Homestay: Lời giải cho bài toán 'dừng chân' thưởng ngoạn cao nguyên đá Đồng Văn

Rời thành phố Hà Giang khoảng 50 km, qua những cung đường đèo đầy rẫy các khúc cua 'tay áo' trước khi chinh phục đỉnh đèo Mã Pí Lèng, du khách có thể dừng chân tại khu vực hồ Nặm Đăm (xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ), nơi có mô hình kinh doanh du lịch Homestay hết sức độc đáo do chính đồng bào người dân tộc Dao tổ chức.

Khu du lịch cộng đồng của người Dao

Từ khoảng hơn 2 năm nay, khu vực thôn Nặm Đăm có tới hơn 30 hộ gia đình mở homestay (du lịch tại cộng đồng) nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi của du khách trong nước và quốc tế.

Theo chủ trương của tỉnh Hà Giang, việc xây dựng các mô hình du lịch kết hợp nghỉ dưỡng gắn với cộng đồng sẽ tạo ra việc phát triển bền vững, thực sự đem lại nguồn lợi cho người dân địa phương, do đó các hộ kinh doanh homestay tại thôn Nặm Đăm được chính quyền huyện Quản Bạ hỗ trợ khoảng 60 triệu đồng tiền xây dựng nhà vệ sinh, tu sửa nhà cửa, mua sắm chăn ga gối đệm,…

Điểm đặc biệt tại các Homestay của cộng đồng người Dao ở Nặm Đăm đó là du khách sẽ được ở trong các căn nhà của người dân với lối kiến trúc trình tường chắc chắn, có tuổi đời lên đến hàng chục năm.

Anh Lý Tà Chun - chủ hộ kinh doanh Mun Homestay, cho biết ngay sau khi được chính quyền thông báo chủ trương phát triển du lịch cộng đồng, anh đã bàn bạc với gia đình và quyết định tu sửa nhà cửa cũng như tự tìm hiểu cách vận hành mô hình kinh doanh mới lạ này.

Căn nhà trình tường đất được gia đình anh Chun xây thêm tầng 2 để phục vụ khách du lịch

Căn nhà trình tường đất được gia đình anh Chun xây thêm tầng 2 để phục vụ khách du lịch

“Trước đây tôi từng nhập ngũ, sau đó xuống Hà Nội học ngành Kiểm lâm tại Đại học Lâm nghiệp để sau này về quê có cơ hội kiếm việc làm. Tuy nhiên khi biết chính quyền khuyến khích việc mở homestay để phục vụ nhu cầu khách du lịch, tôi đã tự lên Internet tìm hiểu về mô hình này và thấy thực sự thiết thực, giúp cải thiện được đời sống người dân tại đây sau đó triển khai với gia đình”, anh Chun nói.

Chàng thanh niên người Dao chia sẻ mình còn ấp ủ nhiều dự định riêng để cải tạo mô hình homestay tại Nặm Đăm, hiện tại anh Chun đang thu thập các hình ảnh, tư liệu và hiện vật có giá trị văn hóa độc đáo để tạo ra một phòng trưng bày nhằm quảng bá cho du khách khi tới đây tham quan.

“Trước đây ở Nặm Đăm thanh niên chỉ biết đi làm nông hoặc sang biên giới làm thuê, nhưng kể từ khi xuất hiện mô hình kinh doanh Homestay, thu nhập của bà con được cải thiện rất nhiều, hiện tại mình có thể làm giàu trên chính quê hương của mình”, anh Chun chia sẻ.

Nhà cổ trăm năm của người Mông

Cách đó khoảng 107 km, tại thị trấn Mèo Vạc (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) tồn tại những mô hình Homestay độc đáo khác của người Mông, đặc biệt tại đây có một ngôi nhà cổ tuổi đời trên trăm năm được bảo tồn, cải tạo để mở cửa cho du khách tới tham quan, nghỉ ngơi từ năm 2013.

Căn nhà cổ Mèo Vạc hay còn có tên gọi là nhà cổ Chúng Pủa trước đây thuộc về gia đình ông Vàng Mí Sì, hiện đã được chuyển quyền sở hữu. Căn nhà có ba gian hai gác, tường trình bằng đất chắc chắn, mái lợp theo ngói âm dương, đặc biệt ngoài cổng có hai trụ đá tạc hình chim phượng vờn hoa mẫu đơn, lợn nái bên bụi khoai, rồng ngậm ngọc,… rất tỷ mỷ và đẹp mắt, cho thấy bàn tay tài hoa của nghệ nhân xa xưa.

