-dien-bien-bi-sau-keo-mua-thu-pha-hoai.html