Hơn 140 triệu phụ nữ châu Á-Thái Bình Dương chưa được tiếp cận kế hoạch hóa gia đình

Ngày 11/7, tại Hà Nội, Bộ Y tế cùng Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) khu vực châu Á-Thái Bình Dương và UNFPA tại Việt Nam đã tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới khu vực châu Á- Thái Bình Dương với chủ đề 'Thành công của kế hoạch hóa gia đình là tiền đề cho phát triển bền vững'.

Những thách thức về việc thực hiện KHHGĐ ở châu Á-Thái Bình Dương

Các đại biểu tham gia tọa đàm

Tại buổi lễ, các đại biểu đã chia sẻ và thảo luận về những thành tựu về kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) đã đạt được trong thời gian qua cũng như các thách thức trong công tác tuyên truyền vận động và cung cấp các thông tin về dịch vụ chăm sóc chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục (SKSS/SKTD) tại Việt Nam và trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tất cả các bên đã tái khẳng định sự cam kết và tiếp tục hỗ trợ để đạt được tiếp cận phổ cập các dịch vụ KHHGĐ nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. KHHGĐ hiện là một vấn đề liên quan mật thiết với thanh niên, vì họ đang bước vào gia đoạn trưởng thành và rất nhiều người trong số họ chẳng bao lâu nữa sẽ kết hôn và sinh con. Đầu tư vào KHHGĐ ngày hôm nay là đầu tư vào sức khỏe và hạnh phúc của hàng triệu trẻ em gái, phụ nữ và các thế hệ trẻ mai sau.

Ông Bjorn Andersson - Giám đốc UNFPA của khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhận định: "Lần đầu tiên trong lịch sử, số phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên sinh sống tại các quốc gia đang phát triển hiện đang sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại lên tới gần 700 triệu người. Tuy nhiên, hiện nay hơn 140 triệu phụ nữ tại khu vực này vẫn chưa được đáp ứng nhu cầu về KHHGĐ, đặc biệt ở khu vực Nam Á có hơn 70 triệu người vẫn chưa được đáp ứng các nhu cầu đó".

Bà Astrid Bant - Trưởng Đại diện của Văn phòng UNFPA tại Việt Nam

Bà Astrid Bant - Trưởng Đại diện của Văn phòng UNFPA tại Việt Nam cho biết, có 6,3 triệu là trẻ em gái vị thành niên ở độ tuổi sinh hoạt tình dục đang sinh sống tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương chưa được đáp ứng nhu cầu về KHHGĐ. Nếu không đảm bảo được quyền tiếp cận tới thông tin và dịch vụ có chất lượng cho thanh niên và vị thành niên, ước tính hàng năm trong khu vực có tới 3,6 triệu ca phá thai không an toàn.

Thiếu thông tin và dịch vụ sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe và cuộc sống của trẻ em, vị thành niên và người trưởng thành, bao gồm: Tử vong chu sinh (hiện tượng tử vong thai nhi và trẻ sơ sinh trong tuần đầu tiên sau khi chào đời), tử vong sơ sinh, ung thư cổ tử cung; vô sinh, các nguy cơ lây nhiễm HIV, các hậu quả về thể chất, tâm lý và xã hội…

Còn theo bà Ingrid Fitzgerald - Cố vấn về Giới và Nhân quyền của văn phòng UNFPA tại khu vực xhâu Á-Thái Bình, bình đẳng giới đóng vai trò quan trọng trong công tác KHHGĐ. Tiếp cận các thông tin và dịch vụ KHHGĐ và quyền lựa chọn thời điểm sinh con và khoảng cách giữa các lần sinh chính là chìa khóa để đạt được quyền của phụ nữ".

UNFPA cam kết sẽ tiếp tục công tác hỗ trợ các chính phủ và nhân dân khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam nhằm đảm bảo rằng mọi người dân đều có thể được tiếp cận phổ cập tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong đó bao gồm các dịch vụ chăm sóc SKSS/SKTD.

Kế hoạch Chiến lược của UNFPA nhằm giải quyết rất nhiều vấn đề trong phát triển bền vững với mong muốn hoàn thành 3 mục tiêu mang tính thay đổi cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương và cho toàn thế giới. 3 mục tiêu mang tính thay đổi này bao gồm: Không có tử vong mẹ; Không có nhu cầu chưa được đáp ứng về KHHGĐ; Không có bạo lực giới và các hành vi có hại liên quan tới bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

KHHGĐ ở Việt Nam

Ông Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế

Tại buổi lễ, ông Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc đảm bảo tiếp cận các dịch vụ KHHGĐ. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai đã tăng từ 37% vào năm 1988 lên 67% vào năm 2016. Tỷ lệ tử vong mẹ trên toàn quốc đã giảm đáng kể từ 233/100.000 ca sinh sống trong những năm 1990 xuống còn 58/100.000 ca sinh sống năm 2016. Tổng tỷ suất sinh đã giảm hơn một nửa, từ mức trung bình 5 con/cặp vợ chồng tại thời điểm những năm 1970 xuống mức sinh thay thế 2,09 năm 2006.

Các kết quả công tác dân số-KHHGĐ đạt được góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện đời sống nhân dân. Đầu tư vào các chương trình dân số-KHHGĐ đã tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội và tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2%/năm, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của đất nước".

Một tiết mục văn nghệ của các cháu thiếu nhi tại buổi mít tinh

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều thách thức trong công tác KHHGĐ. Nhu cầu về các biện pháp tránh thai hiện đại trong nhóm dân số trẻ chưa kết hôn hiện vẫn đang ở mức cao. Vẫn còn nhiều khoảng trống trong công tác cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc SKSS/SKTD cho thanh niên và vị thành niên, bao gồm chương trình giáo dục giới tính toàn diện và có chất lượng. Xóa bỏ những khoảng trống nói trên có thể mang lại lợi ích cho mọi người dân, đặc biệt là cho đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào hiện đang sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa sẽ giúp phát huy được hết tiềm năng của họ. Đầu tư vào chăm sóc sức khỏe và phát triển cho thanh niên và vị thành niên sẽ giúp quốc gia gặt hái được nhiều lợi ích kinh tế xã hội to lớn và lâu dài.

Năm 2018 kỷ niệm 50 năm Hội nghị Quốc tế về Quyền con người (năm 1968). Tại hội nghị này, lần đầu tiên KHHGĐ được công nhận và khẳng định là một trong những quyền cơ bản của con người trên phạm vi toàn cầu.

Ngự Bình

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/hon-140-trieu-phu-nu-chau-a-thai-binh-duong-chua-duoc-tiep-can-ke-hoach-hoa-gia-dinh-post45343.html