Căn nhà cổ Chúng Pủa của người Mông là điển hình Homestay của huyện Mèo Vạc.

Kiểu kiến trúc này rất phù hợp với thời tiết khắc nghiệt ở vùng Cao nguyên đá Đồng Văn cũng như với phong tục tập quán truyền thống của dân tộc Mông.

“Sau khi nghe tin gia đình chủ cũ có ý định phá dỡ căn nhà để xây nhà mới, tôi thuyết phục thành công họ bán lại cho mình. Kể từ tháng 8 năm 2013, nhà cổ Chúng Pủa mới đi vào hoạt động và phải mất tới 2 năm du khách mới biết đến nơi này”, ông Trần Minh Thái – chủ căn nhà cổ Mèo Vạc, cho biết.

Chân cột gỗ được chạm khắc hình quả anh túc.

Theo ông Thái, nhờ việc Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu (2010), đã có rất đông du khách trong nước và quốc tế tìm tới nơi đây để khám phá cảnh vật và văn hóa của các dân tộc thiểu số.

“Kể từ tháng 8 tới tháng 12 năm 2018, nhà cổ Chúng Pủa gần như kín phòng, du khách tới đây rất thích thú với các nét kiến trúc nguyên bản của căn nhà, nhiều người ở Đồng Văn khi biết tới căn nhà này cũng đi sang đây để tham quan, tôi luôn sẵn lòng tiếp đón và cho phép họ chụp ảnh”, ông Thái nói.

Trụ đá được các nghệ nhân thời xưa đẽo gọt tỷ mỷ các hình ảnh đặc sắc như chim phượng vờn hoa mẫu đơn, lợn nái bên bụi khoai,...

Chia sẻ về vấn đề phát triển du lịch cộng đồng bền vững, ông Nguyễn Cao Cường – Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, cho biết kể từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận, Mèo Vạc đã đón khoảng 30.000 du khách tới thăm hàng năm.

“Huyện Mèo Vạc có tới hơn 50% hộ nghèo, do đó chính quyền địa phương đặt mục tiêu tập trung phát triển du lịch dựa trên nền tảng văn hóa của 17 dân tộc thiểu số trên mảnh đất này. Tỉnh Hà Giang và huyện Mèo Vạc chủ trương hỗ trợ tài chính cho các hộ dân hay doanh nghiệp có nguyện vọng phát triển mô hình du lịch Homestay hoặc kinh doanh nhà nghỉ khách sạn, tuy nhiên do khoảng cách di chuyển quá xa trung tâm, cùng với giá nguyên vật liệu đắt đỏ cùng với đó là ngành du lịch tại đây mang tính thời vụ khoảng 4-5 tháng nên các doanh nghiệp không mặn mà, còn hoạt động của người dân mang tính tự phát, không bài bản”.

Ông Nguyễn Cao Cường - Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc.

Song song với việc phát triển du lịch là công tác quản lý, bảo tồn cảnh quan di sản, đại diện huyện Mèo Vạc cho biết chính quyền địa phương luôn thực hiện quyết liệt việc tuyên truyền vận động bà con nhân dân tuân thủ quy định xây dựng, không lấn chiếm hành lang đường bộ.

“Đặc thù địa hình tại huyện Mèo Vạc là vùng núi đá cao, mặt bằng xây dựng hầu như không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, bà con không có đất để làm nhà khiến phát sinh tình trạng lấn chiếm. Hiện tại trên đèo Mã Pí Lèng có một căn nhà xây dựng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đã bị xử lý hành chính và có khả năng bị cưỡng chế giải tỏa”.

Cao nguyên đá Đồng Văn nhìn từ trên cao.

Dù tồn tại nhiều khó khăn, nhưng chỉ cần chiến lược bền vững, phù hợp với đặc thù địa phương, lấy người dân làm trung tâm phát triển thì tiềm năng du lịch tỉnh Hà Giang sẽ được khai thác hiệu quả, đem tới sức sống cho mảnh đất biên viễn này.

Huy Vũ

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/du-lich/homestay-loi-giai-cho-bai-toan-dung-chan-thuong-ngoan-cao-nguyen-da-dong-van-157038.html