Hơn 3.300 doanh nghiệp do nữ làm chủ được nâng cao năng lực quản trị

Đã có 7.700 phụ nữ đã tham gia các khóa học, hơn 1.500 doanh nghiệp thực hiện nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm về nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc, thị trường và cộng đồng.

Sau 3 năm thực hiện dự án “Dấu ấn hành trình – WeEmpower Asia”, đã có hơn 3.300 doanh nghiệp do nữ làm chủ được nâng cao năng lực về quản trị doanh nghiệp và thích ứng với bối cảnh Covid-19 và bình thường mới. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Dấu ấn hành trình” do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức ngày 10/5, tại Hà Nội.

Chương trình Dấu ấn hành trình (WeEmpower Asia) sau 3 năm thực hiện (2019-2022) tại Việt Nam đã cung cấp cho các cơ quan và doanh nghiệp có thêm thông tin, kinh nghiệm để thúc đẩy các sáng kiến nâng cao quyền kinh tế của phụ nữ, kiến tạo cơ hội việc làm, thu nhập bình đẳng, môi trường làm việc tốt cho người lao động phát huy hết khả năng để cống hiến và hưởng lợi, hướng tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và xã hội.

Khi quyền lợi giữa nam giới và phụ nữ ngang nhau, năng suất lao động tăng và lợi nhuận doanh nghiệp cũng tăng.

Khi quyền lợi giữa nam giới và phụ nữ ngang nhau, năng suất lao động tăng và lợi nhuận doanh nghiệp cũng tăng.

Chương trình đã lồng ghép giới vào Nghị định 80, quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Hỗ trợ Cục Phát triển Doanh nghiệp nghiên cứu và xây dựng Chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ giai đoạn 2021-2025…Trong 15 tháng, có 7.700 phụ nữ đã tham gia các khóa học, hơn 1.500 doanh nghiệp nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm về nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc, thị trường và cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, dự án như một yếu tố phát triển bền vững cho chặng đường tiếp theo trong hành trình đồng hành và hỗ trợ cộng đồng doanh nhân nữ Việt Nam.

“Hội đồng doanh nhân nữ so sánh thúc đẩy bình đẳng giới bằng chỉ số kinh tế là cách tiếp cận khác biệt so với UN Women. Hội đồng coi bình đẳng giới vừa là vấn đề xã hội, vừa là vấn đề kinh tế lớn lao. Khi quyền lợi giữa nam giới và phụ nữ ngang nhau, năng suất lao động tăng và lợi nhuận doanh nghiệp sẽ tăng. Quyền lợi của doanh nghiệp có doanh nhân nữ làm chủ cần sớm được đưa vào chính sách”, bà Tuyết Minh chỉ rõ.

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam khẳng định, sau khi chương trình kết thúc sẽ tiếp tục được mở rộng và kéo dài nhằm bảo đảm phụ nữ đóng góp và hưởng lợi công bằng trong bối cảnh sau đại dịch.

“Việc trao quyền cho phụ nữ thông qua Chương trình We Empower Asia thực sự đã đạt được những tiêu chuẩn và mục tiêu, đạt được khuôn khổ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để hướng tới thúc đẩy và thực hiện đảm bảo một mục tiêu phát triển bền vững cũng như tăng cường hơn nữa việc trao quyền cho phụ nữ. UN Women hy vọng rằng, kết quả tích cực của chương trình này sẽ là nỗ lực không ngừng để chúng ta tiếp tục có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia hơn nữa để thực hiện nguyên tắc của Chương trình We Empower Asia”, bà Elisa Fernandez Saenz nêu rõ./.

Kim Thanh/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/hon-3300-doanh-nghiep-do-nu-lam-chu-duoc-nang-cao-nang-luc-quan-tri-post942899.vov