Hơn 12.000 tỷ đồng xây dựng tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây

Sáng 30/9, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức Lễ khởi công xây dựng dự án thành phần đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 tại xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Lễ khởi công xây dựng tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây (Ảnh: Văn Việt).

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Lễ khởi công xây dựng tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây (Ảnh: Văn Việt).

Phát biểu tại Lễ khởi công, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương và đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và gần hai nghìn hộ dân của 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai trong vùng bị ảnh hưởng dự án.

Theo Phó Thủ Trương Hòa Bình, dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 21/10/2017 bao gồm 11 dự án thành phần. Ngày 19/6/2020 Quốc hội đã Quyết nghị tại Nghị quyết số 117/2020/QH14 về việc Chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư sử dụng một phần vốn ngân sách Nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước đối với 03 dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Ngày 27/7/2020 Chính phủ có Nghị quyết số 112/NQ-CP triển khai Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài khoảng 99km (đoạn qua Bình Thuận dài 47,5km; đoạn qua Đồng Nai dài 51,5km) rút ngắn hành trình từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các trung tâm du lịch và mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực miền Nam Trung bộ; khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên Quốc lộ 1A. Giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa khu vực đầu mối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực miền Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và ngược lại, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến, các khu du lịch sinh thái dọc biển của Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa.

Báo cáo tại Lễ khởi công, ông Cao Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: Đồng Nai là cửa ngõ phía Đông của Thành phố Hồ Chí Minh, có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông với các tỉnh, thành khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi qua địa bàn 4 huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc và thành phố Long Khánh của tỉnh Đồng Nai với tổng diện tích đất thu hồi là 419ha, số hộ bị ảnh hưởng là 1.241 hộ gia đình cá nhân và 7 tổ chức. Trong đó có 240 hộ bị giải tỏa trắng phải bố trí tái định cư, hơn 1.000 hộ giải tỏa một phần.

Đại diện Chính phủ, Bộ ngành thực hiện nghi thức khởi công xây dựng tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây (Ảnh: Văn Việt).

Theo thiết kế, dự án đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây là công trình trọng điểm quốc gia, hiện đại nhất Việt Nam, với tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h. Dự án có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông giữa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Nam Trung bộ, Nam Tây Nguyên và là tuyến cao tốc phục vụ kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai. Dự án thành phần cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi qua địa phận 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai có chiều dài khoảng 99km, đoạn qua Bình Thuận dài 47,5km và đoạn qua Đồng Nai dài 51,5km. Điểm đầu nằm trên đoạn tuyến nối từ Quốc lộ 1A đi Mỹ Thạnh, cách Quốc lộ 1A khoảng 2,6km, tỉnh Bình Thuận và điểm cuối dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Điểm cuối kết nối với tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây tại Km43+125. Giai đoạn phân kỳ quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh bề rộng 25m.

Tổng mức đầu tư điều chỉnh hơn 12.577 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng là 7.201 tỷ đồng. Trong giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 6 làn xe bề rộng 32,25m. Dự kiến cuối năm 2022 sẽ đưa vào khai thác dự án thành phần cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Cao Cường

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/hon-12000-ty-dong-xay-dung-tuyen-cao-toc-phan-thiet-dau-giay-289761.html