Hòm công đức – 'làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền'

Có vị 'thầu' một ngôi đền, cứ đều đặn mỗi tháng lại dấm dúi rình lúc nửa đêm thuê xe ô tô vào, khênh ngót chục tải tiền công đức đi 'thuê người ta đếm'.

Các độc giả Bùi Minh Khánh, ở Ninh Bình; Nguyễn Xuân Lập ở Ngọc Hiển, Cà Mau và Pờ Chinh Lan, tỉnh Điện Biên: Thưa nhà báo, anh nghĩ gì về các câu chuyện lùm xùm hòm công đức hiện nay? Theo anh thì chúng ta phải làm gì để sang năm và các năm sau "ba quân tướng sỹ" không phải đau đầu làm vấy bẩn không khí lễ hội linh thiêng của mùa xuân bằng các ái ố mang tên "bí ẩn hòm công đức" nữa? Đâu là bản chất vấn đề?

Tiền công đức đã đi vào một cái hòm không treo biển khác

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Theo tôi, riêng cái việc để cho chuyện hòm công đức trở thành thứ kiện tụng đơn thư trong nội bộ tranh chấp của cơ sở tín ngưỡng, đã là đáng hổ thẹn rồi. Dù ai đúng ai sai cũng vẫn đáng xấu hổ y như thế. Tựu trung hòm công đức chứa tiền hoặc vật chất nói chung. Người tu hành quan tâm quá, tơ hào gì đó hoặc giành giật quyền quản lý hòm công đức thì dĩ nhiên là đáng để chúng ta phải trăn trở lắm.

Người phục vụ cửa nhà Thánh, cửa nhà Phật và cửa nhà chư vị thần tiên thì cái Tâm với cõi xa xanh mỏng, cái liêm sỉ ít, nên sấp mặt biển thủ tiền công đức khiến cơ quan điều tra phải vào cuộc gay gắt - như thế là sai đạo và sai luật.

Ở một vài xã, nguồn tiền công đức ở di tích quốc gia chùa cổ quá nhiều, người "nương cửa Phật" đi xe tiền tỷ, như một đại biểu Quốc hội đã nói, lái cả siêu xe Hummer (!).

Họ sống sa hoa, khiến bà con thất vọng. Chính quyền và dân thôn thành lập hội đồng quản lý hòm công đức, lúc mở thì ba bề bốn bên có mặt và đếm tiền tỉ mỉ, văn bản giấy tờ công khai minh bạch. Đóng gói cả cái núi tiền mà người ta phải chở đi bằng xe tải mới hết kia. Tiền được ghi sổ sách gửi ngân hàng chi tiêu cho việc chung ích nước lợi nhà.

Năm đầu thí điểm mô hình quản lý hòm công đức thế, vị Chủ tịch UBND xã, người từng nhiều năm làm Trưởng Ban quản lý di tích ở địa phương, mừng lắm. Tiền vào tay người ít hiểu biết về di tích, thì họ "giải ngân" bằng cách xây mới tùm lum, đập phá bất chấp. Ông từng chứng kiến và từng bị kỷ luật vì di sản quê mình bao phen nháo nhác vì nạn "có tiền xây mới", Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phải về giải quyết.

Báo chí tốn bao nhiêu giấy mực. Tuy nhiên, ít ngày sau thì vị Chủ tịch tâm huyết kia hốt hoảng dâng kiến nghị: bỏ hội đồng quản lý hòm công đức thôi.

Bởi "người nhà chùa" đã có phương pháp đối phó mới rồi. Họ rỉ tai các "cổ cánh" to phe chuyên đổ tiền vào hòm công đức rằng: quý vị ơi, nếu muốn tử tế với tôi, muốn thể hiện lòng lành với Phật, thì hãy để công quả vào phòng tôi nhé. Chứ bỏ hòm công đức là bị trưng thu chia chác vào túi… kẻ xấu đấy.

Đại ý thế hoặc thế nào đó như thế như thế, cái két sắt hạng sang giữa chùa sau đó chỉ còn là nơi treo biển hòm công đức bằng hai thứ tiếng Việt và Anh thôi. Rỗng không. Tiền công đức đã đi vào một cái hòm không hề treo biển khác.

