Tiết lộ về cuộc gọi cuối cùng của Tổng thống Biden với Tổng thống Ghani

Trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ngày 23/7, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về viện trợ quân sự, chiến lược chính trị, nhưng không ai lường trước được việc Taliban sẽ kiểm soát hầu hết đất nước chỉ hơn 3 tuần sau đó.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Afghanistanđã có cuộc trao đổi kéo dài 14 phút hôm 23/7. Hơn 3 tuần sau đó, vào ngày 15/8, ông Ghani rời khỏi dinh tổng thống, còn Taliban tiến vào Kabul. Kể từ đó, hàng chục nghìn người Afghanistan đã tìm cách rời khỏi đất nước, 13 lính Mỹ và hàng chục dân thường Afghanistan đã thiệt mạng trong vụ đánh bom liều chết ở sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul trong lúc Mỹ đang gấp rút hoàn tất cuộc sơ tán.

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani (bên trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani (bên trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters

Theo bản ghi về cuộc điện đàm được nguồn tin giấu tin tiết lộ với Reuters, Tổng thống Biden cho biết Mỹ sẽ viện trợ cho Afghanistan nếu ông Ghani có thể công khai kế hoạch nhằm kiểm soát tình đất nước.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ trên không nếu chúng tôi biết kế hoạch sẽ như thế nào”, ông Biden nói.

Trước đó, Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích hỗ trợ lực lượng an ninh Afghanistan, một động thái mà Taliban tuyên bố là vi phạm thỏa thuận hòa bình Doha.

Tổng thống Mỹ cũng đưa ra lời khuyên ông Ghani cần tìm kiếm một chiến lược quân sự trong tương lai, sau đó giao cho một “chiến binh” phụ trách kế hoạch này, đề cập tới Bộ trưởng Quốc phòng Bismillah Khan Mohammadi.

Ông Biden cũng ca ngợi các lực lượng vũ trang Afghanistan, những người được huấn luyện và được viện trợ từ chính phủ Mỹ.

“Các bạn rõ ràng có một đội quân tốt nhất. Các bạn có 300.000 người được vũ trang rất tốt để đấu lại với 70-80.000 người và họ rõ ràng có khả năng chiến đấu rất tốt”, ông Biden nói.

Những ngày sau đó, quân đội Afghanistan tại thủ phủ các tỉnh trên khắp đất nước đã đầu hàng mà đôi khi không xảy ra giao tranh với Taliban.

Trong phần lớn cuộc điện đàm, ông Biden tập trung vào vấn đề “nhận thức” của chính phủ Afghanistan.

“Tôi không cần phải nói với ông rằng, trên thế giới và khắp Afghanistan đều đang nhận thức được cuộc chiến chống Taliban diễn ra không suôn sẻ. Và dù đúng hay sai thì vẫn cần phải đem lại một bức tranh hoàn toàn khác”, ông Biden nói.

Tổng thống Biden nói với ông Ghani rằng, nếu các thành phần chính trị hàng đầu của Afghanistan cùng tổ chức họp báo, ủng hộ chiến lược quân sự mới, điều đó “sẽ làm thay đổi nhận thức và thay đổi rất nhiều điều khác”.

Những gì nhà lãnh đạo Mỹ cho thấy ông không biết trước về sự nổi dậy của Taliban và sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan 23 ngày sau đó.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực, cả về ngoại giao, chính trị, kinh tế, để đảm bảo chính phủ Afghanistan không chỉ tồn tại mà còn vững mạnh và phát triển”, ông Biden nhấn mạnh.

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 25/6/2021. Ảnh: Reuters

Sau cuộc gọi, Nhà Trắng ra thông cáo nhấn mạnh vào cam kết của ông Biden về việc hỗ trợ các lực lượng an ninh Afghanistan.

Tổng thống Afghanistan Ghani nói với ông Biden rằng, ông tin sẽ có hòa bình nếu ông có thể “tái cân bằng giải pháp quân sự”, nhưng cũng nhấn mạnh thêm “Chúng tôi cần phải hành động nhanh chóng”.

“Chúng tôi đang đối mặt với một cuộc xâm chiếm tổng lực, từ lực lượng Taliban được hỗ trợ cả về kế hoạch và hậu cần của người Pakistan và ít nhất 10-15.000 kẻ khủng bố quốc tế”, ông Ghani nói.

Các quan chức chính phủ Afghanistan và các chuyên gia Mỹ, đều cho rằng sự hỗ trợ từ Pakistan đóng vai trò quan trọng trong cuộc nổi dậy của Taliban.

Trước khi cuộc gọi được thực hiện, Mỹ đã bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan theo kế hoạch. Quân đội Mỹ đã đóng cửa căn cứ không quân chính tại Afghanistan – căn cứ Bagram, từ đầu tháng 7.

Như những gì 2 tổng thống đã nói, lực lượng Taliban đã kiểm soát khoảng một nửa trong số các trung tâm quận và điều này cho thấy tình hình an ninh xấu đi nhanh chóng.

Afghanistan đã cam kết sẽ có sự thay đổi trong chiến lược quân sự, tập trung vào bảo vệ các “trung tâm dân cư” – các thành phố lớn – thay vì bảo vệ các vùng nông thôn. Ông Biden cũng ủng hộ một chiến lược này, cho rằng làm như vậy không chỉ giúp ích trên thực địa mà còn giúp thay đổi nhận thức quốc tế, từ đó thu hút sự ủng hộ của thế giới đối với chính phủ Afghanistan.

“Tôi không phải là một quân nhân, vì thế tôi không thể nói với ông một kế hoạch chính xác sẽ phải như thế nào, nhưng ông sẽ nhận được nhiều trợ giúp hơn và có thể làm thay đổi nhận thức”, ông Biden nói.

Chỉ trong hơn 2 tuần sau cuộc gọi, Taliban đã chiếm được một số thủ phủ tỉnh và phía Mỹ nói rằng, việc bảo vệ đất nước là tùy thuộc vào các lực lượng an ninh Afghanistan.

“Đó là các thủ phủ tỉnh của họ và người dân của họ và các lực lượng an của họ có trách nhiệm phải bảo vệ”, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói hôm 9/8.

Ngày 11/8, các báo cáo tình báo của Mỹ cho rằng Taliban có thể cô lập thủ đô của Afghanistan trong 30 ngày, và tiếp quản Kabul trong 90 ngày. Nhưng trên thực tế, sự sụp đổ [của chính phủ Afghanistan] diễn ra chưa đến 1 tuần.

Cuộc điện đàm Biden-Ghani cũng nhấn mạnh vào sự đấu đá chính trị nội bộ dai dẳng ở Afghanistan.

Khi ông Biden đề nghị ông Ghani đưa cựu Tổng thống Hamid Karzai vào một cuộc họp báo chung, ông Ghani đã gạt đi và nói rằng: “Karzai sẽ chẳng giúp ích gì. Ông ta ngang ngược và thời gian là điều cốt yếu, chúng tôi không thể tập hợp lại từng cá nhân… Chúng tôi đã cố gắng hàng tháng với Karzai. Lần gần đây nhất chúng tôi gặp nhau 110 phút, ông ta chỉ trích tôi và cáo buộc tôi là đầy tớ của Mỹ”, Ghani nói.

Ông Biden đã dừng lại một lúc rồi đáp “Tôi sẽ bảo lưu đánh giá về điều đó”./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo Reuters

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tiet-lo-ve-cuoc-goi-cuoi-cung-cua-tong-thong-biden-voi-tong-thong-ghani-887309.vov