Homestay không phải là nhà trọ

Nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước muốn được cùng ăn, cùng ở với người dân bản địa để được hiểu biết thêm phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa của vùng miền, tại không ít địa phương đã phát triển loại hình du lịch homestay. Tuy nhiên, ở một số nơi, loại hình du lịch này hoạt động theo hướng tự phát, chưa được quan tâm quản lý của cơ quan chức năng nên có nhiều hạn chế...

Trong câu chuyện tâm sự với du khách tại bữa cơm tối, anh Nguyễn Mạnh, chủ một homestay tại xã Hưng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) tâm sự: "Hiện nay, các hộ kinh doanh homestay ở xã Hưng Trạch và các xã lân cận luôn đối mặt với tình trạng ế ẩm khách đến ở trọ. Để phát triển, đại đa số các hộ kinh doanh loại hình du lịch này phải vay vốn ngân hàng để đầu tư. Nay ế ẩm thế này, không biết lấy gì trả nợ"...

Được biết, hiện ở khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng có hơn 100 cơ sở lưu trú, hầu hết là homestay, tăng gấp đôi so với năm trước. Vì lượng khách đến quá ít nên những tháng thấp điểm xảy ra tình trạng các chủ khách sạn, nhà nghỉ, homestay chèo kéo khách, thậm chí xuất hiện đội ngũ môi giới sẵn sàng "dìm hàng", nói xấu chất lượng của nhau.

Tại Lào Cai, tỉnh đi đầu cả nước về phát triển du lịch cộng đồng với hơn 300 điểm lưu trú tại nhà, chủ yếu ở các huyện: Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, homestay cũng đang bị lấn át bởi những nhà hàng, nhà nghỉ xây dựng kiên cố. Nơi đây vốn nổi tiếng khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, không khí trong lành và nền văn hóa đa sắc màu của cộng đồng các dân tộc: Dao, Giáy, Mông… với những ngôi nhà gỗ bình yên. Không ít cơ sở ở đây do người miền xuôi lên thuê đất, đầu tư kinh doanh dịch vụ ăn uống nhưng lại treo biển homestay. Do phát triển "nóng" nên loại hình du lịch homestay ở Lào Cai còn xảy ra tình trạng lấn chiếm đất nông nghiệp, thậm chí chiếm cả di tích ruộng bậc thang.

 Một homestay theo đúng nghĩa tại huyện Bố Trạch (Quảng Bình).

Một homestay theo đúng nghĩa tại huyện Bố Trạch (Quảng Bình).

Còn ở huyện Hoa Lư (Ninh Bình), nơi có khu du lịch Tam Cốc-Bích Động, sau một thời gian đua nhau làm du lịch, loại hình homestey rơi vào tình cảnh ế ẩm do cung vượt xa cầu, nên xảy ra tình trạng phá giá để lôi kéo khách.

Lướt trên các trang booking, không ít du khách tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy giá thuê homestay ở cách phố cổ Hội An (Quảng Nam) không xa, giá chỉ có 70.000 đồng/người/ngày đêm. Liên lạc qua điện thoại để xác minh, chủ các nhà trọ này cho biết, phải hạ giá như vậy do ở đây có quá nhiều homestay. Hỏi một số bạn bè từng nghỉ ở đây, chúng tôi được biết, thực ra một số homestay chỉ là nhà trọ.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do việc xây dựng homestay ở nhiều nơi chủ yếu là tự phát, thiếu sự định hướng, kiểm soát của chính quyền hoặc quá dễ dãi trong việc cấp phép. Không ít chủ homestay là những nông dân thực thụ, tự theo nhau vay tiền làm homestay. Họ hầu hết đều chưa qua đào tạo, cũng chưa có kinh nghiệm về du lịch, thiếu những kỹ năng thiết yếu như ngoại ngữ, phong cách đón tiếp và thiếu cả cơ sở vật chất phục vụ khách. Hệ quả của việc phát triển tự phát tràn lan là nhiều hộ kinh doanh homestay thua lỗ phải gánh nợ ngân hàng; mất an ninh trật tự; cảnh quan, môi trường và bản sắc văn hóa bị phá vỡ.

Anh Nguyễn Hoàng Điệp, hướng dẫn viên du lịch chuyên khách châu Âu chia sẻ: "Bản chất du lịch homestay không chỉ là phòng nghỉ, ăn uống, mà cảnh quan làng xã cần phải sạch đẹp, nguyên sơ trong từng nếp nhà, trong nét sinh hoạt đời thường để du khách được trải nghiệm. Thế nhưng hiện nay, loại hình này mới chỉ mang ý nghĩa tham quan, hưởng thụ môi trường là chính, còn việc tìm hiểu, trải nghiệm đời sống, văn hóa bản địa để cảm nhận cái hay, cái đẹp thì chưa đạt được".

Được biết, từ trăn trở với việc phát triển homestay, ông Lê Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Homestay Hội An đề nghị với chính quyền địa phương và ngành chức năng cần định nghĩa lại "thế nào là homestay" để quản lý. Còn theo TS Đoàn Mạnh Cương công tác tại Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, muốn hạn chế tình trạng phát triển tự phát về du lịch cộng đồng như hiện nay, nhất thiết phải có quy hoạch cụ thể và rõ ràng, tăng cường chức năng quản lý nhà nước. Quản lý nhà nước không phải là quản hay siết chặt mà phải hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân làm đúng và hiệu quả hình thức du lịch này.

Thiết nghĩ, để du lịch cộng đồng thành công và phát triển bền vững cần có sự kết nối chặt chẽ của Nhà nước-người dân-doanh nghiệp. Trong đó, Nhà nước, ngành du lịch, chính quyền địa phương phải có quy hoạch, định hướng khu vực trọng điểm để phát triển; quản lý tốt ngay từ khâu thẩm định, cấp phép đến hoạt động bằng những tiêu chí, quy định cụ thể; hướng dẫn hoạt động, đào tạo kỹ năng, tập huấn bài bản cho người dân bản địa. Về phía doanh nghiệp, cần tăng cường quảng bá, đưa du khách đến tham quan. Đối với người dân, cần tuân thủ quy định và có nghĩa vụ bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của địa phương mình, truyền cho khách những giá trị văn hóa bằng tình yêu, sự tôn trọng và niềm tin với những kỹ năng cần thiết của người làm du lịch thực sự.

Bài và ảnh: KIM DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/homestay-khong-phai-la-nha-tro-598574