Chưa hết, có một vụ tày trời thế này, báo chí từng viết rõ nhiều bài và Bộ VHTTDL và Sở ngành của Hà Nội về xử lý hẳn hoi. Vị sư chùa nọ còn lái xe Mercedes sang tận Lào để tự tay tự mắt tìm mua gỗ lim giá gốc về "phá chùa cũ, xây chùa mới".

Nhiều hạng mục của chùa cổ khởi dựng tự nghìn năm bị rỡ trắng, giải phóng mặt bằng, đào cả chân cột, đá lát nền lên, gỗ lạt ngói thay mới 100%. Sau khi sự việc bị phát giác, ngân sách nhà nước bỏ ra gần ba chục tỷ đồng, thuê Viện Bảo tồn di tích phục dựng lại cảnh xưa của chùa.

Có di tích đặt tới 15 cái hòm công đức ở tất cả mọi ngõ ngách để tận thu "nhân tâm" của thiên hạ. Có vị sư trụ trì cùng lúc 14 ngôi chùa, cùng với cả anh em họ hàng thân thích "kinh doanh" từ A đến Z cả trang trí, tổ chức, cúng bái, nấu nướng, trông xe trong các hội của 14 di tích đó.

Có vị "thầu" một ngôi đền, cứ đều đặn mỗi tháng lại dấm dúi rình lúc nửa đêm thuê xe ô tô vào, khênh ngót chục tải tiền công đức đi "thuê người ta đếm". Có người khác cũng dính dáng vào trông coi, cũng là con gà tức nhau tiếng gáy, mới thậm thụt theo dõi, báo công an chính quyền đến xử lý.

Ở bắc trung bộ, vài ngôi đền danh tiếng, Bộ VHTTDL, lãnh đạo tỉnh và các ban ngành địa phương đau đầu ra bao nhiêu công văn và các quyết định quản lý, nhưng không sao chấn chỉnh được tình trạng "làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền".

Tiền ở hòm công đức mấy ông "thầu đền" sở hữu hết. Có đối tượng vào chùa dùng vật mỏng dài "gắp" trộm tiền công đức qua cái khe nhét tiền nhỏ xíu. Có khi đạo chích vào khiêng một lúc 3 tỷ đồng trong "két sắt" của chùa.

Căm giận bọn trộm cướp thì ít, dân thôn nháo nhào buồn nản vì cái sự giàu vô lý của người nhà chùa thì nhiều. Họ xì xào bàn tán: đã xuống tóc, "mùi thiền đã bén muối dưa, cái màu ăn mặc đã ưa nâu sồng", thì cóp nhóp vơ vét tiền tỷ để làm gì? Kiện cáo nhau làm gì?

Vụ đơn thư ầm ĩ ở ngôi chùa danh tiếng tỉnh Vĩnh Phúc vừa rồi, báo chí tốn biết bao giấy mực, cán bộ tỉnh mới thở dài nói lời gan ruột chẳng qua vì mâu thuẫn "lợi ích nhóm" trong cái hòm công đức.

Thế mới càng hiểu, ai thắng ai thua trong vụ này, thì phần thua lớn nhất vẫn là việc mất niềm tin vào sự đắc đạo và liêm chính trong một số người khoác áo tu hành.

Hối lộ Thần Phật làm vấy bẩn niềm tin tâm linh của tất cả chúng ta

Bất giác nhớ đến nhà sư Thích Đàm Chính, 91 tuổi, người hơn nửa thế kỷ trụ trì chùa Tiêu nổi tiếng ở ven đô thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Chùa thiêng, tuyệt đẹp với thiên nhiên trong vắt ấp iu các hàng cổ thụ mơ màng. Trong tháp có nhục thân của vị sư chân chính từng tu ở chùa Tiêu.

Hơn nửa thế kỷ trước, vị nữ tu đã đến chùa cày cuốc, dọn rừng, bảo tồn các hạng mục quý, đôi khi đói khát vẫn phải cày ruộng rồi leo lên cây trốn máy bay Mỹ. Nhưng chưa bao giờ bà nhận một đồng "tiền công đức" của khách thập phương.

