Hơn 1000 người Thái Lan tiếp tục biểu tình phản đối quân đội can thiệp chính trường

Những người biểu tình tin rằng, quân đội làm suy yếu nền dân chủ ở Thái Lan và Nhà vua Maha Vajiralongkorn lại nắm giữ quá nhiều quyền lực. Hơn 1000 người biểu tình tập trung bên ngoài căn cứ Trung đoàn Bộ binh 11 là động thái mới nhất lên án việc quân đội can thiệp sâu vào chính trường Thái Lan.

Người biểu tình Thái Lan đối mặt với hàng rào dây thép gai bảo vệ lối vào của Trung đoàn Bộ binh 11 đóng ở Băng Cốc, hôm 29/11. Ảnh: AP.

Người biểu tình Thái Lan đối mặt với hàng rào dây thép gai bảo vệ lối vào của Trung đoàn Bộ binh 11 đóng ở Băng Cốc, hôm 29/11. Ảnh: AP.

Hôm 29/11, các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ kiên cường của Thái Lan lại tập trung xuống đường nhằm phản đối quân đội tiến hành chiến dịch cải cách sâu rộng, bao gồm cả chế độ quân chủ của quốc gia.

Khoảng 800 người biểu tình tập trung vào buổi chiều và đầu giờ tối đã tuần hành đến căn cứ của Trung đoàn Bộ binh 11 đóng ở Băng Cốc (1 trong 2 trung đoàn bộ binh đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của hoàng gia thay vì từ các chỉ huy quân đội như lâu nay). Số lượng người biểu tình nhanh chóng tăng lên hơn 1000 khi họ tham gia các bài phát biểu của nhóm lãnh đạo biểu tình.

Khá đông cảnh sát chống bạo động được triển khai, giữ vững lối vào, ngăn không cho đoàn biểu tình tiến vào bên trong. Hai bên không có đụng độ xảy ra.

Đoàn người biểu tình Thái Lan mang theo biểu tượng phản kháng là những con vịt vàng bơm hơi, khi tuần hành đến căn cứ Trung đoàn Bộ binh 11 đóng ở Băng Cốc hôm 29/11. Ảnh: AP / Sakchai Lalit.

Những người biểu tình tin rằng, quân đội đã làm suy yếu nền dân chủ ở Thái Lan. Việc Nhà vua Maha Vajiralongkorn nắm giữ quá nhiều quyền lực, đặc biệt là nắm quyền chỉ huy một số lực lượng trong quân đội được cho là phản ảnh tình trạng quân đội can thiệp vào hệ thống chính trị ở nước này.

Theo AFP, hôm 17/10, đảng đối lập Future Forward lên tiếng phản đối sắc lệnh chuyển giao quyền chỉ huy 2 trung đoàn bộ binh tại Băng Cốc cho Nhà vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn.

Phe đối lập cho rằng, việc trao quyền chỉ huy quân đội cho Nhà vua đi ngược lại các luật về hoàng gia và cũng là bước đi nhằm củng cố quyền lực của phe quân đội (do Thủ tướng Prayut Chanocha lãnh đạo) và phe ủng hộ hoàng gia.

Lý do người biểu tình chọn Trung đoàn Bộ binh 11 làm nơi tập hợp phản đối

Năm 2019, Trung đoàn Bộ binh 11 được chuyển từ hệ thống chỉ huy của quân đội thành lực lượng thuộc quyền chỉ huy trực tiếp của Nhà vua Thái Lan. Những người biểu tình phản đối việc Nhà vua Maha Vajiralongkorn nắm quá nhiều quyền lực, không đúng theo quy định của hiến pháp và luật về hoàng gia.

Quân đội và Hoàng gia Thái Lan đã trở thành liên minh chặt chẽ trong nhiều thập kỷ. Với việc bảo vệ thể chế hoàng gia, quân đội tự xưng là người bảo vệ quốc gia, trong khi hoàng gia có thể tin tưởng dựa vào quân đội để dập tắt mọi mối đe dọa đối với vị trí đặc quyền của họ.

Từ năm 1932 đến nay có khoảng 20 cuộc đảo chính quân sự, gần đây nhất vào năm 2006 và 2014. Do Trung đoàn Bộ binh số 11 đóng tại Băng Cốc nên được xem là nhân tố chủ chốt trong các cuộc đảo chính.

Vào năm 2010, hơn 90 người đã thiệt mạng và gần 2000 người bị thương trong suốt 9 tuần diễn ra các cuộc biểu tình với quy mô lớn. Những người biểu tình chiếm giữ một phần trung tâm Băng Cốc, nhưng cuối cùng họ đã bị quân đội giải tỏa. Ông Prayuth, khi đó là một tướng lĩnh quân đội cấp cao, đã tham gia vào cuộc giải tỏa biểu tình trên.

Khi công bố kế hoạch cho cuộc biểu tình hôm 29/11, một nhóm từ Đại học Thammasat ở Băng Cốc giải thích trên Twitter rằng, Trung đoàn Bộ binh 11 là mục tiêu "vì đơn vị này đã đàn áp người dân vào năm 2010 và là lực lượng chính cho các cuộc đảo chính trước đó."

Anh Khôi (Theo HuffPost)

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/hon-1000-nguoi-thai-lan-tiep-tuc-bieu-tinh-phan-doi-quan-doi-can-thiep-chinh-truong-14749/