Hơn 10 nghìn ngày địa ngục của một nạn nhân bị bán qua biên giới - Kỳ 2: Gian nan con đường trở lại cuộc sống bình thường

30 năm sống trong rừng sâu, những điều kiện tối thiểu dành cho một con người gần như không có gì. Thời gian dài đến nỗi một trong 3 gã chủ trâu đã qua đời vì già. Những tưởng, chị Dậu sẽ không bao giờ có cơ hội được trở về nhà.

Chị Cao Thị Dậu nhớ lại, lúc mới bị bắt sang chăn trâu, 3 gã chủ trâu khoảng 50 tuổi, lúc đó chị mới 28 tuổi, giờ đã 58. Thời gian lâu đến nỗi, 1 trong 3 gã chủ trâu chắc đã chết vì tuổi già. Chị đoán vậy vì từ mấy năm trước thấy gã không bao giờ tới cùng 2 gã kia nữa. Bị đánh đập, hành hạ, đói khát, điều kiện sống nơi rừng sâu núi thẳm, nên sức khỏe của chị yếu dần. Yếu thì không thể làm việc được, mấy gã chủ lo chị già yếu nên đã chích một mũi thuốc vào tay cho chị ngất đi và vứt chị ở vùng ven đường biên giới.

Đầu tháng 3-2019, có người nhìn thấy chị Dậu nằm gục ở khu vực cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) trong tình trạng kiệt sức. Một người phụ nữ đã mang chị Dậu về nhà chăm sóc. Sau 5 ngày, thấy sức khỏe đã hồi phục một chút, chị Dậu kể cho người giúp đỡ hoàn cảnh của mình và cho biết quê mình thuộc huyện Xuân Thủy, Nam Định. Vì lúc chị Dậu bị lừa đi, huyện Xuân Thủy thuộc tỉnh Nam Định, nay huyện này được tách thành hai huyện Xuân Trường và Giao Thủy. Người phụ nữ tốt bụng ở Móng Cái đã mua vé ôtô cho chị Dậu về huyện Xuân Trường để tìm về nhà. Khi tới huyện Xuân Trường, chị Dậu đến trụ sở CA huyện để trình báo.

Ngay lập tức, anh Tưởng cùng một số người thân vội tới CA huyện Xuân Trường. Tại đây, nhìn thấy chị Dậu trong tình trạng tiều tụy sau 30 năm xa cách, ai cũng òa lên khóc. 30 năm mất tích trở về, bố chị Dậu đã mất nhiều năm, giờ chỉ còn mẹ. Gặp lại con sau 30 năm biệt tích, cụ Cao Thị Chắt, nay đã 95 tuổi không cầm được nước mắt. Các anh chị em của bà Dậu biết tin cũng đều về để gặp lại người thân mất tích, những tưởng đã không thể có ngày đoàn tụ.

Sau vài tháng được gia đình chăm sóc, chị Dậu (giữa) đã bớt tiều tụy nhưng tâm lý vẫn không ổn định. Đi đâu làm gì vẫn phải có anh Thành hỗ trợ. Ảnh: X.Thanh

Sau vài tháng được gia đình chăm sóc, chị Dậu (giữa) đã bớt tiều tụy nhưng tâm lý vẫn không ổn định. Đi đâu làm gì vẫn phải có anh Thành hỗ trợ. Ảnh: X.Thanh

