'Hơn 10.000 F1 là vấn đề lo ngại nhất của Hải Dương'

Bí thư Phạm Xuân Thăng cho biết vấn đề đáng lo nhất của Hải Dương là đang cách ly, giám sát hơn 10.000 F1. Sau thời gian ủ bệnh, một bộ phận trong số này có thể thành ca bệnh.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Hải Dương vừa đề nghị Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hỗ trợ thiết lập thêm các phòng xét nghiệm để tăng khả năng dập dịch.

Đêm qua, công an đã tìm ra nguồn lây của 4 ca bệnh trong một gia đình ở TP Hải Dương. Zing đã có cuộc trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng về những diễn biến mới liên quan tình hình dịch bệnh ở địa phương này.

Xét nghiệm diện rộng để loại trừ mầm bệnh

- Hải Dương vừa đề nghị Bộ Y tế và các bệnh viện Trung ương hỗ trợ về xét nghiệm. Vậy công suất xét nghiệm của Hải Dương hiện nay thế nào, có đáp ứng được nhu cầu thực tế hay không?

- Ngay từ đầu, công suất xét nghiệm của Hải Dương là không đáp ứng được vì hệ thống máy của CDC Hải Dương chỉ có công suất 800 mẫu/ngày.

Sau khi xảy ra dịch vào ngày 27/1 thì ngày 1/2, tức chỉ sau 4 ngày, tỉnh quyết định đưa hệ thống máy móc của một doanh nghiệp tư nhân về phục vụ công tác này, qua đó nâng công suất lên 30.000 mẫu gộp/ngày.

Trong giai đoạn đó, Hải Dương huy động 600 sinh viên tình nguyện của Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đi lấy mẫu. Công suất xét nghiệm và lực lượng lấy mẫu đáp ứng được giai đoạn đầu chống dịch.

 Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng. Ảnh: Quang Vinh.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng. Ảnh: Quang Vinh.

Vừa qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long hỗ trợ thêm cho Hải Dương 2 cơ sở xét nghiệm vì đây là giai đoạn chúng tôi triển khai xét nghiệm trên diện rộng để đánh giá tình hình và kiểm soát mầm bệnh trong dân cư. Từ đó, loại trừ hết mầm bệnh trong cộng đồng và tiến tới dập tắt dịch bệnh.

Còn bây giờ là lúc cần thêm công năng xét nghiệm nhằm 2 mục đích. Thứ nhất, xét nghiệm diện rộng. Thứ hai, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.

Hải Dương yêu cầu các doanh nghiệp xét nghiệm cho công nhân, người lao động, người quản lý trước khi tiến hành sản xuất. Do đó, số lượng công nhân ở trong các doanh nghiệp Hải Dương rất lớn, riêng khu công nghiệp có khoảng hơn 100.000 người. Ngoài khu công nghiệp, khoảng hơn 100.000 người nữa.

Vì vậy, Hải Dương cần có thêm công suất để đáp ứng yêu cầu xét nghiệm cho số lượng người này.

- Số ca bệnh ở Hải Dương chưa có dấu hiệu giảm. Vậy vấn đề đáng lo ngại nhất của tỉnh hiện nay là gì, thưa ông?

- Vấn đề lo ngại nhất của Hải Dương là đang cách ly số lượng F1 tương đối lớn, trên 10.000 trường hợp. Khi F1 đang ở khu cách ly thì phải lấy mẫu xét nghiệm theo quy định. Tức là 1 F1 được ít nhất 3 lần lấy mẫu xét nghiệm, có nơi 4 lần.

Trong số F1 đó có bộ phận chuyển thành ca bệnh dương tính vì mầm bệnh ủ trong người từ trước. Trong số hơn 10.000 người đang cách ly hiện nay, đương nhiên về xác suất sẽ có một bộ phận nhỏ chuyển thành dương tính.

Số ca Hải Dương tăng hàng ngày, như hôm qua 18 ca bệnh, hoàn toàn nằm trong số F1 đang được cách ly.

100% mẫu xét nghiệm cộng đồng ở Chí Linh đều âm tính

- Với lượng F1 lớn như vậy, Hải Dương đã làm gì để hạn chế lây chéo trong các khu cách ly?

- Đối tượng chuyển từ F1 thành F0 không phải do nguyên nhân lây chéo. Về mặt y tế, dịch tễ học, khi bị lây nhiễm virus chưa phát bệnh ngay. Có người đến 10-14 ngày mới phát bệnh. Người yếu 2-3 ngày phát bệnh.

Về hiện tượng lây chéo, tôi xin khẳng định Hải Dương hạn chế mức độ tối đa việc này. Vừa qua, chúng tôi đã chấn chỉnh tuyệt đối cơ sở cách ly tập trung lớn và giải phóng hoàn toàn 100% nơi có mật độ người cách ly lớn như trường Trung cấp nghề Việt Nam - Canada ở TP Chí Linh.

Tất cả điểm cách ly trên 100 người, chúng tôi đưa quân đội quản lý tuyệt đối nhằm tạo kỷ cương, kỷ luật trong đó. Sáng nay, Thứ trưởng Bộ Y tế sẽ về Hải Dương để thăm và kiểm tra các khu cách ly.

Chí Linh đã di chuyển 18.000 công nhân đến khu cách ly mới. Ảnh: Thạch Thảo.

