Hội và nghề

Đại hội Liên hiệp Các hội Văn học - Nghệ thuật (VH-NT) toàn quốc lần thứ X vừa diễn ra tại Hà Nội, đã khép lại “năm đại hội” của các hội thuộc lĩnh vực VH-NT. Sự xuất hiện của nhiều gương mặt mới, trẻ về tuổi đời, đa dạng phong cách sáng tác… trong ban chấp hành các hội đã đem tới nhiều kỳ vọng vào một nhiệm kỳ của sự chuyển giao thế hệ. Trong 5 năm qua, các hội VH-NT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các mặt hoạt động. Song cũng cần thẳng thắn thừa nhận kết quả thu được vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng.

Sáng tác VH-NT tuy nhiều về số lượng nhưng vẫn chưa có nhiều tác phẩm đỉnh cao, chưa đáp ứng được nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của người dân. Vai trò dự báo, tham mưu, tư vấn phản biện xã hội còn mờ nhạt, thiếu vắng trong các tác phẩm VH-NT, để cho xu hướng giải trí, thị trường, câu khách lấn át...

Nguyên nhân được chỉ ra, một phần chính là do vai trò của các hội VH-NT đang trở nên mờ nhạt đối với văn nghệ sĩ. Trước đây, các hội luôn là nơi sinh hoạt nghiệp vụ hiệu quả, là mảnh đất ươm mầm tài năng, kích thích sáng tạo, phát hiện và lan tỏa những giá trị của VH-NT. Nay, tính chất hành chính hóa đã khiến hoạt động của nhiều hội trở nên hình thức và xơ cứng.

Đã một thời gian dài, nhiều người luôn mặc định hội là nơi “dừng chân” của các nhà quản lý khi bước vào tuổi nghỉ hưu. Nhiều nghệ sĩ, nhất là các bạn trẻ, chưa tìm được ở đó tiếng nói khích lệ, không tìm được môi trường sinh hoạt nghiệp vụ hữu ích và chuyên nghiệp… Có lẽ vì vậy nên gần đây, chuyện xóa bỏ “bao cấp” đối với hội VH-NT đã được nhiều người đưa ra thảo luận. Nhiều ý kiến cho rằng, việc trông đợi vào nguồn ngân sách bao cấp sẽ khiến các hội trở nên thụ động, giảm sự linh hoạt, tự thích ứng với hiện thực xã hội. Có ý kiến đưa ra nhiều dẫn chứng về việc các nghệ sĩ không hề tham gia hội nhưng vẫn có nhiều tác phẩm tuyệt vời đóng góp cho đời sống VH-NT. Nhiều tác phẩm điện ảnh của các hãng phim tư nhân không những đã kéo khán giả trở lại với điện ảnh Việt, mà còn tạo được tiếng vang ở các liên hoan phim quốc tế… Song cũng rất có lý khi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chia sẻ việc tham gia hội chỉ là một cơn cớ thúc đẩy nhà văn viết. Có những người không vào hội nhưng họ vẫn viết tuyệt vời, nhưng nếu vào hội để cùng nhau làm điều gì đó thì cũng rất cần thiết.

Nhiều ý kiến trao đi đổi lại, song cái đích cuối cùng hướng tới vẫn chính là sự mong mỏi, chờ đợi ở những tác phẩm hay. Với VH-NT, thước đo không phải bao nhiêu tiền, đem lại doanh thu bao nhiêu mà sức lan tỏa, sự ảnh hưởng của tác phẩm trong cuộc sống. Một bộ phim có thể làm cả một vùng đất thay da đổi thịt, một bài hát có sức mạnh khi hiệu triệu lòng người… Bởi thế, mọi lời qua tiếng lại, những câu hỏi hoài nghi về sự tồn tại và hoạt động của các hội sẽ là tiếng nói yếu ớt khi công chúng được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật có tầm, lay động lòng người.

Một nhiệm kỳ mới của các hội VH-NT với những gương mặt lãnh đạo mới, nghệ sĩ mới và cả khán giả cũng mới là những thách thức đòi hỏi sự nỗ lực của các tổ chức hội và giới văn nghệ sĩ. Tại Đại hội Liên hiệp Các hội VH-NT toàn quốc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh mong muốn các hội sẽ tiếp tục nuôi dưỡng và truyền giữ ngọn lửa đam mê sáng tạo, phát huy trách nhiệm xã hội; các văn nghệ sĩ tiếp tục dấn thân, đắm mình vào thực tiễn đời sống của đất nước, của nhân dân, để mang hơi thở cuộc sống vào từng tác phẩm, để thấu cảm, nâng đỡ những khát vọng cao đẹp của con người Việt Nam hôm nay…

MAI AN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/hoi-va-nghe-709199.html