Hơn 2.600 tỷ vốn nhà nước tại Vinatex được chuyển giao về SCIC

Giá trị vốn đầu tư của nhà nước tại Vinatex chuyển giao về SCIC là trên 2.600 tỷ đồng, chiếm 53,49% vốn điều lệ của Vinatex.

Vinatex không phải là tập đoàn có vốn lớn nhất nhưng lực lượng lao động lại rất đông đảo

Vinatex không phải là tập đoàn có vốn lớn nhất nhưng lực lượng lao động lại rất đông đảo

Bộ Công Thương và Tổng công ty Đầu tư & kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa tổ chức lễ chuyển giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) về SCIC.

Theo biên bản chuyển giao được ký kết, giá trị vốn đầu tư của nhà nước tại Vinatex chuyển giao về SCIC là trên 2.600 tỷ đồng, chiếm 53,49% vốn điều lệ của Vinatex. Trước đó, ngày 29/1/2015 Vinatex đã hoàn thành cổ phần hóa và hoạt động theo hình thức công ty cổ phần. Vinatex hiện có 15 công ty con và 19 công ty liên kết.

Tuy đã chính thức chuyển giao về SCIC nhưng Vinatex là tập đoàn lớn nên sau khi bàn giao Bộ Công Thương sẽ duy trì quản lý về ngành dệt may, còn các vấn đề khác sẽ phối hợp với SCIC để giải quyết và xử lý.

Phát biểu tại lễ chuyển giao, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch SCIC, cho rằng dù Vinatex không phải là tập đoàn có vốn lớn nhất nhưng lực lượng lao động lại rất đông đảo. Hiệu quả vận hành của Vinatex có ảnh hưởng xã hội lớn nên SCIC sẽ phối hợp với Vinatex để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường. Cùng đó, SCIC cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để nếu có khó khăn vướng mắc thì sẽ tìm biện pháp giải quyết nhanh chóng, đưa hoạt động kinh doanh của Vinatex ngày phát triển hơn.

Ông Nguyễn Đức Chi cũng kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương tiếp tục rà soát các doanh nghiệp mà Bộ đang còn đại diện chủ sở hữu vốn, nếu thuộc danh mục bàn giao thì sớm cho chỉ đạo để bàn giao; kể cả doanh nghiệp không thuộc danh mục, nếu cần thiết thì cũng báo cáo Chính phủ để quá trình tái cấu trúc này được thực hiện nhanh chóng và sớm nhất.

Tại lễ bàn giao, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex, kiến nghị 3 vấn đề.

Thứ nhất, Vinatex cần được hỗ trợ giải quyết nhanh việc tăng vốn nhà nước bằng quyền chuyển đổi sử dụng đất để chi trả quyền lợi cổ đông cho phù hợp. Mặc dù Bộ Tài chính đã có ý kiến nhưng theo điều lệ công ty và quy định thì khó khăn.

Thứ hai, theo ông Lê Tiến Trường, nhóm các công việc liên quan đơn vị sự nghiệp, quyết toán đơn vị sự nghiệp, quyết toán cổ phần hóa Viện Dệt may và Viện Mẫu thời trang, cụm đơn vị sự nghiệp nên tạm thời giao cho Vinatex quản lý. Với đơn vị này thì khó quay về các Bộ nên cần quyết định dứt điểm và cần quản lý điều hành cho hợp lý.

Hơn nữa, việc thoái vốn tại 15 doanh nghiệp; trong đó, 12 đơn vị tái cơ cấu thuộc danh mục và 3 đơn vị bổ sung, đáng lẽ phải thực hiện năm 2017 nhưng vẫn chưa thực hiện được vì chưa có quyết định người đại diện vốn triển khai. Ông Trường đề xuất sớm xử lý vấn đề này.

Theo Bộ Công Thương, tiếp theo việc chuyển giao Vinatex, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo xử lý tồn tại, hoàn thiện hồ sơ tại 5 doanh nghiệp còn lại do Bộ quản lý để chuyển giao vốn nhà nước về SCIC theo quy định.

Minh An

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/hon-2600-ty-von-nha-nuoc-tai-vinatex-duoc-chuyen-giao-ve-scic-20180504224216433.htm