Homo sapiens bị lây papillomavirus từ người Neanderthal

Các nhà khoa học kết luận rằng khi giao phối với người Neanderthal, Homo sapiens đã thừa hưởng từ người Neanderthal không chỉ một phần vật liệu di truyền mà cả papillomavirus.

Papillomavirus đặc trưng cho người Neanderthal trong một thời gian dài - Ảnh : Wikimedia Commons

Papillomavirus đặc trưng cho người Neanderthal trong một thời gian dài - Ảnh : Wikimedia Commons

Theo PLOS Pathogens, các chuyên gia của Đại học y Einstein, Mỹ do Robert Burk hướng dẫn bằng cách sử dụng các phương pháp di truyền phân tử hiện đại đã tìm ra nguồn gốc của papillomavirus. Khi theo dõi sự tiến hóa của papillomavirus ở động vật linh trưởng, các nhà di truyền học kết luận rằng người châu Âu đã bị lây nhiễm virus gây u nhú ở người (Human Papilloma Virus - HPV) từ người Neanderthal.

Được biết, HPV là bệnh lây qua đường tình dục phổ biến nhất. Những người sapiens đầu tiên sống ở phía Đông lục địa Đen không mắc bệnh này. Nhưng hậu duệ của họ đã bị lây nhiễm khi di cư khỏi châu Phi.

Papillomavirus lây lan rộng ở người với nhiều chủng, trong đó có các chủng vô hại và các chủng gây ung thư nguy hiểm. Nổi tiếng nhất trong số này là HPV16 có liên quan với ung thư cổ tử cung, dạng ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ. Cho đến nay, y học vẫn chưa rõ các chủng ung thư này xuất hiện như thế nào và cách chúng lây lan giữa những người hiện đại.

Các nhà khoa học đã lấy bộ gien của các virus từng tồn tại ở người và các loài linh trưởng khác, bổ sung thêm những bộ gien mới và sau đó, so sánh và lập cây phả hệ ( phylogenetic tree).

Hóa ra, các tác nhân gây bệnh gần gũi nhau có thể sống ở các vật chủ cách xa nhau (ví dụ, ở người và khỉ) và ngược lại, các chủng virus cách xa nhau có thể được tìm thấy trong một vật chủ. Các chủng virus papilloma gây ung thư, bao gồm cả HPV16, tạo thành một nhóm không chỉ có ở người mà còn bao gồm cả virus ở khỉ và vượn dạng người. Các nhóm virus còn lại cũng có thể lây nhiễm cho các loài linh trưởng khác nhau, nhưng không kích thích sự hình thành các khối u ác tính.

Tiếp theo, các nhà khoa học đã theo dõi chi tiết hơn sự tiến hóa của HPV16 ở người và tổ tiên của người. Họ xử lý dữ liệu hơn 212 bộ gien và tìm thấy sự khác biệt sâu sắc giữa các virus đặc trưng cho người châu Phi và người dân lục địa Á - Âu và châu Mỹ. Các nhà di truyền học kết luận rằng virus papilloma đặc trưng cho người Neanderthal trong một thời gian dài, nhưng khi tổ tiên của loài người bắt đầu mở rộng sang lục địa  - Âu, virus đã thay đổi vật chủ. Điều này phù hợp với thực tế đã được biết trước đây rằng người ở lục địa Á - Âu thừa kế từ người Neanderthal một vài phần trăm vật liệu di truyền vốn không có ở các dân tộc châu Phi bản địa. Papillomavirus được truyền qua đường tình dục, vì vậy, người Neanderthal có thể không chỉ truyền cho tổ tiên của chúng ta vật liệu gien mà cả virus.

Vũ Trung Hương

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/cau-chuyen-kham-pha-c-106/homo-sapiens-bi-lay-papillomavirus-tu-nguoi-neanderthal-100363.html