Hơn 150 người thiệt mạng tại Indonesia và Timor Leste do lũ lụt

Theo nhà chức trách Indonesia và nước láng giềng Timor Leste, có ít nhất 157 người thiệt mạng và hàng chục người khác vẫn còn mất tích sau khi cơn bão nhiệt đới Seroja tấn công.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân tại hiện trường vụ sạt lở đất do mưa lớn ở Đông Flores, Indonesia ngày 5/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân tại hiện trường vụ sạt lở đất do mưa lớn ở Đông Flores, Indonesia ngày 5/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 6/4, nhà chức trách Indonesia và nước láng giềng Timor Leste thông báo đã có ít nhất 157 người thiệt mạng và hàng chục người khác vẫn còn mất tích sau khi cơn bão nhiệt đới Seroja tấn công hai quốc gia Đông Nam Á này, gây lở đất, lũ quét và khiến hàng nghìn người mất nhà cửa.

Cơ quan quản lý và giảm thiểu thiên tai Indonesia (BNPB) cho biết ít nhất 130 người đã thiệt mạng tại một cụm đảo gần Timor Leste, nơi cũng ghi nhận 27 trường hợp thiệt mạng trong các vụ sạt lở đất, lũ quét và cây đổ.

Lực lượng cứu hộ ở Indonesia đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm hơn 70 người còn mất tích, đồng thời sử dụng máy đào để dọn sạch đất đá ngổn ngang.

Người phát ngôn BNPB Raditya Jati bày tỏ lo ngại nhiều khả năng thời tiết cực đoan sau cơn bão trên sẽ xảy ra trong vài ngày tới.

Theo BNPB, cơn bão nhiệt đới Seroja đã ảnh hưởng tới các hòn đảo ở phía Đông Nam của Indonesia và Timor Leste, gây ra các trận lũ quét, sạt lở đất kèm theo mưa lớn vào cuối tuần qua.

Nhiều khu vực sinh sống của người dân bỗng chốc trở thành các vùng đất hoang ngập trong bùn, hàng loạt cây cối bị bật gốc, hàng nghìn ngôi nhà cũng như các bệnh viện và cây cầu bị phá hủy trong thảm họa. Hơn 10.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Lũ lụt kèm theo sạt lở đất thường xảy ra tại Indonesia vào mùa mưa. Hồi tháng Một vừa qua, một trận lũ quét đã bất ngờ xảy ra ở thị trấn Sumedang, Tây Java khiến 40 người thiệt mạng.

Trước đó, vào tháng 9/2020, ít nhất 11 người đã thiệt mạng trong các trận lở đất ở Borneo.

BNPB ước tính có 125 triệu người Indonesia, gần một nửa dân số, sống trong các khu vực có nguy cơ sạt lở đất. Theo các nhà bảo vệ môi trường, thảm họa thường do nạn phá rừng gây ra./.

Phương Oanh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/hon-150-nguoi-thiet-mang-tai-indonesia-va-timor-leste-do-lu-lut/704380.vnp