Hơn 10 tỷ đồng cho sân thể thao an toàn, thân thiện, bình đẳng ở trường học

Với ngân sách hơn 10 tỷ đồng, một dự án về không gian thể thao sẽ triển khai ở hơn 20 trường học tại Hà Nội. Chương trình tạo cơ hội cho 30 nghìn trẻ em tham gia vào các hoạt động thể thao an toàn, thân thiện và bình đẳng trong trường học.

Ảnh: Plan International Việt Nam.

Ảnh: Plan International Việt Nam.

Ngày 25-7, tại Hà Nội, tổ chức Plan International Việt Nam phối hợp Phòng giáo dục - Đào tạo huyện Ba Vì, Phòng giáo dục - Đào tạo quận Hà Đông khởi động dự án “Không gian thể thao an toàn, thân thiện và bình đẳng trong các trường học tại Hà Nội”.

Được triển khai trong ba năm, từ 2019 - 2021, dự án nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, thay đổi các định kiến xã hội về khả năng của trẻ em gái tham gia vào các hoạt động thể thao qua việc thúc đẩy mô hình thể thao an toàn, thân thiện và bình đẳng trong các trường học. Đồng thời, góp phần xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện và bình đẳng với học sinh.

Dự án được thiết kế hỗ trợ trực tiếp cho gần 30 nghìn trẻ em tuổi vị thành niên có cơ hội tham gia vào các hoạt động thể thao an toàn, thân thiện và bình đẳng trong trường học.

Ngoài ra, dự án còn cung cấp kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực giới trong trường học cho gần 30 nghìn phụ huynh học sinh cùng hơn 800 thầy cô của 20 trường trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn quận Hà Đông và huyện Ba Vì.

Bóng đá và bóng rổ là hai môn thể thao được chọn thí điểm cho giai đoạn này. Đây là hai môn thể thao phổ biến được nhiều trẻ em yêu thích tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê nhanh của dự án tại 20 trường học ở Hà Nội, chỉ có 4% các em trai và 2% các em gái đang tham gia các câu lạc bộ thể thao ở trường mình. Lý do của tình thực trạng này là một phần do chương trình học ở trường đặt nặng các môn văn hóa, khiến học sinh phải học thêm ngoài giờ. Hoặc với các trường ngoại thành, các em phải dành thời gian giúp đỡ gia đình sau giờ học. Quan trọng hơn là định kiến giới và sự thiếu ủng hộ từ bố mẹ các em. Đa phần các trường học cũng không có đủ hệ thống cơ sở vật chất cho các môn thể thao. Trong 10 trường được hỏi, chỉ có hai trường có sân bóng đá. Tỷ lệ các trường có phòng thể chất và sân bóng rổ lần lượt là 50% và 35%.

Kết quả khảo sát với 382 học sinh được lựa chọn ngẫu nhiên từ 5 trường THCS tại Hà Nội vào đầu năm 2019 trong khuôn khổ dự án này cho thấy, hơn 54% các em cho biết các không gian thể thao hiện nay chưa an toàn/ hoặc ít an toàn với em gái; gần 64% không an toàn và thiếu an toàn với em trai. Ba lý do chính dẫn đến thực trạng này là rủi ro bị chấn thương khi chơi thể thao, dễ gây xích mích và các em dễ bị bắt nạt. 53% học sinh tham gia khảo sát cho biết các em không tham gia các hoạt động thể thao do không có kỹ năng để chơi môn thể thao đó, 41% cho biết không có thời gian do việc học tập.

60% em gái và 40% em trai cho biết các hoạt động thể thao trong trường học hiện nay không bình đẳng. Các lý do cho đánh giá của các em là có sự phân biệt đối xử khi tham gia hoạt động thể thao, trẻ em hai giới không được khuyến khích chơi các môn thể thao dựa trên giới tính của các em, hay đánh giá chủ quan về khả năng thể lực của các em. Đặc biệt, chỉ có 45,7% các em gái tham gia vào khảo sát cho biết các em cảm thấy an toàn, 40% các em gái cảm thấy được bình đẳng khi tham gia vào các hoạt động thể thao trong trường học.

Trong số 382 em tham gia khảo sát, 33% cho biết, bản thân các em hoặc bạn mình đã từng trải nghiệm ít nhất một hình thức quấy rối tình dục, hoặc xâm hại tình dục khi tham gia hoạt động thể thao tại trường học. Trong đó, 11% các em cho biết, bản thân và bạn bè từng bị quấy rối tình dục. 13% cho biết chỉ xảy ra với các em và 9% cho biết là chỉ xảy ra với bạn của mình.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 42% các em đã báo cáo vụ việc, trong đó 31% em trai và 48% em gái. Với các trường hợp được báo cáo, 50% người được báo cáo “không làm gì”. Chỉ 14% kẻ quấy rối bị phạt.

Dự án trên đặt mục tiêu tăng tỷ lệ học sinh, đặc biệt là học sinh nữ, tham gia vào các hoạt động thể thao tại trường học, cụ thể là triển khai mô hình câu lạc bộ (CLB) thể thao “Thủ lĩnh của sự thay đổi” với bóng đá và bóng rổ. Thông qua những hoạt động của CLB này, các em sẽ được trang bị thêm kiến thức về bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới, bạo lực giới trong thể thao nói riêng và trong trường học nói chung. Thành viên của các CLB không chỉ được học các kỹ năng về thể thao, mà còn được trang bị kiến thức về bình đẳng giới. Từ đó, chính các em sẽ trở thành các tuyên truyền viên cho các bạn khác trong trường và ngoài cộng đồng.

Bên cạnh đó, cha mẹ và thầy cô cũng sẽ được tiếp thu các kiến thức về bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và bạo lực giới trong thể thao. Qua đó, có thể chủ động khuyến khích và hỗ trợ con em và học sinh tham gia các hoạt động tập luyện thể thao trong môi trường học tập bình đẳng, an toàn và hòa nhập.

Bà Sharon Kane, Giám đốc Quốc gia của Plan International Việt Nam, chia sẻ, định kiến giới chính là một trong những lý do ngăn cản trẻ em gái tham gia hoạt động thể thao ở trường học. Thêm vào đó, lịch học dày đặc cùng với số không gian vui chơi mở bị giới hạn khiến các học sinh có ít cơ hội được tham gia các hoạt động thể chất hơn.

Lễ khởi động chương trình là một dấu mốc trong số 90 sự kiện trên phạm vi toàn quốc thuộc khuôn khổ Hành trình 247 vì quyền bình đẳng của em gái do Plan International Việt Nam khởi xướng. Hoạt động bắt đầu từ Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, kết thúc vào Ngày Quốc tế trẻ em gái 11-10 năm nay.

NGÂN ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/40990702-hon-10-ty-dong-cho-san-the-thao-an-toan-than-thien-binh-dang-o-truong-hoc.html