Hôm nay, có nhiều đứa trẻ đi khai giảng bằng máy xúc

'Có nơi đâu đi khai giảng như trên em không?'. Câu hỏi này của một giáo viên vùng cao khiến cộng đồng xúc động, thương cảm.

Vẫn đi trên con đường không thể đi

Nậm Sỏ là một xã thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu, gồm 22 thôn bản, với 1.398 hộ và 7.835 nhân khẩu và 5 dân tộc (Thái, Mông, Dao, Kinh, Khơ Mú) sinh sống.

Vùng này địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi cao, chỉ có ven chân đồi, ven suối (chủ yếu ở khu vực Nậm Sỏ, suối Nậm Ngò, suối Nậm Cả, suối Quai Đón…), có bãi đất bằng nhưng rất nhỏ và xen kẽ giữa đồi núi, sườn dốc.

Con đường dường như không thể đi nhưng vẫn không cản được bước chân của các thầy cô đến với học trò.

Theo ông Lò Văn Pùn - Bí thư Đảng ủy xã Nậm Sỏ, nơi đây vừa trải qua con lũ lịch sử, đường sá hư hại nặng, sạt lở, sụt lún khắp nơi. Nặng nề nhất là đường đi Nậm Cần, Nậm Sỏ, Tà Mít.

Bản Nà Ui là bản khó khăn nhất của Nậm Sỏ, có con suối to, mùa lũ thì đục ngầu, chảy xiết, cây cầu bắc qua suối chưa hoàn thiện.

Nậm Sỏ có đường trục chính tỏa đi các địa bàn khác và đường ngõ bản, trục chính nội đồng, nhưng mùa mưa các con suối Nậm Sỏ, Nậm Là, Nậm Ngò, Nậm Cả, Quai Đón… bắt nguồn các dãy núi cao đổ nước xuống rất phức tạp, gây lũ lụt, sạt lở, ảnh hưởng tới giao thông, sinh hoạt của nhân dân và đặc biệt là đường tới trường của các thầy cô giáo, học sinh - bởi mùa mưa ở đây tới tháng 10 mới chấm dứt.

Bánh xe máy được "bọc" kín bởi bùn đất

Dịp này tuyến đường Nậm Cần - Nậm Sỏ bị sạt lở, mưa cả ngày không ngớt. Nước không thoát được nên ngoài đường to như sông, đường nhỏ như suối... Để vào Xã Nậm Sỏ phải đi trên 40km đường quanh co, lên xuống, những điểm sụt lún nguy hiểm. Dù có máy xúc túc trực để san gạt nhưng sau mỗi cơn mưa lớn lượng đất đá lại sạt lở quá lớn, máy làm không xuể.

Gần đến ngày khai giảng,các thầy cô giáo ở Nậm Sỏ đã lên trường rất sớm để dọn dẹp vệ sinh trường lớp, đi đón học sinh và… lo lắng cho đường đến trường của các em. Dù mưa tầm tã, đường sá đi lại nguy hiểm nhưng không một cô thầy nào nhụt chí.

Họ bảo nhau đi từng đoàn để giúp đỡ nhau trên đường: nào cùng nhau khênh xe qua đoạn lầy, đi giúp xe cho các cô giáo khi lách qua những tảng đá... nối nhau thành đoàn đi Nậm Sỏ. Trên lưng họ là balo, sau xe là vợ, là con, có khi là mẹ đi cùng để trông con cho các thầy cô đi dạy. Dưới chân họ là ủng để đi đến đâu ngập lội là kịp sử dụng. Trên xe là rau, là trứng, là bút mực, sách vở cho học sinh vùng cao…

Nhiều cô giáo vừa đi vừa khóc bởi đường đi quá nguy hiểm và vất vả. Họ xót xa hỏi nhau: "Có nơi đâu đi khai giảng như trên em không?". Câu hỏi ấy khi được đưa lên mạng xã hội đã khiến cộng đồng nghẹn lòng. Nhưng họ hỏi nhau thế thôi, chứ không ai quay đầu lại, hoặc lui bước. Các thầy cô vượt qua nguy hiểm vì lũ trẻ đang chờ họ ở vùng cao, vì các thầy cô đã… quen rồi.

Học sinh chờ máy xúc đón qua suối. Ảnh cắt từ clip.

Máy xúc đến trường

Gần như ngay lập tức, trên mạng đã có clip gây "bão" với hình ảnh các thầy cô ở Nậm Sỏ vác bàn ghế qua con suối chảy xiết để học sinh kịp ngồi đầu năm học mới.

Và mới đây có thêm clip công nhân lái máy xúc đón từng tốp học sinh qua suối Nậm Sỏ mùa nước lũ để kịp đón ngày khai giảng.

Đó là hình ảnh học sinh Nậm Sỏ xuống núi đi học. Trò nào ở gần trường thì tung tăng tới lớp, dưới chân là bùn. Học sinh ở bản xa thì bỏ bút, sách vở vào túi nilon theo bố mẹ tới trường, rồi cõng qua con suối. Hoặc có thầy cô chờ đón để cõng học sinh qua suối.

Lên máy xúc để qua suối đến trường. Ảnh cắt từ clip.

Ngoài sự nỗ lực của các thầy cô ở điểm trường vùng cao, địa phương đã huy động những chiếc máy xúc đón học sinh qua suối mùa nước lũ. Các công nhân thì san gạt đất đá, mở đường, những chỗ nước sâu thì dùng máu xúc chở học trò qua suối. Tất cả cùng chung tay để cho các em đến trường kịp ngày khai giảng.

Trưa 5/9, ông Lò Văn Pùn, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Sỏ hồ hởi cho biết, học sinh Nậm Sỏ vừa hân hoan tổ chức ngày khai giảng năm học mới. Thời điểm khai giảng đã ngớt mưa, những nụ cười và đôi mắt sáng lấp lánh với những tiết mục văn nghệ… tưng bừng, đẹp mắt, dù dưới chân các cháu dấu vết bùn đất chưa kịp khô.

Khởi đầu năm học mới đầy khó khăn, nhưng bao khó khăn rồi cũng sẽ qua...

Ảnh cắt từ clip do ông Lò Văn Pùn cung cấp.

Được biết một công ty tư nhân đã đầu tư tiền để tài trợ xây dựng một cây cầu băng qua suối mùa mưa lũ, nhưng dự án này chưa hoàn thành. Khi cây cầu hoàn thiện, các thầy cô, học sinh và người dân sẽ có đường đi thuận lợi, không phải băng suối.

Ngọc Hà

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/hom-nay-co-nhieu-dua-tre-di-khai-giang-bang-may-xuc-20180905182214055.htm