Hơn 20 năm mở phòng khám miễn phí cho bệnh nhân: Câu chuyện cảm động về những người thầy thuốc nghỉ hưu

Đều đặn hơn 20 năm qua, các y, bác sĩ tóc của Bệnh viện Quân y 175 vẫn hằng ngày đến thăm khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho những người khó khăn tại phòng khám từ thiện nội tổng quát ở quận Gò Vấp, TPHCM.

Theo Truyền hình Quốc hội Việt Nam, phòng khám do các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 sau khi nghỉ hưu đứng ra thành lập từ năm 1995. Từ một căn nhà nhỏ được lãnh đạo UBND phường 3 quan tâm, tạo điều kiện về quỹ đất của cấp ủy, chính quyền phường 3 và sự đóng góp của các mạnh thường quân, phòng khám được xây dựng mới và hoạt động trở lại đến hôm nay.

Phòng khám từ thiện hiện có 4 bác sĩ, 2 dược sĩ, 2 lương y, 7 điều dưỡng, duy trì hoạt động từ sáng thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, một ngày trung bình có từ 20 đến 30 bệnh nhân đến khám, điều trị chủ yếu là bà con nghèo, người cao tuổi... ở khu vực quận Gò Vấp và các khu vực lân cận.

Hàng tuần, cựu chiến binh Quách Gia Nga (phường 3, quận Gò Vấp) đều thu gom số thuốc dư thừa của các hội viên, bà con trong khu phố để mang đến cho phòng khám làm nguồn thuốc quý giá phát cho mọi người chữa bệnh. "Thuốc dư thừa sau khi được tập trung tại phòng khám, sẽ được phân loại theo từng loại bệnh và lựa chọn những loại thuốc hạn sử dụng còn dài", ông Nga chia sẻ với Đài PT&TH Hà Nội.

Tuy nguồn thuốc không đa dạng như ở bệnh viện nhưng hầu như thuốc nào cũng có và chưa bao giờ gián đoạn. Số thuốc được kiểm tra hạn sử dụng, nhập vào sổ và công khai khi giao ban hằng tuần.

Các bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh nội khoa về tim mạch, huyết áp, xương khớp... đội ngũ y bác sĩ là những người có nhiều năm công tác trong bệnh viện, người dân đến khám rất yên tâm và tin tưởng. Đến nay, có người đã gắn bó với phòng khám trên 20 năm mà không nhận đồng lương nào, thậm chí họ còn bỏ tiền túi để mua thuốc giúp đỡ bệnh nhân.

Là người gắn bó từ ngày đầu thành lập đến nay, BS Phạm Hùng Kỳ (80 tuổi) mái tóc bạc phơ cho biết mỗi sáng phòng khám phục vụ cho hơn 20 người bệnh, sau dịch, số người đến khám giảm hơn đôi chút.

Bác sĩ Kỳ tâm sự: "Các y, bác sĩ nghỉ hưu đến đây làm như đam mê, niềm vui mỗi ngày, cứ còn sức khỏe là còn làm".

Bác sĩ Phạm Hùng Kỳ (80 tuổi) tham gia khám, phát thuốc tại đây từ những ngày đầu thành lập đến nay. Ảnh: Báo Thanh niên

Bác sĩ Phạm Hùng Kỳ (80 tuổi) tham gia khám, phát thuốc tại đây từ những ngày đầu thành lập đến nay. Ảnh: Báo Thanh niên

Bà Nguyễn Thị Hoa (68 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) đã trở thành "bệnh quen" của các y, bác sĩ về hưu. Trước khi biết đến phòng khám, bà Hoa thường đo huyết áp tại nhà thuốc tây hoặc đến bệnh viện khám rồi mua thuốc.

"Bệnh tuổi già dai dẳng, huyết áp, thoái hóa cột sống, đau nhức xương khớp, tôi cứ đến đây khám để nhận thuốc, thấy bớt hẳn. Các y, bác sĩ thân thiện nên mình không ngại ngần gì. Tôi cũng không tốn tiền khám hay mua thuốc ở ngoài nữa, mỗi lần khám sẽ nhận được 10 ngày thuốc. Hàng xóm của tôi nhiều người cũng đến đây khám thường xuyên", bà Hoa tâm sự với Báo Thanh Niên.

Để duy trì phòng khám, ngoài sự đóng góp của Hội Cựu chiến binh phường, bệnh viện Quân y 175, còn có sự giúp đỡ của các mạnh thường quân. Đặc biệt, nhiều người dân sau khi mua thuốc bên ngoài điều trị khỏi bệnh, số thuốc còn dư đã được gửi đến phòng khám để có thêm thuốc điều trị cho người bệnh.

Với những đóng góp thiết thực, hiệu quả, PKTT đã được Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tuyên dương là tập thể điển hình “Dân vận khéo” 2018; nhiều bằng khen, giấy khen của UBND thành phố và các cấp, các ngành ở địa phương.a

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/am-long-hon-20-nam-mo-phong-kham-mien-phi-cho-ba-con-cua-bac-si-ve-huu-7280.html