Hơn 170 nhà thầu dự hội nghị kêu gọi đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam

Sáng 17-5, Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị kêu gọi đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Hội nghị thu hút 100 tổ chức, doanh nghiệp trong nước và hơn 70 tổ chức, doanh nghiệp quốc tế đến từ các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Singapore.

Hội nghị kêu gọi đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, sáng ngày 17-5-2019.

Hội nghị kêu gọi đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, sáng ngày 17-5-2019.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Nhật cho biết: Hành lang vận tải Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP Hồ Chí Minh, đi qua 32 tỉnh, thành phố và kết nối bốn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền trung, phía nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long; kết nối các đô thị lớn, các cảng biển, trung tâm kinh tế.

Theo nghiên cứu của các tổ chức tư vấn trong nước và quốc tế, dự báo đến năm 2020 nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa trên hành lang vận tải Bắc - Nam sẽ vượt tổng năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Do đó nhu cầu đầu tư, tăng cường năng lực kết cấu hạ tầng trên tuyến bắc nam là rất cần thiết.

Ngày 22-11-2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 52/2017/QH14 thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Trước mắt đầu tư 11 dự án thành phần với chiều dài khoảng 654km, đi qua 13 tỉnh, thành phố, gồm ba dự án đầu tư công và tám dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP), với tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước đóng góp thực hiện dự án là 55 nghìn tỷ đồng đầu tư cho ba dự án đầu tư công, hỗ trợ toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng và góp phần xây dựng một phần công trình bảo đảm tính khả thi của dự án.

Đến nay, Bộ Giao thông vận tải đang gấp rút triển khai công tác thiết kế kỹ thuật và giải phóng mặt bằng. Tất cả các địa phương cảm kết giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành trong năm 2019.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, theo quy định của pháp luật Việt Nam, tám dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư sẽ được thực hiện đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà thầu, bảo đảm việc triển khai công cụ đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam, hình thức phù hợp với thông lệ quốc tế. Sau hơn một năm chuẩn bị đến nay, hồ sơ mời thầu tuyển nhà đầu tư của tám dự án đã được ban hành, toàn bộ hồ sơ sơ tuyển đã được đăng tải trên cổng thông tin Bộ Giao thông vận tải.

“Nhằm tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư có đủ năng lực tham gia dự án, các tiêu chí sơ tuyển, các nhà đầu tư sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng, tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm sự công bằng, bình đẳng, cạnh tranh và minh bạch, không phân biệt nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Bất kỳ nhà đầu tư nào đáp ứng đủ năng lực kinh nghiệm, cung cấp dịch vụ tốt nhất với chi phí hợp lý sẽ được lựa chọn để thực hiện dự án”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, Bộ Giao thông vận tải đề cao việc huy động nguồn lực về tài chính, công nghệ tiên tiến, trình độ quản lý hiệu quả từ khu vực tư để góp phần triển khai thành công dự án nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội đáp ứng mục tiêu hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước. Chính phủ và các bộ, ngành địa phương cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để bảo đảm dự án hoàn thành đúng tiến độ yêu cầu.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tổng kết hội nghị, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 là một trong hai dự án trọng điểm quốc gia, giai đoạn 2016-2020. Chính phủ Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cam kết trong hồ sơ mời thầu để các nhà đầu tư có thể yên tâm khi trúng thầu và thực hiện thì các nhà đầu tư chỉ lo phần vốn của mình để có thể triển khai.

“Mặt bằng đã chuẩn bị, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước đã có, do đó thành công hay không chúng tôi phải chọn lựa các nhà đầu tư uy tín, có kinh nghiệm, có tài chính tốt, có quan hệ tốt với các tổ chức tín dụng để chúng ta thực hiện. Chúng tôi hy vọng tất cả các nhà đầu tư sẽ nghiên cứu một cách nghiêm túc và khi trúng thầu thì phải thực hiện đúng các cam kết trong hồ sơ dự thầu cũng như hồ sơ mời thầu mà chúng tôi đã đưa ra. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ đồng hành cùng các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất để chúng ta có thể hoàn thành dự án này, bảo đảm tiến độ và chất lượng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Theo nghiên cứu của các tổ chức tư vấn trong nước và quốc tế, dự báo đến năm 2020 nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa trên hành lang vận tải Bắc - Nam là 45,37 triệu hành khách/năm và 62,27 triệu tấn hàng hóa/năm. Đến năm 2020, nếu không có tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông hoặc đường sắt tốc độ cao thì nhu cầu vận tải trên hành lang vận tải Bắc - Nam sẽ vượt tổng năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khoảng 5,92 triệu hành khách/năm và 14,5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Quy hoạch xây dựng đường bộ cao tốc Việt Nam

Chính phủ Việt Nam đã quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 gồm 21 tuyến với tổng chiều dài 6.411km, trọng tâm là đường bộ cao tốc trên hành lang kinh tế Bắc - Nam.

Tuyến đường bộ cao tốc trên hành lang kinh tế Bắc - Nam kéo dài từ Lạng Sơn đến thành phố Cà Mau dài khoảng 2.109km, trong đó đã khai thác và đang đầu tư khoảng 601km.

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần, trong đó có ba dự án đầu tư công và tám dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư.

Ba dự án đầu tư công gồm: đoạn Cao Bồ-Mai Sơn, đoạn Cam Lộ-La Sơn và đoạn cầu Mỹ Thuận 2.

Tám dự án đầu tư theo hình thức PPP gồm: Đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45, đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn, đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu, đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt, đoạn Nha Trang-Cam Lâm, đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo, đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết, đoạn Phan Thiết-Dầu Giây.

Thông tin chung về Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Dự ánxây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 nhằm mục tiêu: Cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh Việt Nam sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết trong cộng đồng ASEAN, WTO và hội nhập quốc tế sâu rộng; Đáp ứng nhu cầu vận tải một số giai đoạn cấp bách trên tuyến Bắc - Nam với năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông; Kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội, trung tâm kinh tế TP Hồ Chí Minh, với bốn vùng kinh tế trọng điểm, các khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu và các cửa khẩu, cảng biển quốc tế; Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo đảm quốc phòng an ninh.

Để phát triển dự án Chính phủ Việt Nam cam kết bố trí vốn thực hiện toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng, bố trí góp vốn của Nhà nước để hỗ trợ xây dựng công trình nhằm bảo đảm tính khả thi tài chính cho dự án. Chính phủ Việt Nam cũng thực hiện các cơ chế ưu đãi và bảo đảm đầu tư cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khi tham gia đầu tư dự án.

BÔNG MAI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/40218602-hon-170-nha-thau-du-hoi-nghi-keu-goi-dau-tu-du-an-duong-bo-cao-toc-bac-nam.html