Cả nước kính trọng vì chùa vẫn đang là của hiếm đáng ngạc nhiên trong cái thời kim tiền thớ lợ. Chùa Tiêu không lập hòm công đức. Bà bảo, bà làm, bà ăn, bà gìn giữ di sản và không gian linh thiêng. Cần gì tiền của người khác. Bà ăn chay và không có một nhu cầu vật chất nào khác, lấy tiền để làm gì? Di tích quốc gia, cần tu tạo đã có tiền ngân sách nhà nước.

Những người như sư Thích Đàm Chính bây giờ đang hiếm vô cùng. Và đã đến lúc chúng ta cần phải rành mạch, đừng mù quáng nữa. Bà Chính nói có lý: tiền giọt dầu, nải chuối, tấm bánh, dân thôn cúng lên chùa, bà nhận hết.

Lúc cần tiền tỷ sửa chùa, bà cho người ta cung tiến, cũng như khi đúc chuông, ai có tiền xu rồi vàng ròng, thả vào đó, tiếng chuông ngân lên, bà con nghe được tiếng lòng của mình với cõi Phật. Quý quá.

Nhưng hết thời điểm đúc chuông sửa chùa, bà không nhận bất cứ cái gì của ai nữa. Tiền đặt trước mặt bà bà cũng không lấy. Bà chỉ lo tiền vào hòm công đức sẽ bị kẻ xấu đem ra làm điều xằng bậy thì có tội và quá có tội.

Ôi, vị sư đáng kính, nửa thế kỷ trước bà đã biết lo trước nỗi lo của thiên hạ. Nếu ai cũng tự trọng trong đường tu của mình như thế, thì thế gian đã không phải rầu lòng trước thảm họa hòm công đức và các lợi ích xôi thịt khác; và người có lương tri đã không phải dùng đến những từ như "mạt pháp" khi nói về các con sâu làm rầu nồi canh.

Con sâu hay bát sâu, nồi sâu?

Lại chợt nhớ đến người nhà chùa ở Hà Nội phá góc di tích để làm gara, có vị sở hữu mấy cái ô tô. Có vị trẻ măng dựng tượng chân dung mình trong chùa khiến người dân phải bức xúc vây kín đòi trục xuất khỏi địa phương. Có vị sắm dàn karaoke trị giá gần 500 triệu đồng. Có sư trụ trì mua cả nhà sàn cổ khiêng về khuôn viên chùa/ di tích quốc gia để mắc đèn xanh đỏ.

Lại nhớ đến những người tu hành tôi đã gặp trên dãy Hymalaya nóc nhà thế giới. Có người đi cả một đời đến chân núi thiêng Ngân Sơn ở Tây Tạng, đi ròng rã 25 năm qua tuyết trắng và những con đường hoang vắng chết chóc.

Có người chết dọc đường hành hương về cõi đắc đạo. Họ đi, cứ tam bộ nhất bái, tức là đi ba bước thì dừng lại đập toàn bộ trán, chân, đầu gối, ngực của mình xuống nền đất một lần (gọi là "ngũ thể nhập địa"). Có người lên núi cao nhập thất, vài năm không ra ngoài.

Chúng tôi đến các ngôi chùa toàn nữ tu trẻ măng ở Bhutan. Tít độ cao gần 4.000m so với mực nước biển, tuyết trắng, rừng già, áo rách, ăn cơm với ớt xào bơ, nhưng họ chưa bao giờ thấy khát khao cái vật chất để chiều chuộng các sự ham hố của thói thường.

Mùa đông, ăn gạo tích trữ trong kho, 6 tháng họ không xuống núi được và cũng không ai lên ngắm chùa được. Họ sống, tu thiền và giúp dân giúp nước thượng tôn một lối sống ngoan đạo, lành lẽ, biến Bhutan trở thành quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới.

Hoặc như ở Lào, các vị sư ngày ngày đi khất thực chân đất, đầu trần, áo cà sa vàng cam bay phần phật trong gió sớm. Họ chỉ nhận cơm, xôi, vài thứ đồ ăn chay cho ngày hôm đó, hôm sau lại khất thực và tuyệt đối không lấy tiền hay bất cứ thứ vật chất nào khác. Không lấy cả xôi về tích trữ.

