Homestay qua góc nhìn của một người H'Mong

Mình tuổi Tuất, năm nay gần 40. Suốt ngày 12.1 vừa qua mình không ngủ được, cả đêm cứ lâng lâng.

Cuộc đời mình cũng bình thường như các bạn trẻ người H’Mong vùng Hua Tạt (Vân Hồ, Sơn La). Đất chật, toàn đồi núi, trồng ngô giỏi lắm cũng chỉ tạm no. Bố bảo, ráng học đển thoát nghèo nên mình cố, dù lắm khi đến lớp và bụng đói meo.

Khảo sát dịch vụ đi bè tre trên suối Xia ở homestay Minh Thơ. Ảnh: Dương Minh Bình

Khảo sát dịch vụ đi bè tre trên suối Xia ở homestay Minh Thơ. Ảnh: Dương Minh Bình

Trầy trật, vừa làm vừa học, và nhờ vợ động viên, gần 30 tuổi mới tốt nghiệp đại học, là người đầu tiên của bản có bằng cử nhân. Oai ra phết. Chưa kịp mừng đã lo ngay ngáy. Ở Hà Nội không được, về bản cũng không yên. Mình không quen ai làm lớn. Cũng không có tiền để chạy xin việc. Đành làm đủ thứ như người mù chữ. Nghĩ cũng tủi và nhục. Có lúc tính nhắm mắt làm liều, buôn hàng cấm, có người rủ rê. Chắc nhờ có học nên biết sợ.

Đang bí thì nghe đâu có người bảo dưới Mai Hịch (Mai Châu, Hòa Bình) có mô hình homestay hay lắm. Mình nửa tin nửa ngờ.

Homestay thì mình không lạ. Thiên hạ làm đầy. Cứ ngăn nhà cho khách “cùng ăn, cùng ngủ, cùng chơi”. Chẳng tới đâu. Họ chỉ tới vì tò mò rồi một đi không trở lại.

Tọa đàm sau khi điền dã ở homestay Minh Thơ. Ảnh: Dương Minh Bình

Mình đắn đo rồi quyết định mua một con gà xuống làm quen với chị Thơ, người Thái. Chị Thơ là chủ nhân homestay Minh Thơ. Chị cho xem sổ báo khách đến khách đi mà them. Chị bảo, Mai Hịch trước đây là bản bẩn và nghèo bậc nhất Mai Châu. Đất nhà chị chưa tới 700m, nhà xập xệ. Gia đình chi nâng nhà, san lấp chuồng trâu làm homestay.

Nhà lợp lá cọ, vách gỗ tạp nhìn tuềnh toàng mà sang chảnh vì nệm trắng tinh. Mỗi chỗ ngủ có màn che, đèn đọc sách, ổ cắm điện riêng. Nhà vệ sinh thoáng, sạch. Bàn ăn là rulo của điện lực cưa đôi, trải khăn dấu gốc gác. Ghế là mấy gốc cây cưa ngang ngộ nghĩnh.

Đầu tư ban đầu 300 triệu, vay mượn anh em. Đón khách lời đồng nào là để dành đầu tư thêm cho hoàn thiện.

Đại diện đoàn các nhà học thuật trong chuyến khảo sát các homestay, chụp ảnh chung với Sung Y Xua (ở giữa), chủ cơ sở dệt thổ cẩm Hoa Núi của những phụ nữ H'Mong bị chồng bỏ hoặc có chồng đi tù vì ma túy. Ảnh: Dương Minh Bình

Năm đầu (2013) được 420 khách là mừng hết lớn. Năm sau tăng gấp 5, năm kế tăng gấp 10. Thấy mà ham. Mình càng ngạc nhiên khi biết chị Thơ mù chữ Việt, chồng chị, anh Hà Công Minh học lớp 4. Anh Minh tâm sự: “Bọn mình tiếng Việt không sõi, làm sao biết tiếng Tây.

Những ngày đầu, khách Tây tới, sợ xanh mặt. Hai vợ chồng cứ giả vờ rửa chén. Bây giờ quen việc, nói tiếng Tây xì xồ. Đứa con nuôi người Pháp (khách ruột) còn quay phim, viết bài, giới thiêu bạn bè, đưa ba mẹ sang ở cả tháng. Nghe mà thèm. Minh hơi lo vì chị Thơ có sẵn nguồn khách từ bản Lác, cách đó 15km. Còn Hua Tạt mình trơ trọi, chỉ nổi tiếng mỗi ma túy.

