Hơn 20 năm lái ca nô vượt biển cứu người

Trong chuyến công tác đến huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), chúng tôi có dịp gặp ông Lương Văn Long, sinh năm 1964, quê ở xã Quan Lạn (Vân Đồn, Quảng Ninh), người đã hơn 20 năm bám biển cứu người. Công việc của ông là lái ca nô cấp cứu, vượt biển vận chuyển bệnh nhân từ Trung tâm Y tế huyện Cô Tô vào đất liền. Nhờ sự tận tụy của ông, nhiều bệnh nhân đã được đưa đến bệnh viện cứu chữa kịp thời, thoát khỏi cơn nguy kịch...

Bà Phạm Thị Ngọc (61 tuổi, quê ở thôn Hải Tiến, xã Đồng Tiến, huyện đảo Cô Tô) tâm sự: “Nhờ có ông Long mà tôi sống được đến ngày hôm nay. Gia đình tôi biết ơn ông ấy lắm”. Theo lời kể của bà Ngọc, khoảng 18 giờ 40 phút ngày 6-12-2017, bà được đưa tới trung tâm y tế trong tình trạng đau tức ngực. Sau khi thăm khám, bà được các bác sĩ chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp. Sau cấp cứu ban đầu và cho thở oxy, dùng các thuốc giảm đau, chống đông, bà Ngọc được vận chuyển bằng ca nô cấp cứu vào chữa trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.

Ông Long còn nhớ, buổi tối hôm ấy, đang ăn cơm thì nhận được tin báo có bệnh nhân cấp cứu. Ông buông vội bát cơm ăn dở, nhanh chóng cùng các y tá vận chuyển bệnh nhân lên ca nô cấp cứu. Từ huyện đảo Cô Tô vào đất liền bình thường chỉ đi mất một giờ, nhưng bệnh nhân đang trong cơn nguy kịch nên thời gian như dài ra, bởi ông không chỉ đối mặt với sóng biển mà còn phải giành giật sự sống cho người bệnh. Sau quá trình điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, tình trạng sức khỏe bà Ngọc đã ổn định. Bà Bùi Thị Thuy, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cô Tô chia sẻ: “Bệnh nhân phải đưa vào đất liền cấp cứu chủ yếu là khách du lịch bị tai nạn hoặc các trường hợp vượt ngoài khả năng điều trị của trung tâm. Những lúc như vậy, ông Long lại phải lái chiếc ca nô cấp cứu vượt biển để đưa người bệnh đến bệnh viện kịp thời. Nhờ những đóng góp của ông mà đội ngũ y sĩ, bác sĩ của trung tâm như được tiếp thêm lửa nhiệt huyết và truyền cảm hứng với nghề, cố gắng hơn nữa trong công việc của mình”.

 Ông Lương Văn Long (ngoài cùng, bên trái) cùng các y sĩ, bác sĩ đưa bệnh nhân lên ca nô chở đi cấp cứu trong đất liền.

Ông Lương Văn Long (ngoài cùng, bên trái) cùng các y sĩ, bác sĩ đưa bệnh nhân lên ca nô chở đi cấp cứu trong đất liền.

Với những bệnh nhân bị bệnh nặng, không thể di chuyển trên biển được, ông Long phải lái ca nô vào đất liền đón bác sĩ ra đảo để cấp cứu cho bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh cho biết: “Tối mồng 3 Tết âm lịch năm 2018, đang trong ca trực ở bệnh viện, tôi nhận được tin báo có ca mổ gấp ngoài huyện đảo Cô Tô. Chuẩn bị đồ dùng, dụng cụ xong thì ông Long tới đón chúng tôi”. Vừa trầm ngâm nghĩ lại, bác sĩ Hùng vừa kể: “Ngồi trên chiếc ca nô đi giữa đêm đông gió rét, nghe từng đợt sóng đánh ầm ầm vào mạn, có cảm giác như mũi ca nô bị nhấn chìm xuống biển, rồi lại bất ngờ dềnh lên như muốn hất tung chúng tôi lên. Ngoài trời tối đen như mực, sương mù dày đặc, ngay trong ca nô cũng không nhìn rõ mặt người, vậy mà chiếc xuồng cấp cứu nhỏ bé giữa bốn bề trùng khơi cứ lao vun vút như bay trên mặt biển, đưa chúng tôi cập bến an toàn. Mổ cấp cứu cho bệnh nhân xong thì trời cũng gần sáng. 7 giờ sáng hôm sau, ông Long lại vội vã lái ca nô đưa đoàn cấp cứu chúng tôi quay trở lại bệnh viện để bắt đầu một ngày làm việc mới”.

Tâm sự với chúng tôi, ông Long bộc bạch, trước khi đến với công việc này, ông từng có thời gian dài lái tàu đánh cá, đối mặt với nhiều dông bão. Vì vậy, ông đúc kết được nhiều kinh nghiệm đi biển. Đến năm 1995, được một bác sĩ giới thiệu công việc lái ca nô cấp cứu từ Cô Tô vào đất liền, không chần chừ, ông đồng ý ngay, mặc dù tiền lương công việc mới không bằng thu nhập ở tàu đánh cá, lại không tự chủ được về thời gian và phải sống xa gia đình. Thế nhưng nghĩ đến cảnh những bệnh nhân trong cơn nguy kịch không được cấp cứu kịp thời, ông gác hết mọi suy tính và nhận lời làm công việc đầy khó khăn, nguy hiểm này. Ông Long chia sẻ: “Hồi đó, phương tiện duy nhất của tôi là chiếc xuồng nhỏ không mái che, mỗi lần chở bệnh nhân vào đất liền mà gặp mưa gió thì cả đoàn ướt hết. Sau này, chiếc xuồng được thay thế bằng ca nô có mái che, việc di chuyển trên biển vừa nhanh và an toàn hơn”.

