Hôm nay là Tết Trùng Cửu, bạn nên làm gì để thêm may mắn?

Ngày nay, Tết Trùng Cửu ở nước ta được ít người biết đến, tuy nhiên nó lại có ý nghĩa văn hóa khá sâu sắc.

Tết Trùng Cửu là ngày gì?

Theo phong tục tập quán thì ngày mùng 9 tháng 9 Âm lịch hàng năm là ngày Tết cổ xưa của người Việt, gọi là Tết Trùng Dương hay còn gọi là Tết Trùng cửu, ngày tết hoa Cúc. Tết Trùng cửu lấy sự lặp lại của hai số 9 để nói về sự trường thọ. Tết trùng cửu ở Việt Nam ngày nay ít người còn biết đến về một nét đẹp văn hóa xưa kia.

Ý nghĩa Tết Trùng Cửu

Ở Trung Quốc xưa kia ngày 9 tháng 9 âm lịch là thời điểm hoa cúc nở rộ, báo hiệu mùa đông giá buốt sắp tới. Chính vì thế mà ngày Tết này còn có tên gọi khác là “Từ thanh”, tức là tạm biệt thảm cỏ xanh, tạm biệt những ngày thời tiết mát mẻ, bởi mùa đông đến cây cối không có sức sống, cảnh sắc nhạt nhòa trong tuyết giá.

Nuối tiếc những ngày ấm áp, người dân tranh thủ thời tiết đẹp để lên núi ngắm cảnh thu, cùng người tri kỉ uống rượu ngâm thơ. Người ta mang theo rượu hoa cúc để uống, mà hoa cúc lại nở bền nên dần trở thành biểu tượng cho tình bạn thắm thiết cũng như sự cao thượng, nho nhã của nho sĩ thời xưa.

Tuy nhiên khi tới Việt Nam, truyền thống này có vài sự đổi khác để phù hợp với văn hóa Việt. Đồng bằng sông Hồng là nơi dân ta sinh sống chủ yếu, mà đồng bằng ít đồi núi nên chỉ có những nhà văn nhà thơ, những người yêu văn chương, có tâm hồn nghệ sĩ mới rời xa đô thành tấp nập, về những vùng quê, nơi có những ngọn núi đẹp để ngắm cảnh, bình thơ cùng bạn hiền. Vì lẽ đó, Tết Trùng Cửu cũng ít phổ biến trong dân gian hơn những ngày Tết cổ truyền khác.

Đây là một ngày Tết cổ truyền trong văn hóa với mục đích phòng trừ bệnh tật, côn trùng. Có nhiều điểm tương tự với Tết Đoan Ngọ, Tết Trùng Cửu người ta uống rượu hoa cúc, đeo cành thù du để tránh bị đau ốm do thời tiết thay đổi.

Phong tục tập quán trong ngày Tết Trùng Cửu

Lên vùng cao

Nhân dịp tết Trùng Cửu, nhiều người thường đến vùng ngoại thành để leo núi, thưởng ngoạn phong cảnh, hít thở bầu không khí trong lành.

Người ta rủ nhau lên núi cao hay tháp cao, chỗ cao, tùy điều kiện sẵn có từng nơi để thưởng ngoạn phong cảnh, nhớ lại thời cổ đại đã từng phải “lên cao lánh nạn”. Cùng với đó, mọi người còn ăn bánh cao, một loại bánh làm bằng bột gạo xay nước ngào đường đỏ hấp chín và đổ thành 9 tầng như bảo tháp.

Chiếc bánh này tượng trưng cho số 9 và đỉnh cao, bên trên chiếc bánh này còn được người làm khéo léo nặn hình hai con dê nhỏ để tượng trưng cho trùng dương và được cắm ở trên một ngọn đèn nến tượng trưng đăng cao là trèo lên cao và một ngọn cờ giấy nhỏ màu đỏ tượng trưng cho cài lá châu du.

Ngắm hoa cúc và uống rượu hoa cúc

Trước đây tương truyền có ẩn sĩ Đào Uyên Minh của thời Tấn, từ quan về quê Giang Tây làm thơ, trồng cúc. Ông rất yêu hoa cúc và mỗi lần uống rượu lại xuất khẩu thành thơ.

Vào một ngày trùng dương, ông dạo ngắm hoa cúc nhưng muốn say mà nhà nghèo không có rượu. Ông còn vặt tạm hoa cúc nhai nhưng vẫn không say được. Đúng lúc đó có một sai nhân do thứ sử Giang Châu là Vương Hoằng cử đến đem một bình rượu tặng Đào Uyên Minh.

Vì vậy ẩn sĩ này đã mừng rỡ mở bình uống cho đến khi say xỉn. Chính vì lẽ đó, sau này người ta cho thêm hoa cúc vào trong rượu nếp trùng dương. Các văn nhân mặc khách thường bắt chước ông lấy ngày Trùng Dương làm ngày ngâm vịnh.

Cùng với việc uống rượu hoa cúc, trong ngày tết Trung Cửu, mọi người còn có phong tục là ngắm nhìn hoa cúc bởi loài hoa này tượng trưng cho sự cao thượng, đại diện cho tình bạn và nét nho nhã của danh sĩ. Cúc cũng được xem là một trong bốn loài hoa quân tử: Mai - Lan - Cúc - Trúc.

T.N (T/h) - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/hom-nay-la-tet-trung-cuu-ban-nen-lam-gi-de-them-may-man-76050-13.html