Hơn 1,5 tỷ trẻ em trên thế giới bị ảnh hưởng trong thời điểm có dịch Covid-19

Sáng nay, 5-6, tại Hà Nội, Ủy ban Thúc đẩy và Bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em (ACWC) phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và các nước thành viên ASEAN tổ chức hội nghị đặc biệt theo hình thức trực tuyến về các biện pháp bảo vệ và phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh dịch Covid-19.

Các đại biểu trao đổi tại hội nghị.

Các ý kiến trao đổi tại hội nghị cho thấy, tình trạng bạo lực đối với trẻ em xảy ra trên phạm vi toàn cầu, nhất là ở các nước đang phát triển. Trung bình mỗi năm, hơn 1 tỷ trẻ em trên thế giới bị bạo lực về thể chất, tinh thần, xâm hại tình dục. Bạo lực trên cơ sở giới vẫn diễn ra phức tạp, khiến một bộ phận không nhỏ phụ nữ bị ảnh hưởng. Thời điểm có dịch Covid-19, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em càng trở nên nhức nhối, trong đó có hơn 1,5 tỷ trẻ em bị ảnh hưởng.

Tại Việt Nam, trong thời điểm có dịch Covid-19, tuy chưa có con số thống kê chính xác, nhưng số lượng cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tăng 50% so với giai đoạn không có dịch. Số phụ nữ được hỗ trợ tham vấn qua Ngôi nhà bình yên (nơi tiếp nhận và hỗ trợ trẻ em bị bạo lực gia đình và bị mua bán trở về) tăng gấp 7 lần. Số cuộc gọi để phản ánh các vấn đề liên quan đến trẻ em qua Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 tăng đột biến…

Để phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em sau khi dịch Covid-19 lắng xuống, các đại biểu khuyến nghị các quốc gia trong khu vực tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức xã hội về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân bị bạo lực; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho nhân viên công tác xã hội. Ngoài ra, các quốc gia nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ phụ nữ ASEAN bị bạo lực vượt qua khủng hoảng.

Minh Ngọc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/969289/hon-15-ty-tre-em-tren-the-gioi-bi-anh-huong-trong-thoi-diem-co-dich-covid-19