Chả đâu xa, ngay khu vực Núi Dinh, núi Thị Vải ở Vũng Tàu, chúng tôi đã gặp hàng chục vị sư sống trong rừng già, ở trên các đỉnh thác hoang vu, dựng am thất ngồi tu trong vách đá, thậm chí cả trong lòng núi sâu hun hút tối tăm.

Họ không phá cảnh quan, chẳng xây dựng tượng to chùa lớn, chẳng ăn tiệc tùng hay mua mấy cái ô tô, "đập iphone" như kẻ khác. Họ ngồi thiền và ao ước thiên nhiên tuyệt mỹ hoang sơ, chim kêu vượn hót sẽ giúp mình tĩnh tại và trở thành vị đạo sư chân chính.

Có vị sư ngồi viết sách rất minh triết về đường tu, hàng chục năm ông dựng lều trong hang núi, ngày ngày đi xuống suối gánh nước về nấu cơm chay. Chim chóc vây quanh ca hát. Lũ rắn độc cũng trườn vào nhà và chưa bao giờ bị đuổi đánh cũng như chưa bao giờ chúng đe dọa gì cái con người bình an như cây cỏ kia.

So sánh nào cũng là khập khiễng, nói thật thì dễ bị quy chụp là báng bổ hay vơ đũa cả nắm. Nhưng có một sự thật là hòm công đức đang bị tung hứng, cãi cọ, móc ruột và đem làm thứ vấy bẩn vào niềm tin tôn giáo của chúng ta.

Nó vấy bẩn và làm tất cả chúng ta thấy hổ thẹn. Nhưng cái két sắt hay cái hòm gỗ treo tấm biển, vẽ sơn xanh đỏ vô tri vô giác kia có lỗi gì không? Vì sao chúng ta lại đem quết "xôi thịt" lên không gian linh thiêng kia?

Lỗi đầu thuộc về sự mù quáng của những người mê muội hoặc trọc phú, tung tiền ra để "mua chuộc" thánh thần hoặc các vị trông coi di tích thờ thánh thần. Sư ăn chay, chùa hỏng thì đã có nhà nước trùng tu tôn tạo. Sao người đi lễ phải "đút lót" vật chất vào để làm gì?

Từ thượng cổ, chùa làng đã kèm theo cả ruộng chùa, ni, sư, tiểu, vãi và cả dân thôn cấy cày và thâu hái, tự lo một cuộc sống cư bần lạc đạo cho mình. Đèn nhang thì các Phật tử cùng chung tay đỏ lửa, có làm sao đâu!

Phật tại tâm, Thánh tại tâm, khi bạn có mặt ở không gian thanh tịnh thánh thần đó, tự bạn đã được gột rửa và tươi mới rồi. Đừng xùy tiền ra hối lộ để rồi tự xỉ vả vào tín ngưỡng và lòng tự trọng của chính mình. Nếu không ai xùy tiền ra trước mặt tượng Phật và thánh thần, thì trước tiên là nỗi đau mang tên Hòm Công Đức sẽ được phẫu thuật xong.

Quả là, chừng nào còn những "đệ tử" thánh thần luôn ước ao cướp được tiền thiên hạ rồi cúng vào đình chùa miếu mạo cho oai, cho thánh thần lại quả lấy phước buôn may bán đắt; lấy thẻ ghi danh công đức diêm dúa trưng bày cho oách; thậm chí, "cúng" nhiều, lắm người còn vác mặt lên khoe: tên ta được khắc vào bia đá, vào chân cột cờ, thậm chí ảnh của ta được treo cao hơn cả tượng Phật trong chùa - chừng nào còn các "hoạt cảnh" đáng ngán ngẩm đó, thì tệ hại của hòm công đức còn diễn ra.

Tôi tin, nếu thật sự có Thánh, Phật linh thiêng màu nhiệm vẫn can dự vào cuộc sống dương gian này, thì tôi tin các đấng ấy sẽ rất buồn, thậm chí quở trách nặng nề những kẻ đôn đáo tìm lối hối lộ họ...

Đỗ Doãn Hoàng

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/28cuthang__-hom-cong-duc-lam-cho-khoc-hai-chang-qua-vi-tien-484488/