Hôm nay (11/6): Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước

Ngày làm việc thứ hai của tuần làm việc cuối cùng Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017; Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019...

Cụ thể, buổi sáng các đại biểu sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017.

Ngày 20/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2017

Ngày 20/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2017

Sau đó, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch sẽ giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.

Đặc biệt, trong buổi sáng, Quốc hội sẽ dành khoảng 45 phút để bàn công tác nhân sự, thảo luận về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Buổi chiều, đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Cũng trong chiều Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thư viện. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Thư viện.

Trước đó, ngày 20/5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017.

Theo báo cáo quyết toán NSNN năm 2017, tổng số thu là 1.212.180 tỷ đồng (không kể thu chuyển nguồn); tổng số chi là 1.390.480 tỷ đồng; bội chi NSNN là -178.300 tỷ đồng, tương đương 3,5% GDP, gồm: bội chi ngân sách trung ương (NSTW) là 172.300 tỷ đồng, tương đương 3,38% GDP, bội chi ngân sách địa phương (NSĐP) là 6.000 tỷ đồng, tương đương 0,12% GDP. Tổng mức vay của NSNN là 340.157 tỷ đồng (đã bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của NSNN).

Cũng theo báo cáo, năm 2017, dự toán thu NSNN 1.212.180 tỷ đồng, quyết toán 1.293.627 tỷ đồng, tăng 6,7% (81.447 tỷ đồng) so với dự toán chủ yếu do tăng thu từ tiền sử dụng đất 61.713 tỷ đồng, thuế xuất nhập khẩu 17.272 tỷ đồng và thu từ dầu thô.

Dự toán chi NSNN 1.390.480 tỷ đồng, quyết toán 1.355.034 tỷ đồng, bằng 97,5% (giảm 35.446 tỷ đồng) so với dự toán, chủ yếu do một số khoản chi triển khai chậm (như các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu) nên bị hủy dự toán hoặc chuyển nguồn sang năm sau chi tiếp theo quy định của Luật NSNN. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã thực hiện điều hành chi ngân sách bám sát mục tiêu, dự toán ngân sách được giao.

Quyết toán chi NSTW là 564.531 tỷ đồng, bằng 95,1% so với dự toán. Quyết toán chi NSĐP là 790.503 tỷ đồng, bằng 99,2% so với dự toán.

"Nhiệm vụ chi NSNN năm 2017 đã được thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Công tác quản lý, kiểm soát NSNN chặt chẽ theo quy định của Luật NSNN và nghị quyết của Quốc hội. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, điều hành dự toán NSNN có hiệu quả và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo nghị quyết của Quốc hội, góp phần giảm bội chi NSNN", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá.

M.L

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/hom-nay-116-quoc-hoi-phe-chuan-quyet-toan-ngan-sach-nha-nuoc-539383.html