Mình về suy nghĩ nhiều lắm. Đất mình rộng gấp mấy lần chị Thơ, chỉ khó là nước dùng phải mua từng xe chở tới. Anh em ai cũng nghèo. Bố đang chạy thận. Khó nhất là nhà H’Mong sàn thấp, không thể nâng như nhà Thái vì trái phong tục. Mình mới ngỏ lời là già làng phản đối. Bác Bình (*), gọi vậy vì bác ấy lớn tuổi hơn bố mình, đến nhà ở chung với mình mấy bữa. Bác, cháu tâm sự nhiều. Mình thì hay cãi. Bác cáu: “Tao chừng này tuổi, sống được bao nữa đâu. Làm là làm cho mày”.

Bác bực, bỏ về, mình cứ áy náy. Bác ấy ở Sài Gòn, vệ tận bản, vào tận nhà, xem xét bảo ban. Chị Thơ bảo là nhờ bác Bình hướng dẫn mọi thứ. Từ bản vẽ, chọn vật liệu, trang trí đến cách đón khách, phục vụ, nấu ăn. Bác và bạn bác đến tận tình cầm tay chỉ việc.

Workshop tại homestay A Chu với chủ nhân Tráng A Chu. Ảnh: Dương Minh Bình

Sau mấy đêm trằn trọc, mình và vợ quyết định liều có tính toán. Vay nóng 30 triệu để nâng nhà sàn. Trên làm chỗ ngủ, dưới làm nhà ăn. Vay thêm bạn bè 20 triệu mua nệm, ra, gối, quạt. Mà phải nệm 2 tấc. Chưa làm xong đã có khách đến ở. Lấy tiền đó sắm thêm đồ. Nhờ trời giúp, mình lại được người cho vay nóng xóa lời, chỉ trả tiền gốc. Ba năm sau, (2015 – 2018), mình không chỉ trả hết nợ vay mà còn làm thêm được 5 bulgalow riêng (mỗi căn cho thuê mỗi đêm 1 triệu đồng. Có hai phòng sixsence, mỗi phòng rộng 100m2, giá thuê phòng mỗi đêm 2 triệu đồng.

Mình được đi dự các hội thảo, hội nghị được mời phát biểu. Trong nhà giờ treo nhiều bằng khen của nhà nước. Từ Phó Thủ tướng đến Tổng cục Du lịch, Văn phòng Xây dựng Nông thôn mới… Được vinh danh homestay chuẩn ASEAN, là điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu năm 2018.

Vui nhất là tối nay. Năm năm hoạt động, mình đón mấy chục ngàn khách nước ngoài, đủ quốc tịch nhưng tối nay là đoàn đặc biệt. Đó là 10 nhà học thuật từ Mỹ, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Úc, Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Việt Nam thuộc TEFI (**) đến khảo sát các homestay do CBT Travel tư vấn.

Múa Chén của homestay Minh Thơ (người Thái). Ảnh: Dương Minh Bình

Mình đi theo đoàn từ Hà Nội. Đi tới đâu, cũng nghe chủ nhân các homestay hết lời cám ơn bác Bình và ca ngợi CBT Travel đã giúp bà con dân tộc miền núi làm giàu chính đáng. Tối nay, ngoài các nhà học thuật còn có 50 đại diện các homestay CBT ở các tỉnh. Đêm giao lưu văn nghệ có các homestay Mai Hịch (người Thái, Hòa Bình), Thái Hải (người Tày, Yên Bái), Hua Tạt (người H’Mong, Sơn La – chủ nhà), Con Cuông (người Thái, dự án 2020, Nghệ An)..

Tối 12.1 là ngày hội thật sự của các homestay CBT. Tiếc là khả năng đón tiếp chỉ có vậy. Tại buổi họp mặt, nhà báo Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tour, Giám đốc CBT Travel, đã cúi đầu nói “Mấy bữa nay, đi tới đâu, CBT Travel cũng được bà con cám ơn và kể công. Tối nay, tôi muốn cám ơn bà con thật nhiều (bác nói mà như muốn khóc làm ai cũng xúc động) vì đã cả gan nghe lời rủ rê, thuyết phục, dụ dỗ của CBT Travel; dám phá cách làm homestay khác thiên hạ.

