Hơn 201 triệu người trên thế giới đã bình phục sau khi mắc COVID-19

Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 11/9 cho thấy, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 581.834 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 224.600.252 ca, trong đó 4.629.624 ca tử vong và 201.119.167 ca đã được chữa khỏi.

Cho đến nay thế giới đã ghi nhận tổng số hơn 224 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 201 triệu người đã bình phục (Ảnh minh họa: AA)

Cho đến nay thế giới đã ghi nhận tổng số hơn 224 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 201 triệu người đã bình phục (Ảnh minh họa: AA)

Hiện Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới về số ca mắc COVID-19. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới là 166.627 ca, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 41.737.153 ca, trong đó 676.934 ca đã tử vong.

Trong khi đó, số ca nhiễm mới ghi nhận ở Ấn Độ trong 24 giờ qua là 37.873 ca. Tổng số ca nhiễm tại nước này 33.200.877 ca, trong đó 442.350 ca đã tử vong.

Brazil vẫn là quốc gia đứng thứ ba thế giới về số ca mắc với 20.974.850 ca và số ca tử vong là 585.923 ca.

Đứng thứ tư về số ca nhiễm là Anh với 7.168.806 ca, trong đó 133.988 ca đã tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua ở quốc gia này là 37.622 ca.

Với 7.102.625 ca nhiễm, Nga theo sát Anh là quốc gia đứng thứ năm thế giới về số ca nhiễm, trong đó 191.165 ca tử vong. Ngày hôm qua, nước này ghi nhận 18.341 ca nhiễm mới.

Tính theo khu vực, châu Á là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (72.406.044 ca), vượt xa châu Âu (56.617.025 ca). Tiếp đến là Bắc Mỹ với 50.097.873 ca và Nam Mỹ với 37.210.704 ca. Châu Phi (8.086.143 ca) và châu Đại Dương (181.742 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.

Tại châu Đại Dương, lần đầu tiên từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Australia ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày lên tới gần 1.900 ca. Riêng bang tâm dịch New South Wales (NSW) trong ngày 10/9 phát hiện 1.542 ca mới, vượt con số cao nhất ghi nhận trong tuần trước là 1.533 ca. Đáng lo ngại, số bệnh nhân COVID-19 cần nhập viện tại Sydney trong 2 tuần qua đã tăng gấp 2 lần, lên 6.000 ca. Thực tế này gia tăng sức ép lên ngành y tế. Số ca tử vong ở Australia hiện là 1.076 ca.

Tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) ngày 9/9 đã đưa Nhật Bản, Albania, Armenia, Azerbaijan, Brunei và Serbia ra khỏi danh sách đi lại an toàn, đồng nghĩa với việc người nhập cảnh EU từ nhóm 6 nước trên sẽ phải chịu các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn như xét nghiệm COVID-19 và cách ly. Hiện danh sách đi lại an toàn trong dịch COVID-19 của EU còn 12 quốc gia, trong đó có Australia, Canada và Saudi Arabia.

Tại châu Á, Nhật Bản vừa xác nhận 18 trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Eta của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, số ca mắc mới ở Nhật Bản đang có xu hướng giảm. Ngày 9/9, nước này chỉ ghi nhận thêm 10.397 ca mắc mới trên toàn quốc, giảm 2.001 ca so với một ngày trước đó. Chính phủ Nhật Bản đã thông qua kế hoạch cơ bản về nới lỏng các biện pháp hạn chế liên quan tới dịch COVID-19 trên cơ sở đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine.

Trong khi đó, cơ quan y tế Malaysia đã phát hiện 2 trường hợp là người nước ngoài nghi nhiễm biến thể Mu và biến thể Lambda khi tiến hành xét nghiệm COVID-19 tại lãnh thổ liên bang Labuan. Cục Y tế Labuan cho biết đây là 2 thủy thủ làm việc trên một con tàu.

Bộ Y tế Campuchia cho biết, từ ngày 31/3 đến ngày 9/9, Viện Pasteur Campuchia đã phát hiện 3.731 trường hợp nhiễm biến thể Delta tại 24/25 tỉnh thành phố trên cả nước; tỉnh Kep là tỉnh duy nhất chưa phát hiện ca nhiễm biến thể này. Dựa trên tỷ lệ lây nhiễm có xu hướng giảm ổn định và tỷ lệ tiêm chủng tại thủ đô Phnom Penh, chính quyền thủ đô ngày 10/9 thông báo toàn bộ các trường trung học công lập và tư thục ở thành phố sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 15/9 tới./.

K.G

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/hon-201-trieu-nguoi-tren-the-gioi-da-binh-phuc-sau-khi-mac-covid-19-590683.html