Trung tá Nguyễn Hồng Hạnh - Phó trưởng CA huyện Xuân Trường- cũng là người đã gặp chị Dậu khi đến trình báo tại CA huyện Xuân Trường, kể lại: “Lúc vào trình báo, chị Dậu đói lả, nói không nên lời. Ăn hết bát phở chúng tôi mua, chị Dậu mới nói quê ở Xuân Thủy. Nghĩ họ Cao của chị Dậu hầu hết ở Xuân Tân nên chúng tôi gọi cho trưởng CA xã để xác minh. Đúng như nhận định, CA xã xác nhận có người tên là Dậu và thông báo cho người nhà lên đón”.Anh Cao Văn Thành (em trai chị Dậu) nhớ lại, hôm đó là ngày 10-3, anh trai của anh và chị Dậu là Cao Thế Tưởng, trú tại xã Xuân Tân (Xuân Trường, Nam Định) nhận được cuộc điện thoại từ ông Đặng Duy Lộc, Trưởng CA xã Xuân Tân để hỏi về việc gia đình có ai tên là Cao Thị Dậu không. Khi anh Tưởng trả lời đó là chị gái mình bị mất tích từ năm 1989 thì được ông Lộc thông báo hiện chị Dậu đang ở trụ sở CA huyện Xuân Trường, mời người thân đến nhận.

Theo anh Cao Văn Thành, lúc mới trở về, chị gái anh trông tiều tụy, gầy yếu. Răng thì bị bẻ gẫy gần hết, ngón chân trỏ bị vẹo về một bên, chân không thể đi thẳng như người bình thường, ăn uống rất khó khăn. Giao tiếp càng khó khăn hơn vì đã lâu không được trò chuyện với con người. Hệ tiêu hóa của chị cũng gặp rất nhiều vấn đề vì do ăn uống quá lâu trong điều kiện kham khổ, không đảm bảo vệ sinh. Nhưng điều khiến các anh chị em của chị đau lòng hơn cả là mọi kỹ năng sống và giao tiếp như người bình thường của chị đã gần như mất hẳn. Trước khi mất tích, chị Dậu đã học hết THCS, nhưng sau 30 năm bị lừa bán trở về, chị đã không còn khả năng đọc và viết.

Cùng với đó là những biến chứng về cảm xúc, tâm sinh lý, tinh thần hoảng loạn mà gia đình đang phải từng bước giúp đỡ chị khắc phục dần dần. Vì sức khỏe chị quá yếu, anh Thành (được sự ủy quyền của gia đình lo cho chị Dậu) vừa lặn lội từ Bình Thuận ra Bắc, phải làm các thủ tục liên quan đến việc nhập hộ khẩu, làm thẻ căn cước, vừa phải đưa chị đi khắp các BV để khám bệnh.

Ngoài các vấn đề về tâm lý, chị Dậu còn gặp vô số bệnh về hệ tiêu hóa. Đáng ra, một mình anh Thành đưa chị Dậu đi khám là được, nhưng khi lên đến BV Bạch Mai, những việc vệ sinh cá nhân, chị Dậu không thể làm nổi. Anh Thành phải gọi thêm chị em lên hỗ trợ. Anh Thành chua xót kể với tôi: “Là em trai, tôi không thể giúp chị mình trong những việc đó được. Hậu quả của những ngày tháng sống trong rừng sâu thật khủng khiếp, giờ đây chị tôi phải học lại từ đầu. Từ việc ăn uống, vệ sinh cá nhân đúng nơi đúng chỗ đến học cách nói chuyện thể hiện những điều mình muốn nói, rồi cách giao tiếp với người khác, với xã hội. Chỉ có điều, mọi kỹ năng của chị giờ như đứa trẻ, còn tuổi thì đã gần 60. Dạy những điều của trẻ mẫu giáo cho một người già khó vô cùng, vì người già khó tính và hay giận dỗi, lại thêm vết sẹo lớn trong tâm hồn vì cuộc sống nô lệ mấy chục năm qua”.

Nỗi đau vẫn còn hiện hữu khi hàng ngày nhìn thấy người thân của mình tiều tụy, sức khỏe suy giảm, không chồng, không con, bức xúc trước thái độ nhởn nhơ, coi thường của đối tượng Cao Văn H, gia đình đã làm đơn tố cáo gửi các cấp về việc chị Dậu bị H. lừa bán sang Trung Quốc…

(còn nữa)

Xuân Thanh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hon-10-nghin-ngay-dia-nguc-cua-mot-nan-nhan-bi-ban-qua-bien-gioi-ky-2-gian-nan-con-duong-tro-lai-cuoc-song-binh-thuong-149934.html