Hôm nay (11/5), Đường 'Nhuệ' và 'con nuôi' Tiến 'trắng' đến Tòa làm nhân chứng

Hôm nay (11/5), tại TAND tỉnh Thái Bình, TAND cấp cao mở phiên xử phúc thẩm vụ án hình sự ông Nguyễn Văn Lẫm (SN 1962) - Giám đốc Công ty TNHH Lâm Quyết) và vợ là bà Phạm Thị Quyết (SN 1967) về tội danh 'lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản'.

Cụ thể, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội, thành phần triệu tập các đương sự đến phiên tòa có Nguyễn Xuân Đường - tức Đường "Nhuệ" (SN 1971, ở 366 Lê Quý Đôn, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) và đàn em của Đường "Nhuệ" là Bùi Mạnh Tiến - tức Tiến “Trắng” (SN 1995, cùng trú tại địa chỉ trên) cũng được triệu tập đến phiên tòa với vai trò là người làm chứng.

 Đường "Nhuệ" và Tiến "trắng" - người được xem là "con nuôi" của đối tượng.

Đường "Nhuệ" và Tiến "trắng" - người được xem là "con nuôi" của đối tượng.

Trước đó, ngày 29/4, đại diện Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội trực tiếp về Trại tạm giam Công an tỉnh Thái Bình thực hiện các thủ tục công bố quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn từ “Tạm giam” sang biện pháp “Bảo lĩnh”, cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Lẫm và bà Phạm Thị Quyết được tại ngoại để chờ xét xử phúc thẩm vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với hai người này.

Ông Nguyễn Văn Lẫm (tên thường gọi khác là Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Công ty TNHH Lâm Quyết, SN 1962) và vợ Phạm Thị Quyết (SN 1967, thường trú tại tổ 4, phường Trần Lãm, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình).

Theo bản cáo trạng được Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Bình ban hành vào ngày 31/12/2018, trên cơ sở kết quả điều tra xác định, ngày 23/1/2013, ông Lẫm và vợ có vay của ông Đỗ Văn Tới và bà Lê Thị Tuyết (cùng trú số nhà 216 Hùng Vương, TP Thái Bình) 400 triệu đồng để sản xuất và kinh doanh đồ gỗ.

Hai bên có ký hợp đồng vay vốn, tài sản thế chấp trong hợp đồng là chiếc xe Toyota Camry 2.0E, biển kiểm soát 17K 9966, thời hạn trả gốc là ngày 28/6/2013 âm lịch. Nếu quá thời hạn trả nợ gốc một tháng, ông Tới có quyền mua lại chiếc xe ôtô trên bằng 70% giá thị trường tại thời điểm đó.

Ngày 20/1/2016, ông bà Lẫm, Quyết tiếp tục đến vay ông Tới 500 triệu đồng, có lập hợp đồng. Thế chấp cho khoản vay này và khoản vay ngày 23/1/2013 vẫn là chiếc xe ôtô Camry trên.

Tháng 4/2017, vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết đi xe ôtô Camry trên đến nhà ông Phạm Công Tự và bà Tống Thị Huệ (ở Vũ Chính, TP Thái Bình), đề nghị bán chiếc xe trên cho ông bà này để trừ vào khoản vay 800 triệu vay năm 2015 mà không hỏi ý kiến ông Tới.

Quá trình điều tra, ông Lẫm, bà Quyết khai đối với khoản vay của ông Tới đã được trả hết cả gốc và lãi, đến nay không còn nợ khoản nào. Việc thanh toán được trả tại Công ty TNHH Lâm Quyết, không có ai chứng kiến, khi nhận tiền, ông Tới viết giấy biên nhận thể hiện đã nhận toàn bộ tiền gốc và hợp đồng vay vốn không còn giá trị. Giấy biên nhận đã mất do Đường "Nhuệ" chiếm công ty vào ngày 3/10/2017.

Năm 2013 và năm 2016, ông Lẫm, bà Quyết vay số tiền 900 triệu đồng của ông Tới, hợp đồng có thế chấp tài sản là chiếc ôtô ở trên, cam kết không thế chấp, không bán… Ngày 12/4/2017, khi chưa trả nợ số tiền nêu trên cho ông Tới, ông Lẫm, bà Quyết đem chiếc xe đã thế chấp vay tiền trên bán cho ông Tự mà không được sự đồng ý của ông Tới, nhưng vẫn nói dối ông Tới là chưa bán xe.

Cáo trạng chỉ rõ, vợ chồng ông bà Lẫm, Quyết đã gian dối, nại ra lý do Nguyễn Xuân Đường chiếm đoạt Công ty TNHH Lâm Quyết làm mất giấy biên nhận đã trả tiền cho ông Tới để chiếm đoạt số tiền 900 triệu đồng. Do đó, VKSND tỉnh Thái Bình truy tố vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết tội danh "Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản".

Tại phiên xét xử sơ thẩm từ ngày 6 -12/6/2019, TAND tỉnh Thái Bình tuyên vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”, phạt ông Lẫm 14 năm tù giam, bà Quyết 13 năm tù giam.

Tại phiên tòa và cho đến nay, vợ chồng ông Lẫm bà Quyết và gia đình liên tục có đơn kêu oan, gửi đến các cơ quan chức năng. TAND Cấp cao vừa có quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với ông Lẫm bà Quyết để chờ phiên tòa phúc thẩm.

Lưu Ly

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/phap-dinh/ky-an/hom-nay-11-5-duong-nhue-va-con-nuoi-tien-trang-den-toa-lam-nhan-chung-88068.html