Hơn 2.000 sinh viên ĐH Công nghiệp TP.HCM tự ý bỏ học: Vào đại học để xả hơi?

Từ sự việc Đại học Công nghiệp TP.HCM (UIH) cảnh báo 2.252 sinh viên tự ý bỏ học trong một học kỳ cho thấy, hiện tượng sinh viên mải chơi, bỏ bê học tập hiện nay là một thực tế buồn và diễn ra phổ biến.

Đầu tháng 12, trường ĐH Công nghiệp TP.HCM (UIH) công bố 6 quyết định cảnh báo học vụ đối với 2.252 sinh viên của trường. Trong đó, 1.182 sinh viên đại học hệ chính quy ở các khóa khác nhau, 1.070 sinh viên cao đẳng chính quy và 11 sinh viên hệ đại học liên thông vừa học vừa làm.

Bậc đào tạo đại học chính quy có 282 sinh viên khóa 2016 - 2020; 393 sinh viên bậc đại học hệ chính quy khóa 2017 - 2021; 507 sinh viên khóa 2018 - 2022. Cao đẳng chính quy có 162 sinh viên khóa 2017 - 2020; 897 sinh viên khóa học 2018 - 2021 và 11 sinh viên hệ đại học liên thông vừa học vừa làm khóa 2018 - 2020.

Theo đại diện ĐH Công nghiệp TP.HCM, những sinh viên bị cảnh báo học vụ nói trên là những sinh viên tự ý bỏ học trong học kỳ I, năm học 2019 - 2020. Cứ mỗi kỳ, trường sẽ thống kê điểm trung bình tích lũy của sinh viên và đưa ra cảnh báo với những em có vấn đề trong học tập như không có điểm do bỏ học hoặc vắng thi.

Quy chế đào tạo của ĐH Công nghiệp TP.HCM có quy định, sinh viên tự ý bỏ học trong một học kỳ sẽ bị cảnh báo. Nếu 2 học kỳ liên tiếp sinh viên vẫn vắng học, không có điểm, nhà trường sẽ ra quyết định buộc thôi học.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Những sinh viên bỏ học, vắng thi chủ yếu được xác định là mải đi làm thêm, gia đình cho tiền nhưng không đóng học phí, một số có tư tưởng vào đại học để "xả hơi" nên bỏ bê việc học…

Không chỉ riêng ĐH Công nghiệp TP.HCM, thời gian qua có nhiều trường đại học đưa ra cảnh báo, đình chỉ, buộc thôi học hàng trăm, thậm chí cả nghìn sinh viên. Cụ thể, năm 2019, ĐH Luật TP.HCM cảnh báo học vụ 169 sinh viên; năm 2018, ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM cảnh báo học vụ 2.135 sinh viên; Năm 2017, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cảnh báo và buộc thôi học 600 sinh viên…

Theo lý giải của lãnh đạo một số trường ĐH, mỗi năm có hàng trăm thậm chí hàng nghìn sinh viên bị đuổi học cũng là lẽ "bình thường" bởi những sinh viên không đáp ứng được nhu cầu của chương trình học, do không đủ năng lực, ý thức học tập.

Đồng thời, những em thuộc diện "cảnh báo" cũng cần phải nghiêm túc hơn trong học tập. Điều đáng buồn, để vào được đại học cũng khá vất vả, song nhiều sinh viên lại có tư tưởng vào đại học để chơi dẫn đến kết quả học tập sa sút.

Theo PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, hàng năm trường cũng luôn đưa ra những cảnh báo, thậm chí ra quyết định đình chỉ học tập đối với sinh viên. Vào đại học để chơi, xả hơi là một tư tưởng rất phổ biến và rất buồn đối với nhiều sinh viên tại một số trường đại học hiện nay.

Một số em học tập vất vả, nỗ lực vào đại học, nhưng đến khi vào được rồi lại có một ý thức kém, coi là đã xả hơi, nhất là các em xa gia đình, đây là thực trạng buồn, nguy hiểm.

"Chính vì thế, số sinh viên "ra trường rất sớm" mà nói đúng ra là bị buộc thôi học lại là các em sinh viên có tư tưởng xả hơi nằm trong số đấy rất là nhiều. Tôi khuyên là nên giữ được ngọn lửa ở phổ thông, tiếp tục chủ động trong học tập. Có rất nhiều em vào đại học nhưng không tốt nghiệp được, điều này rất buồn cho bản thân sinh viên và gia đình" - PGS.TS Trần Văn Tớp đưa ra lời khuyên.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/hon-2000-sinh-vien-dh-cong-nghiep-tphcm-tu-y-bo-hoc-vao-dai-hoc-de-xa-hoi-20191219160930423.htm