Hơn 1.000 ngày, 'tàu 67' vẫn nằm trên ụ

Tàu cá dự kiến đóng trong 180 ngày, nhưng đã hơn 1.000 ngày trôi qua, con tàu vẫn nằm trên ụ. Ngư dân Trần Văn Liên, ở thôn Tân An, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, chủ của con tàu đang nằm trên ụ bỗng nhiên trở thành con nợ.

Ngư dân Trần Văn Liên từ một chủ tàu làm ăn phát đạt trở thành chủ nợ. Ảnh: Văn Chương

Mở nghề cho làng

Nhiều năm trước, ngư dân ở làng chài Bình Minh đánh bắt cá theo tập quán căng lưới mành, sau đó dùng đèn dẫn luồng cá vào lưới quây và rút miệng, thu đáy. Đây là cách đánh bắt rất lạc hậu, nhưng vì lượng hải sản gần Cù Lao Chàm phong phú nên ngư dân vẫn có cuộc sống no, đủ. Vựa cá lớn này dần dần cạn kiệt vì phải chia sẻ cho luồng tàu di chuyển ngư trường ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, nên cách đánh bắt kiểu thụ động này không còn phù hợp.

Năm 2008, ngư dân Trần Văn Liên đánh bắt rất thành công, nhưng anh cũng là người có ý tưởng tiếp cận với nghề mới - ra vùng biển phía Bắc học nghề mành chụp, trên tàu trang bị hệ thống đèn thu hút cá, mực, chuyên đánh cá nổi, thời gian đánh bắt quanh năm. Cách đánh lưới chụp chủ động, khác với nghề lưới mành đánh cá thụ động. Mỗi đêm, tàu cá thu về được từ 20-30 triệu đồng.

Các ngư dân đi bạn trên tàu của ông Liên sau một thời gian đã có tiền sắm xe, sửa nhà và có của ăn, của để. Ngư dân làng chài Bình Minh thường nói về chiến tích của ông Liên là mua tàu 600 triệu, làm 2 năm hoàn vốn, làm tiếp 2 năm nữa thì xây dựng ngôi nhà khang trang. Nhiều ngư dân từng đi bạn với ông Liên đã tách riêng ra mua tàu và đều trở thành những ngư dân giàu có trong làng. Các ngư dân địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi nghề đánh bắt trên biển.

Năm 2015, ông Liên hạ đóng chiếc tàu vỏ thép theo Nghị định 67 trị giá trong hợp đồng là 14,5 tỷ đồng, dự kiến thời gian con tàu hoàn thành là 180 ngày (từ tháng 9-2015 đến tháng 3-2016). Nhưng rồi hơn 1.000 ngày trôi qua, con tàu vẫn nằm trên ụ, lãi suất ngân hàng (đã giải ngân hơn 7,6 tỷ) đã chuyển thành nợ xấu từ tháng 12-2016. Ngân hàng khóa số tiền còn lại vì đã quá hạn. Chồng chất khó khăn, ông Liên sạt nghiệp vì rơi vào vòng kiện tụng.

Kết luận của Vinacontrol và SICO “đá” nhau

Ngư dân Trần Văn Liên ký hợp đồng với đối tác đóng tàu là Công ty Cổ phần (CP) đóng tàu Bảo Duy ở thành phố Đà Nẵng. Thân tàu được đóng bằng 7 loại thép tấm của Hàn Quốc. Hợp đồng cung cấp máy tàu được ký riêng với Công ty Liên Á ở Hà Nội: Máy hiệu Mitshubishi của Nhật Bản; sử dụng hộp số Hangzhou của Trung Quốc. Ông Liên cho biết, trong giấy tờ hải quan, máy được nhập khẩu qua Hồng Kông (Trung Quốc).

Tòa án Nhân dân thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã có yêu cầu trưng cầu giám định gửi cho Phân viện Khoa học Hình sự Bộ Công an tại thành phố Đà Nẵng. Cơ quan này từ chối giám định nguyên nhân hư hỏng máy tàu, vì toàn bộ máy tàu đã bị tháo dỡ, không còn giữ được nguyên trạng.

Con tàu rơi vào “vòng xoáy” từ lúc Công ty CP đóng tàu Bảo Duy đưa tàu sang cầu cảng Mân Quang vào chiều ngày 29-3-2016 để hôm sau chạy thử đường dài. Tàu vận hành trong khoảng thời gian rất ngắn thì máy tàu đã bị hỏng. Trong khi trước đó một ngày,việc chạy thử tàu diễn ra suôn sẻ, có sự chứng kiến của 3 bên: Chủ tàu, Công ty CP đóng tàu Bảo Duy và Công ty Liên Á là đơn vị bán máy.

