Hơn 20.000 hướng dẫn viên du lịch hoang mang vì sắp bị 'trói'

Nhiều hướng dẫn viên du lịch tự do hoang mang, bày tỏ những ý kiến trái chiều về việc phải tham gia vào công ty hoặc hội theo Luật du lịch 2017.Theo quy định của Luật Du lịch 2017, hướng dẫn viên chỉ được hành nghề khi đáp ứng cả 3 điều kiện.

Nhiều hướng dẫn viên du lịch tự do hoang mang, bày tỏ những ý kiến trái chiều về việc phải tham gia vào công ty hoặc hội theo Luật du lịch 2017.

Mới đây, Tổng cục Du lịch Việt Nam ban hành văn bản số 1342 đề nghị Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành triển khai quản lý hướng dẫn viên du lịch theo quy định của Luật Du lịch năm 2017, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Thông tin khiến nhiều hướng dẫn viên (HDV) du lịch hoang mang, tranh luận gay gắt nhất là việc muốn hành nghề bắt buộc phải làm việc trong một doanh nghiệp hoặc gia nhập vào Hội hướng dẫn viên du lịch Việt Nam. Trong khi phần lớn hướng dẫn viên hiện nay đều làm việc tự do, không thuộc quân số của đơn vị nào.

Tối ngày 4/12, cộng đồng HDV du lịch Việt Nam đã tổ chức buổi Talk show tên gọi True Voice of Vietnamese Tour Guide - Tiếng nói Hướng dẫn viên Việt Nam nhằm thảo luận những khúc mắc xung quanh vấn đề này.

Buổi Talk show "True Voice of Vietnamese Tour Guide".

Buổi Talk show "True Voice of Vietnamese Tour Guide".

Anh Nguyễn Thế Anh, đại diện cộng đồng hướng dẫn viên du lịch Việt Nam bày tỏ lo lắng khi hướng dẫn viên vốn Tổng cục Du lịch quản lý, giờ lại thêm doanh nghiệp, hoặc tổ chức xã hội - nghề nghiệp thì hướng dẫn viên coi “một cổ đeo mấy tròng”

Tính đến nay, mới có một hội được công nhận là Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam. Nhưng anh Thế Anh cho rằng hội này chưa lý giải rõ ràng với hướng dẫn viên rằng họ sẽ được lợi ích gì khi thay vì việc làm tự do không gia nhập Hội.

“Mức phí được đề nghị làm thẻ hội viên là 500.000 đồng và 1 triệu đồng với phí thường niên, mức phí tuy không nhiều nhưng chúng tôi chưa thấy hợp lý”, anh Thế Anh nói.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch hội hướng dẫn viên du lịch Việt Nam giải thích: “Trong điều lệ chúng tôi đã quy định tiền phí của hội viên sẽ công khai minh bạch, có kiểm toán quốc tế. Một hội chỉ tồn tại bằng tiền hội phí thì không thể hoạt động được, tiền hội phí sẽ phục vụ lại hội viên về bồi dưỡng tập huấn, hoạt động tổ chức sự kiện của chính các bạn. Chúng ta không nên quá băn khoăn về việc này vì mọi thứ sẽ công khai”.

Ông Bình cho rằng việc thành lập hội và yêu cầu các HDV tham gia là cần thiết. Hội sẽ bảo vệ quyền lợi, cung cấp thông tin, tập huấn kỹ năng cho HDV.

“Mọi người không hiểu cái tự do trong khuôn khổ để đảm bảo tăng trưởng du lịch ổn định. 3 năm vừa qua sau rất nhiều tranh luận trên báo chí, các cuộc hội thảo, mọi người mới thống nhất với nhau rằng đội ngũ hướng dẫn viên phải được hành nghề tự do nhưng phải có một hệ thống theo dõi hỗ trợ cho họ. Theo thông lệ quốc tế nó phải là một hội, tổ chức xã hội”, ông Bình nói.

TS luật Hoàng Ngọc Giao, Hội luật gia Việt Nam cũng đồng tình với việc thành lập một hội dành cho các hướng dẫn viên.

Theo TS Giao nếu hội được thành lập theo đúng tinh thần, không có sự áp đặt, thành viên sẽ cùng thảo luận để đưa ra các quy tắc, nói lên tiếng nói của mình. “Nhà nước giám sát hoạt động của hướng dẫn viên thông qua thanh tra. Hai cái đó phải tách rời nhau, không nên lẫn lộn giữa chuyện Nhà nước giám sát hướng dẫn viên du lịch thông qua Hội”, TS Giao bày tỏ.

TS luật phân tích quyết định thành lập Ban chấp hành Hội hướng dẫn viên Việt Nam phải theo Nghị định 45/2010 của Chính Phủ. Hội là một tổ chức quần chúng tự nguyện.

“Tôi đã xem quyết định thành lập Hội hướng dẫn viên Việt Nam. Tôi xin phép nói thẳng, tôi nghi ngờ quyết định này sai quy định của pháp luật. Việc thành lập hội không phải bắt đầu từ một quyết định của Bộ Nội vụ cho phép Hiệp hội du lịch Việt Nam thành lập Hội hướng dẫn viên du lịch Việt Nam”, TS Hoàng Ngọc Giao nói.

Theo quy định của Luật Du lịch 2017, hướng dẫn viên chỉ được hành nghề khi đáp ứng cả 3 điều kiện.

Thứ nhất, có thẻ hướng dẫn viên du lịch. Thứ hai, có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội-nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa. Thứ ba, có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch; đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.

Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam chính thức ra mặt ngày ngày 03/11/2017

Số liệu từ Tổng cục Du lịch, cả nước hiện có hơn 20.000 hướng dẫn viên du lịch nội địa và quốc tế.

Tất Định

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/hon-20000-huong-dan-vien-du-lich-hoang-mang-vi-sap-bi-troi-a211771.html