Homestay ở Hòa Vang, tại sao không?

Homestay là một loại hình du lịch cộng đồng không phải là quá xa lạ ở Đà Nẵng và gần đó là Hội An. Nói về Homestay, đây là loại hình du lịch mà khách du lịch sẽ nghỉ, ngủ tại nhà người dân địa phương, nơi mà họ đặt chân đến, qua đó họ giúp khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu phong tục tập quán, đời sống văn hóa của từng vùng miền tại địa phương đó. Hiểu một cách đơn giản và bao quát nhất, đây là loại hình du lịch dựa vào cộng đồng, tức du khách lưu trú tại nhà dân, địa phương nơi họ đến, giúp nơi đó quảng bá văn hóa, con người và cảnh đẹp một cách chân thật. Loại hình du lịch lưu trú này chỉ tồn tại và phát triển trên nền tảng cộng đồng, mà ở đó, khách du lịch sẽ cùng ăn, cùng ngủ và cùng sinh hoạt với người dân bản địa, họ được coi như là người nhà, được tham gia vào các công việc thường ngày cũng như các hoạt động văn hóa, lễ hội tại đó. Đây cũng là cách hữu hiệu để du khách nhanh chóng và trực tiếp hòa nhập, cảm nhận về vùng đất mà họ đang đến, chứ không đơn thuần chỉ là tham quan, nghỉ dưỡng.

Đoàn công tác của TP Đà Nẵng thăm và tìm hiểu mô hình du lịch cộng đồng tại Quảng Bình (Trong ảnh: Đoàn chụp ảnh chung với anh Hồ Khanh, người khám phá ra hang Sơn Đoòng, cũng là chủ một homestay khá điển hình ở khu vực Phong Nha).

Đoàn công tác của TP Đà Nẵng thăm và tìm hiểu mô hình du lịch cộng đồng tại Quảng Bình (Trong ảnh: Đoàn chụp ảnh chung với anh Hồ Khanh, người khám phá ra hang Sơn Đoòng, cũng là chủ một homestay khá điển hình ở khu vực Phong Nha).

Về khách quan, nếu phát triển tại Đà Nẵng, đặc biệt là thực hiện tại các khu vực dân cư mang tính đô thị thuần túy thì điều kiện để phát triển loại hình này là không nhiều do ít có những yếu tố để phục vụ cho đối tượng khách muốn trải nghiệm Homestay. Lưu trú hay nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, hội thảo hội nghị thì đã có các resort, khách sạn đối với lượng đối tượng khách trung cao cấp, thấp hơn đã có các nhà nghỉ, motel. Khác với Hội An, du khách vào "ăn ở" cùng dân vì đây là "phố cổ" được bảo tồn, các nét sinh hoạt truyền thống, tập quán còn được lưu giữ nên tạo ra những nét độc đáo, riêng có để du khách đến trải nghiệm, còn ở Đà Nẵng tính chất hiện đại của một đô thị phát triển không thể hấp dẫn những du khách muốn khám phá những không gian mang tính thiên nhiên và tự nhiên, với cảnh vật yên bình và hiền hòa.