Có những ý kiến nghi ngờ về chất lượng máy tàu? Công ty giám định SICO kết luận: “Nguyên nhân tổn thất là do chất lượng bôi trơn tại ổ máy số 1 không bảo đảm dẫn đến tổn thất, hư hỏng máy chính (lỗi chế tạo)”. Còn Vinacontrol Đà Nẵng thì kết luận: “Lỗ thủng của bộ lọc dầu xảy ra trong khoảng thời gian sau khi kết thúc việc chạy thử ngày 28-3-2016; sự cố máy chính ngừng hoạt động vào tối ngày 29-3-2016 xảy ra do bộ lọc dầu bị thủng, dầu chảy ra ngoài gây giảm lưu lượng và áp lực dầu bôi trơn”.

Đứng giữa 2 kết luận khác nhau, ông Liên chia sẻ nhận định, sau khi lắp máy ổn định, các công nhân tiếp tục hàn gần đế chân máy. Tia lửa hàn có thể đã làm thủng bầu lọc dầu, dẫn đến nứt lốc, cỗ máy 2,8 tỷ trở thành cục sắt vụn. Ông Nguyễn Xuân Tú, Phó Giám đốc Công ty CP đóng tàu Bảo Duy thì cho rằng, nhìn bề ngoài là máy mới, nhưng thông thường, máy thủy Mitsubishi được nhập về từ Singapo, còn máy này lại được nhập qua Hồng Kông (Trung Quốc) về Việt Nam nên cũng hơi lạ về xuất xứ.

Phóng viên tham khảo những thợ máy chuyên nghiệp ở Quảng Ngãi, Quảng Nam thì được biết, máy Mitshubishi có thể hoạt động hàng chục ngày liên tục. Nếu tàu chỉ lượn vài vòng rồi dẫn đến hỏng máy và vỡ toang cả lốc máy là chuyện không bình thường.

Ông Võ Văn Bạch, một ngư dân có kinh nghiệm lâu năm và sử dụng qua nhiều loại máy thủy phân tích, bộ lọc nhớt của máy Mitshibishi cấu tạo nằm bên hông máy, cứ 3 lần thay nhớt thì thay lọc nhớt một lần. Lọc nhớt chỉ bị thủng trong trường hợp cẩu lắp máy xuống tàu bị va đập mạnh, bị vật nhọn chọc mạnh vào. Còn bình thường thì không thể nào bị thủng.

Tàu 67 đóng hơn 1.000 ngày của ngư dân Trần Văn Liên vẫn chưa thể hạ thủy. Ảnh: Văn Chương

Giằng co, lún nợ

Gọi là lún nợ, vì vụ án dân sự này được Tòa án Nhân dân thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 30-8-2017 dựa trên chứng thư giám định của Vinacontrol Đà Nẵng, xác định nguyên nhân máy hỏng là do “thủng lọc dầu”. Tòa án cấp phúc thẩm tiếp tục xét xử và lần này chuyển sang lấy chứng thư của giám định SICO kết luận là “do lỗi chế tạo”để xét xử.

Đây là 2 cơ quan giám định có kết luận giám định ngược nhau hoàn toàn, từ đó dẫn đến vụ án bị giằng co và từng ngày trôi qua, chủ tàu lún trong núi nợ hơn 7,6 tỷ đồng trong vòng quay lãi suất ở ngân hàng. Việc xét xử của 2 cấp tòa này đã trở lại vạch xuất phát đầu tiên.

Vì Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng đã ra quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 82 ngày 16-7-2018 đối với Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 12/2018 của Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Nam, nêu rõ: Hợp đồng đóng tàu với Công ty CP đóng tàu Bảo Duy và giao nhận máy được ký tại thành phố Đà Nẵng.

Tuy nhiên, căn cứ vào Điều 30 và 40 Luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ và thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn thì Tòa án Nhân dân thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam thụ lý giải quyết tranh chấp trên là không đúng thẩm quyền.

Đối với 2 chứng thư giám định ngược nhau, Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng, vụ việc này cần thu thập thêm chứng cứ để có kết luận nguyên nhân.

Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/hon-1-000-ngay-tau-67-van-nam-tren-u