Hơn 28.000 tỷ đồng bảo vệ, phát triển rừng Tây Nguyên

Sáng 24/5, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị triển khai Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 – 2030. Đề án đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 diện tích rừng Tây Nguyên đạt khoảng 2,72 triệu ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49,2%...với tổng vốn đầu tư hơn 28.000 tỷ đồng.

Phấn đấu diện tích rừng đạt 2,72 triệu ha

Ngày 18/3, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 – 2030 (gọi tắt là đề án 297), với mục tiêu nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng. Đến năm 2030, diện tích rừng đạt khoảng 2,72 triệu ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49,2%...

Đề án cũng hướng tới việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng... khu vực Tây Nguyên.

Mục tiêu của Đề án 297 là đến năm 2030, diện tích rừng đạt khoảng 2,72 triệu ha.

Mục tiêu của Đề án 297 là đến năm 2030, diện tích rừng đạt khoảng 2,72 triệu ha.

Ông Cao Chí Công - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm Nghiệp, Bộ NNPTNT cho biết, tính đến năm 2018, tổng diện tích đất có rừng của các tỉnh Tây Nguyên là hơn 2,5 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng toàn vùng đạt 46,01%. Như vậy để đạt được con số mà đề án đặt ra thì 5 tỉnh Tây Nguyên phải cố gắng rất nhiều.

Trong 4 tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng đã phát hiện 1.185 vụ vi phạm quy định về bảo vệ và phát triển rừng.

Tuy vậy, số vụ vi phạm quy định về bảo vệ và phát triển rừng tại Tây Nguyên vẫn rất lớn, cần giải quyết sớm. Cụ thể trong 4 tháng đầu năm 2019 đã phát hiện 1.185 vụ vi phạm (giảm 247 vụ so với cùng kỳ năm 2018), diện tích rừng bị thiệt hại là 255,27 ha (tăng 46,59 ha, tương ứng tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2018).

Ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Lâm Đồng là tỉnh có độ che phủ rừng cao, nhưng chịu áp lực lớn từ tác nhân gây mất rừng và suy thoái rừng đang diễn ra phức tạp, vì vậy đơn vị đã nỗ lực kết nối các lực lượng, người dân, cộng đồng, chính quyền địa phương, lực lượng bảo vệ rừng của các chủ rừng Nhà nước và các doanh nghiệp, các bên liên quan để hạn chế số vụ vi phạm”.

Tây Nguyên là trọng điểm phá rừng

Phát biểu tại hội nghị, ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng thường trực Bộ NNPTNT nhận định: “Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng cả về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng và môi trường cho khu vực và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và vùng hạ lưu sông Mê Kông, với diện tích rừng chiếm hơn 46% diện tích tự nhiên của vùng”.

Nhưng cũng theo ông Tuấn, từ năm 2010 đến 2015, Tây Nguyên là khu vực có tốc độ suy giảm rừng nhanh nhất cả nước. Rừng Tây Nguyên suy giảm nghiêm trọng cả về diện tích, chất lượng. Độ che phủ của rừng giảm 5,8%, trữ lượng rừng giảm hơn 25,5 triệu m3 (tương ứng giảm 7,8% tổng trữ lượng). Việc chuyển đổi rừng sang mục đích khác, tình trạng dân di cư tự do, xâm lấn đất trái phép, vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng xảy ra nghiêm trọng và diễn biến phức tạp.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhận định Tây Nguyên là khu vực có tốc độ suy giảm rừng nhanh nhất cả nước.

Ông Tuấn đề nghị các tỉnh Tây Nguyên cần xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án theo các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp; chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện hiệu quả đề án 297. Ngoài ra các tỉnh cần có kế hoạch, kịch bản, giải pháp cụ thể để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ về bảo vệ rừng, phát triển rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, sắp xếp đổi mới công ty lâm nghiệp trên địa bàn, chỉ đạo các chủ rừng hoàn thành việc xây dựng phương án quản lý rừng bền vững v.v...

Được biết tổng vốn thực hiện Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 – 2030 là 28.554 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước 7.800 tỷ đồng, vốn ODA 3.750 tỷ đồng, vốn ngoài ngân sách 17.000 tỷ đồng.

Văn Long

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/hon-28000-ty-dong-bao-ve-phat-trien-rung-tay-nguyen-982517.html