Kinh nghiệm ở Quảng Bình, một địa phương có loại hình Homestay khá phát triển cũng có nhiều điều để tham khảo và học hỏi. Quảng Bình có lợi thế là có di tích Phong Nha- Kẻ Bàng nằm trong khu vực "sơn thủy hữu tình". Đây cũng là lợi thế để hút khách đến thăm Phong Nha- Kẻ Bàng kết hợp với lưu trú. Có dịp đến tìm hiểu loại hình du lịch này ở đây, người viết thấy rằng, Homestay ở đây không chỉ mang tính Homestay "truyền thống" mà có những cải tiến tùy theo nhu cầu và sở thích của du khách. Có thể là "ăn, ở, chơi" cùng chủ nhà, cũng có thể là chỉ đến để lưu trú, nơi có 1-2 căn phòng nhỏ, cũng có khi là nằm trong một dãy nhà có những căn phòng nhỏ đảm báo các tiện nghi tối thiểu, có quy mô, kiểu dáng khác nhau phù hợp với từ 1 cặp đến 1 gia đình và lớn hơn là một nhóm. Điều đặc biệt là đại đa số khách đến đây là khách Tây chính hiệu, không thấy bóng dáng một khách Trung hay Hàn nào cả. Khách Việt cũng rất ít, chủ yếu là các cặp đôi hoặc một vài nhóm trẻ thích vi vu, mạo hiểm. Ngoài việc đến khám phá Động Phong Nha, động Sơn Đoòng hay động Thiên Đường (tour mạo hiểm này phải tốn 3.000USD cho 1 chuyến/ 1 người) thì những nét hoang sơ, dân dã như con trâu đầm dưới vũng bùn, đàn vịt tung tăng trên ao hay những cảnh thôn quê, đồi rừng đậm chất thiên nhiên và tự nhiên, càng ít bê-tông hóa, "nhựa hóa" càng hút khách.

Về yếu tố kinh tế, Homestay là phương thức hoạt động kinh doanh mà cộng đồng dân cư chính là người cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho khách du lịch, bao gồm dịch vụ lưu trú và ăn uống, đôi khi còn "bao" luôn cả vai trò của một hướng dẫn viên du lịch hướng dẫn du khách tìm hiểu đời sống văn hóa cũng như tinh thần, các danh lam thắng cảnh đẹp, lạ, hoang sơ mà nếu không phải người bản địa, chưa chắc người khác đã biết.

Có thể nói, các homestay đa phần thường được hình thành và phát triển ở những vùng, khu vực có tài nguyên hoang dã cần bảo tồn, các khu vực dân cư có tài nguyên văn hóa đa dạng, phong phú, có những nét đặc trưng văn hóa tộc người, các khu vực mà không đủ điều kiện (kinh phí, quy mô, quy hoạch,...) để xây dựng nhà nghỉ, khách sạn hay nhà hàng, quán ăn phục vụ nhu cầu của du khách.

Quay trở lại điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng ở Đà Nẵng, cụ thể là Homestay ở Hòa Vang, tuy không có "điểm nhấn" đặc biệt như hệ thống "Cave" (động) nổi tiếng như ở Phong Nha nhưng vẫn có những nơi khá hoang sơ, dân dã như Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Nhơn v.v cũng như có những nét đặc trưng của văn hóa Cơ Tu, có con sông Cu Đê và những làng quê còn chưa mất hết bản sắc và trên hết là có những người đang muốn làm Homestay. Đối chiếu với Quảng Bình, nơi đa số người làm Homstay là nông dân, trong đó có những người xuất phát là nông dân nghèo, thậm chí là "lâm tặc" thì Hòa Vang cũng có những nét tương đồng. Vì vậy, H. Hòa Vang rất cần tìm hiểu để phát huy lợi thế và tiềm năng sẵn có để phát triển loại hình này.

Thiết nghĩ, nếu có những bước đi bài bản, và đặc biệt là được sự ủng hộ có trách nhiệm của chính quyền cũng như các sở ngành liên quan, Du lịch cộng đồng nói chung, Homestay nói riêng sẽ có cơ hội phát triển ở Hòa Vang, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ, giúp người dân, trong đó có đồng bào dân tộc Cơ Tu tiến lên làm giàu một cách chính đáng từ loại hình du lịch mới lạ nhưng hoàn toàn phù hợp để phát triển trên nền tảng hiện hữu, qua đó giúp giảm khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, tạo thêm sản phẩm du lịch mới cho thành phố, thu hút thêm lượng khách tiềm năng là khách Âu -Mỹ đến Đà Nẵng ngày càng nhiều hơn.

Dân Hùng

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/111_207344_homestay-o-hoa-vang-tai-sao-khong-.aspx