Holding space, đồng hành nhưng không phán xét trong tình yêu

Để mối quan hệ trở nên sâu sắc và gắn bó hơn, mỗi người cần học cách lắng nghe nửa kia khi họ gặp khó khăn, đồng thời không bới móc lỗi sai hay tầm thường hóa cảm xúc của họ.

 "Holding space" sẽ giúp đối phương thoải mái bộc lộ những điểm yếu, góc khuất. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels.

"Holding space" sẽ giúp đối phương thoải mái bộc lộ những điểm yếu, góc khuất. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels.

Khi đã gắn bó với nhau, cả hai có xu hướng muốn chia sẻ mọi vui buồn với nửa kia. Tuy nhiên, mỗi người cũng cần cho đối phương không gian, thời gian riêng tư khi cần thiết để vượt qua những bất ổn và chữa lành vết thương.

Theo Psychology Today, tôn trọng không gian cá nhân - "holding space" là nền tảng của các mối quan hệ, giúp thu hẹp khoảng cách khi một người đang gặp buồn phiền, khủng hoảng.

"Holding space" khiến đối phương cảm thấy được trân trọng, lắng nghe. Ảnh minh họa: Katerina Holmes/Pexels.

"Holding space" là gì?

Thuật ngữ này lần đầu tiên được phổ biến bởi Heather Plett, một nhà văn người Canada.

Tôn trọng không gian riêng tư nghĩa là sẵn sàng ở bên cạnh người kia trong bất kỳ tình huống nào mà không phán xét hay cố gắng khuyên nhủ, phân tích vấn đề của họ.

Nhờ vậy, họ có thể cảm thấy an toàn và thoải mái chia sẻ kinh nghiệm, quan điểm của mình.

Lắng nghe và tránh phán xét là những điều quan trọng nhất. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels.

Các đặc điểm

Tạo bầu không khí thoải mái: Điều quan trọng là hãy tạo một bầu không khí thoải mái để đối phương có thể nói chuyện cởi mở. Do đó, mọi người nên giảm thiểu những lời bình luận và hạn chế đánh giá đối phương.

Hai người không nhất thiết phải ngồi đối diện với nhau trong nhiều giờ liền. Cả hai có thể trò chuyện trong khi đang đi dạo hoặc chơi thể thao. Điều này giúp quá trình chia sẻ trở nên dễ dàng và bớt áp lực hơn.

Tập trung lắng nghe: Để có thể chú tâm lắng nghe đối phương chia sẻ, mọi người nên tạm hoãn mọi công việc đang thực hiện và tắt các thiết bị điện tử. Trong lúc đó, hãy tránh nói về bản thân, đồng thời không ngắt lời hay dập tắt những cảm xúc mạnh mẽ của người nói.

Đồng cảm: Hơn cả lắng nghe, mỗi người nên cố gắng hiểu quan điểm và cảm xúc của đối phương bằng cách chú ý đến giọng điệu, ngôn ngữ cơ thể và cảm xúc của họ.

Tránh phát hiện lỗi sai và tìm giải pháp: Trong nhiều trường hợp, người nghe có xu hướng tìm kiếm lỗi sai và đưa ra giải pháp khi nhìn thấy người nói đang gặp khó khăn, đau khổ. Tuy nhiên, điều này có thể phản tác dụng và không khiến đối phương cảm thấy khá hơn. Đôi khi, người nói đã hiểu rõ vấn đề của họ và chỉ muốn tìm một nguồn an ủi.

Không tầm thường hóa trải nghiệm, cảm xúc của đối phương: Ví dụ, nếu một người tâm sự rằng họ không vượt qua kỳ thi cạnh tranh sau nhiều lần thử, hãy tránh nói rằng: "Anh biết em chán nản vì trượt kỳ thi nhưng đó chỉ là một kỳ thi, có những thứ quan trọng hơn thế nhiều". Giảm nhẹ vấn đề như vậy có thể khiến đối phương cảm thấy tội lỗi vì cảm xúc tiêu cực của mình.

Bích Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/holding-space-dong-hanh-nhung-khong-phan-xet-trong-tinh-yeu-post1435172.html