Quả ngọt hôm nay là công sức của bà con. Homestay chuẩn quốc gia mới có thể tự hào vì được thế giới thừa nhận là mô hình sáng tạo và hiệu quả. Nếu có đủ chỗ cho homestay CBT cả nước về liên hoan văn nghệ, thì phải cả tuần mới diễn hết”.

Múa đôi hẹn hò của homestay A Chu. Ảnh: Dương Minh Bình

Bác Mỹ cho biết, từ năm 2006, Cục Phát triển Quốc tế Luân Đôn (London Department for International Development tổ chức nghiên cứu 150 homestay tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Hai năm sau, Viện Phát triển các nước (Overseas Development Institude) tiếp tục nghiên cứu 200 homestay tại châu Mỹ La Tinh. Cả hai đoàn đều có chung nhân định “Đó là mô hình giúp người dân thoát nghèo, được các tổ chức phi chính phủ và nhà nước sở tại tài trợ. Khi nguồn tài trợ kết thúc, các homestay đều chững loại, hoạt động cầm chừng, thậm chí bị xóa sổ”.

Sau nhiều đợt khảo sát tại Việt Nam, năm 2017, mô hình homestay chuẩn Asean do Công ty Tư vấn, Dịch vụ và Phát triển Du lịch CBT (gọi tắt là CBT) tư vấn và huấn luyện, được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cùng Đại học Griffth (Úc) giới thiệu tại Hội nghị và phát hành trong sách “Managing Growth and Sustainable Tourism Governance in Asia and the Pacific” (Quản lý Tăng trưởng và Quản trị Du lịch có trách nhiệm tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Bản quyền 2017).

Sau 7 năm hoạt động, hệ thống homestay CBT do công ty CBT tư vấn, thiết kế xây dựng, huấn luyện và bảo hành đã có mặt tại 9 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Đồng Tháp, Quảng Ngãi, Đà Nẵng; gồm 20 điểm du lịch cộng đồng với 49 homestay, 828 chỗ ngủ. Năm 2019, hệ thống homestay CBT đón 510.083 khách lưu trú (71% là khách nước ngoài), vượt chỉ tiêu trước 1 năm.

Hát then ở homestay Thái Hải (Yên Bái). Ảnh: Dương Minh Bình

Tối nay mình và bà con rất vui. Phải nói là quá vui. Trong thời đại 4.0 thì bảo tồn sinh kế là khó nhất nhất trong các thứ bảo tồn. Có sinh kế ổn định mới bảo tồn được. Như bố mẹ vắt kiệt sức cho con học đại học. Học xong, con muốn ở lại phố. Bố mẹ muốn con về quê cùng bản làng giữ cội nguồn. CBT Travel đã giúp bà con làm được việc đó. Bà con các tỉnh về đây, mỗi người là một bông hoa từ các bản làng hẻo lánh của vườn hoa CBT. Không phải chỗ nào cũng hoàn hảo. Có chỗ này chỗ khác. Có chỗ đạt chuẩn, có chỗ chưa vì điều kiện mỗi nơi một khác nên phải linh động. Nói mấy cũng không bằng làm, mỗi ngày, mỗi giờ. Từng homestay CBT của từng dân tộc đã duy trì bảo tồn sinh kế, nói là làm, cầm tay chỉ việc cho nhau, không lý thuyết cao siêu.

Chúng ta đang đóng thuế gấp hàng chục lần khi làm nông, tức là làm giàu cho nhà mình và cả nhà nước. Tất cả cùng cố gắng để như bác Mỹ nói “Ngày hôm nay phải tốt hơn hôm qua và thua ngày mai”. Ngọn lửa homestay CBT do bác Bình gầy nhóm khởi xướng năm nào đang ngày càng tỏa sáng.

Tráng A Chu (Dân tộc H‘Mong, Hua Tạt, Vân Hồ, Sơn La)

___________________

* Dương Minh Bình, sáng lập viên, chủ tịch công ty Tư vấn dịch vụ và phát triển du lịch CBT, gọi tắt là CBT Travel.

** TEFI (Tourism Education Futures Initiative) đã tổ chức Walking Workshop Community Benefit Tourism , Social Entrepreurship & Sustainable Developmenh (tạm dịch - Hội thảo Điền dã Doanh nghiệp xã hội phát triển bền vững và phúc lợi du lịch cộng đồng) lần thứ nhất tại Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa; từ ngày 10 - 16.1.2020.

