Hơn 2.000 môtô bị tiêu hủy sau một vụ án mạng

Chính quyền thành phố lớn nhất Nigeria là Lagos ngày 3/6 đã tiêu hủy hơn 2.000 chiếc môtô, sau khi áp dụng lệnh cấm người dân sử dụng phương tiện này để chạy xe ôm.

Động thái cấm xe ôm hoạt động của chính quyền thành phố Lagos diễn ra sau vụ việc kỹ sư Sunday David nghi bị người lái xe ôm giết hại tại khu phố Lekki sau khi hai bên bất đồng về giá xe. Cái chết của người đàn ông 38 tuổi đã gây ra làn sóng phẫn nộ và buộc giới chức phải hành động.

Vợ anh, Grace Bolu, hiện không biết phải nuôi hai đứa con ăn học ra sao. “Tôi chỉ là một công chức. Thu nhập chính đến từ chồng tôi. Tôi phải làm thế nào? Lương của tôi làm sao đủ để trả học phí, trả tiền thuê nhà?”, cô nói với BBC.

Thống đốc Babajide Sanwo-Olu - người công bố lệnh cấm vào tháng trước - cho biết quy định mới sẽ hạn chế mối đe dọa đến từ xe ôm. Xe ôm (gọi là okada) tại Lagos vốn nổi tiếng với việc di chuyển tốc độ nhanh và mạo hiểm len lỏi qua các con phố tắc nghẽn của thành phố.

"Chúng ta có thể phòng tránh được những vụ tai nạn đang diễn ra hàng ngày khi những người lái xe không tuân thủ mọi luật lệ giao thông”, ông nói. Lệnh cấm áp dụng cho 6 khu vực và có hiệu lực từ hôm 1/6.

 Một số người hoan nghênh lệnh cấm, nhưng số khác nói nghề xe ôm mang lại thu nhập quan trọng cho nhiều đối tượng. Ảnh: BBC.

Một số người hoan nghênh lệnh cấm, nhưng số khác nói nghề xe ôm mang lại thu nhập quan trọng cho nhiều đối tượng. Ảnh: BBC.

Theo số liệu của chính phủ, từ năm 2016-2019, 10.000 vụ tai nạn và hơn 600 ca tử vong liên quan tới xe ôm được ghi nhận tại các bệnh viện trên khắp Lagos. Trong số 20.596 phương tiện tham gia vào các vụ va chạm trên đường phố vào năm ngoái, xe máy liên quan tới 4.428 vụ - chiếm hơn 20%.

Lệnh cấm vấp phải phản ứng trái chiều từ cư dân địa phương. Một số người đồng tình bởi cách người lái xe ôm đi lại rất nguy hiểm, trong khi có ý kiến cho rằng nghề xe ôm mang lại thu nhập cho người trẻ tuổi.

“Đất nước này vẫn còn nghèo đói. Lệnh cấm không hề thực tế”, một cư dân nói. “Đây là nghề mà một số người làm để nuôi sống bản thân”.

Cũng có những lo ngại một số người lái xe ôm nhàn rỗi có thể trở thành tội phạm khi mất việc. Ở Nigeria, nghề xe ôm không chỉ tạo công ăn việc làm cho một số lượng lớn người dân, mà nhu cầu sử dụng xe ôm tại đây cũng lớn bởi tính thuận tiện.

Đây là lần thứ 2 chính quyền ông Sanwo-Olu ban hành lệnh cấm xe ôm. Kể từ năm 1999, mọi thống đốc của Lagos đều từng ban hành lệnh cấm một phần hoặc toàn bộ hoạt động của môtô.

Mỗi lần như vậy, việc môtô quay trở lại đường phố chỉ là vấn đề thời gian, chủ yếu là do cảnh sát không thể giám sát hết mọi hoạt động.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hon-2000-moto-bi-tieu-huy-sau-mot-vu-an-mang-post1323476.html