- Bộ Y tế vừa điều Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cùng lực lượng tiền phương từ TP.HCM về Hải Dương. Vậy việc phối hợp khoanh vùng dập dịch sẽ được thực hiện ra sao? Tỉnh sẽ ưu tiên truy vết F0 ngoài cộng đồng hay chữa trị cho hàng trăm ca bệnh ở các bệnh viện dã chiến?

- Công tác chữa trị cho bệnh nhân ở Hải Dương hoàn toàn yên tâm vì đang có Bệnh viện dã chiến số 1 và số 2 cùng sự hỗ trợ của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.

Các ca bệnh ở Hải Dương đa số không nặng, chỉ có 1-2 ca tiến triển không tốt, chúng tôi đã chuyển lên Hà Nội. Đến bây giờ, không có ca nào có nguy cơ tử vong.

Công tác điều trị ở Hải Dương khá yên tâm, hiện nay có hơn 50 bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh và xuất viện.

Thứ hai, tỉnh đang tiến hành tập trung tổ chức tốt khu cách ly và lấy mẫu xét nghiệm ở khu vực này để sàng lọc mầm bệnh. Từ đó phân loại và chuyển F0 đi chữa trị. Hải Dương mỗi ngày đều có ca công bố nhưng đó không phải ca cộng đồng. Trường hợp đang nằm trong khu cách ly sẽ được tiến hành xét nghiệm liên tục.

Thứ ba, Hải Dương tiến hành xét nghiệm trên diện rộng để sàng lọc mầm bệnh ở khu dân cư, tiến tới loại bỏ mầm bệnh và đưa tỉnh trở lại trạng thái bình thường.

Như vậy, Hải Dương đang vừa kiểm soát tốt khu cách ly, vừa lấy mẫu xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng để xem mầm bệnh có còn hay không. Vừa qua, TP Chí Linh lấy mẫu xét nghiệm 2 phường được đánh giá có nguy cơ và điều đáng mừng 100% mẫu đều âm tính.

Hải Dương xét nghiệm trên diện rộng. Ảnh: Thạch Thảo.

- Hải Dương đã thiết lập 3 bệnh viện dã chiến, trong đó 2 cơ sở đang điều trị cho ca bệnh. Công tác điều trị và chuyển giao công nghệ tại đây diễn ra thế nào?

- Các bệnh viện này có lực lượng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phổi làm nòng cốt và phối hợp với các chuyên gia của Bệnh viện Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.

Chuyên gia hướng dẫn chuyên môn, điều trị và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật. Còn chúng tôi đưa lực lượng nòng cốt là bác sĩ của Chí Linh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phổi Hải Dương vào để vừa điều trị cho bệnh nhân, vừa học tập, làm chủ quy trình điều trị.

Mục đích là để khi nào chuyên gia rút về, địa phương có thể tiếp nhận và làm chủ tốt. Các cơ sở này đang hoạt động tốt.

Lập tổ công tác đặc biệt hỗ trợ Cẩm Giàng

- Hôm qua, cơ quan chức năng đã tìm ra nguồn lây của 4 ca bệnh trong một gia đình ở TP Hải Dương. Khi biết việc này, ông có bớt lo lắng?

- Việc này đã tháo gỡ mối lo lớn vì ban đầu chưa xác định nguồn lây ở đâu. Bây giờ, chúng tôi đã xác định rõ nguồn lây bắt nguồn từ Công ty POYUN.

Từ việc xác định nguồn lây này, chúng tôi xác định được tính chất, mức độ của ca bệnh. Vì vậy, nguy cơ dịch ở TP Hải Dương thấp hơn rất nhiều so với đánh giá ban đầu.

Tuy nhiên, TP Hải Dương cần không được chủ quan và phải hết sức phòng ngừa với mức độ cao. Các biện pháp đang triển khai là phun khử trùng toàn bộ khu vực và lấy mẫu xét nghiệm ỏ phường này để đánh giá thêm.

- Hôm qua ông đã phê bình Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chỉ đạo chống dịch huyện Cẩm Giàng và một số lãnh đạo cấp xã. Phải chăng nơi đây có tình trạng lơ là, chủ quan?

- Chuyện lơ là, chủ quan ở địa phương là không có. Họ có lo lắng, quyết liệt song tình huống diễn ra quá đột ngột, tạo ra áp lực và khối lượng công việc khổng lồ phải xử lý. Điều này khiến địa phương lúng túng trong quá trình phối hợp, triển khai xử lý.

Tuy nhiên, công tác chỉ đạo triển khai xuống cấp dưới chưa thực sự phân vai, phân nhiệm vụ chưa rõ ràng. Tỉnh đã chấn chỉnh và hỗ trợ cho Cẩm Giàng.

Tôi đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt của tỉnh do Phó chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để về hỗ trợ nhân lực, vật chất cho họ.

Tại Cẩm Giàng, ngành chức năng sẽ lấy mẫu xét nghiệm trong khu cách ly, doanh nghiệp, đồng thời sẽ lấy mẫu trên diện rộng trong cộng đồng dân cư để đánh giá nguy cơ. Đối với doanh nghiệp, kết quả ban đầu cho thấy tất cả mẫu đã lấy ở đây đều âm tính.

Xin cám ơn ông!

Nguyễn Dương thực hiện

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hon-10000-f1-la-van-de-lo-ngai-nhat-cua-hai-duong-post1184797.html