Hơn 3.000 nhà nghiên cứu/ 1 công trình khoa học quốc tế

Thanh Hóa hiện đang có 3.116 cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học, tuy nhiên trong năm 2019 chỉ có 1 công trình được công bố ở cấp quốc tế.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mới đây, tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo số 213/BC-UBND về tình hình thực hiện chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KH-CN) giai đoạn 2011-2020 năm 2019 trên địa bàn. Trong báo cáo này có nhiều con số cần phân tích và khá thú vị.

Báo cáo cho thấy trong năm 2019, tỉnh Thanh Hóa đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KH-CN gần 141 tỉ đồng. Trong đó, chi sự nghiệp khoa học hơn 115 tỉ đồng (cao gấp 2,3 lần Trung ương phân bổ), chi đầu tư phát triển KH-CN hơn 23 tỉ đồng, Trung ương hỗ trợ, bổ sung 1,9 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 0,47% trong tổng chi ngân sách tỉnh Thanh Hóa năm 2019.

Đáng chú ý, theo báo cáo này, hiện toàn tỉnh Thanh Hóa có 3.116 cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (có 18 phó giáo sư, 149 tiến sĩ, 1.067 thạc sĩ...), quy đổi sẽ là 1.229 cán bộ nghiên cứu toàn thời gian tương đương (tăng 8% so với năm 2015 là 1.131 cán bộ), đạt tỷ lệ 3,5 người/1 vạn dân.

Năm 2019, số lượng công trình khoa học công bố trong nước là 19 công trình gồm: Sách, 15 bài viết đăng tạp chí, 3 bài viết tham dự hội thảo; 1 bài giảng và có 1 công trình khoa học (bài viết hội thảo) công bố quốc tế.

Thực sự đây là một tỷ lệ quá thấp so với số lượng cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học và số tiền đầu tư cho các công trình nghiên cứu. Trên tổng số 3.116 cán bộ mà số lượng công trình trong nước là 19 và chỉ có 1 công trình khoa học (bài viết hội thảo) được công bố quốc tế. Tính gộp lại thì tỷ lệ công trình so với số lượng cán bộ nghiên cứu chỉ đạt 0,006%, thật là một con số khiến người ta ngỡ ngàng bởi số kinh phí chi cho nghiên cứu khoa học đạt tỷ lệ 0,47% trong tổng chi ngân sách tỉnh.

Xét một cách toàn diện thì câu chuyện hơn 3.000 cán bộ nghiên cứu khoa học ở tỉnh Thanh chỉ đưa ra được 1 công trình công bố ở cấp quốc tế cũng không phải là điều gì quá sốc trong tình hình chung của cả nước. Mỗi năm, Việt Nam có thêm hàng ngàn GS và PGS được công nhận đạt chuẩn, còn số lượng tiến sĩ tính đến hết năm 2013 đã vào khoảng 24.000 người, mỗi năm con số này lại được bổ sung thêm một lực lượng hùng hậu.

Tuy nhiên, con số các công trình khoa học công bố quốc tế, các phát minh sáng chế thì rất èo uột, thua xa các nước trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2016, Thái Lan có số công bố gấp gần 3 lần Việt Nam; Malaysia gấp 4 lần; còn Singapore gấp tới gần 5 lần.

Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wales, Australia, ước tính đến năm 2030, số bài báo khoa học của Việt Nam cũng chỉ bằng Singapore hiện tại, và đến năm 2025 Việt Nam bằng Thái Lan năm 2016. Tức là Việt Nam tụt hậu 10 năm so với Thái Lan và 15 năm so với Singapore về công bố ISI.

Phải chăng vì người Việt ưa học gạo để lấy bằng cấp nhằm mua chút oai danh với đời, phục vụ cho công cuộc lên chức là chính, còn thực chất việc nghiên cứu khoa học ấy đóng góp gì cho thực tiễn, giúp ích được gì cho cuộc sống của người dân thì có lẽ đang bị số đông các nhà “nghiên cứu khoa học” xem nhẹ.

Bởi vậy nên chúng ta mới có những con số kỷ lục không đâu có: Hơn 3.000 cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học nhưng chỉ có 1 công trình nghiên cứu công bố quốc tế.

Mi An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/nguoi-viet/hon-3000-nha-nghien-cuu-1-cong-trinh-khoa-hoc-quoc-te-3394007/