Thời điểm ông Long mới vào nghề, trình độ các y sĩ, bác sĩ trên đảo còn hạn chế nên ông phải thường xuyên chở bệnh nhân vào đất liền chữa trị. Trung bình mỗi tuần có khoảng 3 đến 5 bệnh nhân phải đưa vào đất liền để cấp cứu. Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Cô Tô đã có đội ngũ y sĩ, bác sĩ với năng lực chuyên môn được nâng cao. Trung tâm cũng được bổ sung nhiều trang thiết bị hiện đại. Vì vậy, số lượng bệnh nhân phải vận chuyển vào đất liền cũng ít hơn. Vậy nhưng khi trời trở bão, trong khi tất cả các tàu thuyền đều bị cấm ra khơi hoặc tìm chỗ trú tránh thì ông Long vẫn sẵn sàng lên đường, vững tay lái góp phần bảo vệ tính mạng cho những người trên ca nô và cho chính bản thân mình. Mỗi chuyến đi cấp cứu với ông trong điều kiện thời tiết xấu như một trận chiến căng thẳng. Ông Long còn nhớ chuyến đi cách đây 3 năm: “Hôm đó, dự báo có bão, nhưng 11 giờ đêm có ca bệnh cần được cấp cứu, tôi và các y tá phải đưa người bệnh đi trong đêm. Đi được 15 phút thì dông bão ầm ầm kéo đến, mưa như trút nước, sóng đập vào hai bên mạn ca nô trắng xóa. Lúc đó có muốn quay lại cũng không được, cả đoàn chúng tôi chỉ còn cách đối mặt với bão mà tiến về phía trước. Mỗi lần sóng đập mạnh vào ca nô, mọi người trong đoàn rất sợ hãi. Tôi cũng rất lo lắng nhưng xác định mình phải bình tĩnh, trấn an cả đoàn và quyết tâm vượt qua thử thách. Chỉ đến khi vào đến bờ, tôi mới biết mình và mọi người đã thoát chết”.

Không chỉ thiên nhiên làm khó con người mà cả những yếu tố khách quan khác cũng như thách thức những người làm nhiệm vụ cấp cứu. Có những lần ca nô bị hỏng giữa biển, ông Long lại tự mình mày mò tìm cách khắc phục, sửa chữa để vào được bờ nhanh nhất. Ông cho biết: “Ca nô bị hỏng nhẹ thì mình còn mày mò sửa chữa được chứ nếu đã chết máy giữa biển thì không cách nào khắc phục được và nguy cơ bị sóng đánh chìm là rất cao. Vì vậy, trước khi xuất phát tôi luôn kiểm tra kỹ càng hệ thống máy móc, nhiên liệu của ca nô để bảo đảm chắc chắn chuyến đi cấp cứu được thuận lợi”.

Công việc khó khăn, gia đình lại ở Vân Đồn, nên ông Long phải sống xa nhà, mỗi khi muốn về thăm vợ con, ông phải sắp xếp công việc thật khéo mới về được 1-2 ngày rồi lại tất tưởi quay trở lại Cô Tô. “Về thăm nhà, nhưng trong lòng cứ bồn chồn không yên, chỉ lo khi mình không có mặt, mà có bệnh nhân cần đưa đi cấp cứu…”, ông Long bộc bạch.

Với nhiều người, Tết là khoảng thời gian gia đình sum họp, quây quần bên nhau đón năm mới, còn với ông Long, bao nhiêu ngày nghỉ Tết là bấy nhiêu ngày ông có mặt trên đảo. Ông tâm sự: “Tôi thương vợ lắm, một mình ở nhà quán xuyến công việc gia đình. Những khi phải đưa người bệnh đi cấp cứu trong thời tiết dông bão, tôi cũng không nói với vợ con, để gia đình bớt lo. Biết công việc của tôi vất vả, nguy hiểm, nhưng bà xã vẫn động viên tôi cố gắng giúp đỡ mọi người”.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh cho biết: “Tôi và đồng nghiệp đã nhiều năm tiếp nhận và cứu chữa những bệnh nhân được anh Long vận chuyển từ Cô Tô vào đất liền. Tôi rất nể phục và đánh giá cao sự nhiệt huyết và tấm lòng nhân ái của anh Long. Qua tấm gương của anh, chúng tôi cũng thêm yêu nghề và có thêm động lực để cố gắng hơn nữa cứu chữa người bệnh”.

Hơn 20 năm bám biển cứu người, ông Lương Văn Long đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn về điều kiện thời tiết, hoàn cảnh gia đình để hoàn thành tốt các chuyến đi, kịp thời đưa người bị nạn vào đất liền. Dù không nhớ nổi mình đã đi bao nhiêu chuyến, giúp bao nhiêu người được cấp cứu, cứu sống, nhưng ông bảo, mỗi chuyến vượt biển cứu người là một thử thách. Bằng tấm lòng, tình cảm, trách nhiệm của mình, ở tuổi “ngũ tuần”, ông Long vẫn miệt mài lái ca nô vượt sóng gió đưa người bệnh đi cấp cứu kịp thời. “Chân còn vững, tay lái còn chắc, mắt còn tinh thì tôi còn tiếp tục với công việc này để giúp thêm nhiều người bệnh được cứu chữa. Chỉ mong những ngày chiếc ca nô của tôi “ế khách” thôi”, ông Long hóm hỉnh tâm sự khi chia tay chúng tôi.

Bài và ảnh: THÙY DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-noi-theo-guong-sang-bac-ho/hon-20-nam-lai-ca-no-vuot-bien-cuu-nguoi-576410