Hoạt động của đoàn các nhà học thuật du lịch quốc tế tại Việt Nam

Sau Tọa đàm về du lịch cộng đồng tại Khoa Du lịch, đại học Khoa học Xã hội và nhân văn Hà Nội vào ngày 10.1, sáng ngày hôm sau đoàn tiến hành Walking Workshop tại các homestay Minh Thơ (người Thái trắng), A Páo (người H’ Mong xanh), Bản Bước (người Thái trắng), Bản Lác (người Thái trắng) ở Mai Châu, Hòa Bình; A Chu (người H’mong đỏ) ở Vân Hồ Sơn La); Pu Luong retreat (người Việt) Bá Thước, Thanh Hóa. Đoàn có hai buổi gặp gỡ chủ nhân, nghe giới thiệu về quá trình hình thành và phát tiển, tìm hiểu thực tế, chất vấn tại homestay Minh Thơ (hoạt động từ 2013, chồng học lớp 4, vợ mù chữ); A Chu (hoạt động từ 2015, chồng đại học, vợ trung cấp).

Đoàn chụp ảnh chung với các đại biểu homestay CBT.

Chương trình Walking Wordshop còn có tham quan bản làng, đi bè tre dọc suối Xia (homestay Minh Thơ), đi chợ phiên Pà Cò và cơ sở dệt thổ cẩm Hoa Núi (homestay A Páo), trekking 10 km từ hang Kia về Cun Pheo (homestay Bản Bước)…

Tối 12.1, tại homestay A Chu các “nghệ sĩ nhân dân” bước ra từ ruộng đồng, nhà bếp; đại diện các homestay ở Thái Nguyên, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An đã diễn hết mình với những tiết mục văn nghệ độc đáo.

Giữa bức tranh ảm đạm vì thua lỗ của homestay nhiều nơi mà báo chí phản ảnh, hệ thống homestay CBT không chỉ là điểm sáng mà là nét son của du lịch cộng đồng, làm ngạc nhiên các nhà học thuật quốc tế thế giới với nhiều bài học thú vị.

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Sơn La, GS-TS. Dianne Dredge đề nghị: “Các homestay CBT phải giữ được chất lượng theo qui chuẩn, đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế và tiến tới không có rác thải nhựa. Các bạn cần đúc kết thành hệ thống lý thuyết để nhân rộng và có thể nhượng quyền thương hiệu”.

GS-TS. Dianne Dredge là nhà sáng lập và giám đốc điều hành của doanh nghiệp xã hội về giáo dục The Tourism CoLab, Úc; đồng thời là giáo sư du lịch tại đại học Lund, Thụy Điển - một trong những đại học lâu đời nhất của châu Âu; trưởng đoàn các nhà học thuật đến Việt Nam lần này. Là người có dịp khảo sát homestay ở các nước Asean, Ấn Độ, Trung Quốc… và qua phát biểu của đoàn học thuật, ông nhận định: “Du lịch cộng đồng Việt Nam chuẩn quốc gia mới, có thể tự hào trong top đầu của thế giới”.

Theo tiến sĩ chuyên ngành quản trị du lịch đại học Griffith (Úc) Phí Thị Linh Giang: “Sắp tới sẽ có các đoàn học giả quốc tế tiếp tục đến Walking Workshop về du lịch cộng đồng CBT. Từ thực tiễn Việt Nam, các nhà học thuật quốc tế sẽ điều chỉnh lại những lý thuyết về homestay. Giữa tháng một, đoàn tổng kết tại Hà Nội, trao đổi thêm các nội dung viết bài về homestay CBT và những phát hiện mới. ”.

Tạm biệt Việt Nam, GS-TS Dianne Dredge chúc mừng: “Từ những khởi xướng sáng tạo đơn độc, bảy năm sau, hệ thống homestay CBT đã khẳng định vị thế, là điểm đến nghiên cứu, thực địa lý tưởng của các trường đại học quốc tế về du lịch cộng đồng. Chúng tôi sẽ trở lại vào một ngày gần nhất để nghiên cứu kỹ hơn”.

Năm 2020, CBT sẽ đẩy tiếp tục mở rộng du lịch cộng đồng đến 7 tỉnh Tây Nguyên, Trung bộ và Tây Nam bô với dự báo đón 750.000 lượt khách lưu trú trọn gói.

Nguyễn Văn Mỹ

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/homestay-qua-goc-nhin-cua-mot-nguoi-hmong-22366.html