Hồi ức...

Một thời thuốc lá cũng được một số thanh niên biến thành thứ để làm sang khi đi tán gái hay sĩ diện với thiên hạ. Họ bỏ bao Thủ Đô, Điên Biên bao bạc vào túi ngực áo sơ mi trắng rồi cài thêm bút máy Kim Tinh cho ra dáng trí thức.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Năm 1894 Hà Nội khai trương nhà máy thuốc lá điếu đầu tiên ở dốc phố Cửa Bắc, chuyên sản xuất xì gà hộp gỗ, thuốc điếu hiệu Métropole, Favorite. Nhà máy thuê đàn bà Việt làm ở các bộ phận chọn lá, dọc, ủ, sấy, thái, quấn còn đàn ông thì làm thợ mộc, điện và thợ đốt lò sấy. Công nhân chủ yếu là người các làng xa nhà máy như: Thụy Khuê, Bưởi và Yên Phụ. Vì Tây gác cửa hay nắn bóp khắp người kiểm tra có trộm thuốc không nên đàn bà con gái các làng gần nhà máy sợ mang tiếng đã không vào đây làm. Thuốc lá của nhà máy bán khắp xứ Đông Dương. Chính quyền thu thuế không dựa vào số lượng sản xuất mà thu theo số lượng tiêu thụ, hàng ngày có nhân viên thuế ngồi ở kho, xuất ra bao nhiêu thì tính thuế bấy nhiêu.

Không rõ vì lý do gì mà nhà máy đóng cửa vào năm 1929. Bên cạnh các nhà máy, nhiều nhà nhập khẩu đã nhập thuốc Cotab từ Pháp về bán tại Hà Nội, hiệu buôn Vĩnh An ở phố Hàng Phèn chuyên bán thuốc lá và là hiệu lớn nhất.

Sau 1954, Hà Nội có Nhà máy thuốc Thăng Long chuyên sản xuất các nhãn hiệu: Trường Sơn, Tam Đảo, Điện Biên, Thủ Đô, Sa Pa,... Nhà máy sản xuất theo kế hoạch, xong là chuyển sang cho ngành thương nghiệp, để ngành này phân phối theo tiêu chuẩn. Cán bộ thường mỗi tháng ba bao, nên người nghiện phải xoay các kiểu mới đủ thuốc hút.

Thậm chí thuốc vụn như cám, lẫn cả bụi bẩn, lẽ ra bỏ đi nhưng nhà máy vẫn đóng túi ni lông (còn gọi là thuốc tiết kiệm) bán ra thị trường, ấy vậy mà muốn mua cũng không dễ. Vì sợi rất vụn nên không bao giờ cuốn được tròn. Nếu người hút rít mạnh thì sợi còn tụt cả vào họng, rít nhẹ thì không có khói nên khi hút loại thuốc này cần phải rất kiên nhẫn. Giấy cuốn thuốc cũng khan hiếm, người ta khắc phục bằng nhiều cách, có người dùng giấy pơ-luya có người còn dùng cả giấy báo để cuốn.

Một thời thuốc lá cũng được một số thanh niên biến thành thứ để làm sang khi đi tán gái hay sĩ diện với thiên hạ. Họ bỏ bao Thủ Đô, Điên Biên bao bạc vào túi ngực áo sơ mi trắng rồi cài thêm bút máy Kim Tinh cho ra dáng trí thức.

Thập niên 60, các nước Đông Âu viện trợ một số hàng tiêu dùng cho miền Bắc trong đó có thuốc lá. Bungari viện trợ thuốc lá Beraty, Cộng hòa dân chủ Đức viện trợ thuốc Diamon bán hai hào một bao, nhưng cũng không ai mua vì hút phèo phèo bởi sợi bằng giấy tẩm hương liệu nên mới có câu: “Beraty vừa đi vừa vứt”.

Thập niên 70-80 của thế kỷ trước, nhiều gia đình Hà Nội phải làm thêm nghề cuốn thuốc lá. Lúc đầu cuốn bằng lá cờ, sau đó có người phát minh ra bàn quấn thì tốc độ cuốn nhanh hơn. Cứ hai mươi điếu thuốc thì bó thành một bó, rồi đi giao cho hàng nước. Vì thế, sinh ra chuyện buôn lậu thuốc lá sợi từ Cao Bằng, Lạng Sơn về Hà Nội, rồi buôn giấy cuốn thuốc lá, trong đó loại được cho là an toàn là giấy hiệu Con gà. Thời kỳ này, qua thuốc lá cũng phân biệt được đẳng cấp. Trường Sơn, Nhị Thanh chỉ dành cho người ít tiền, hơn một chút là Tam Đảo, hơn nữa là Điện Biên và “đỉnh” nhất phải là Thủ Đô.

Đạo đức xã hội sa sút, thuốc lá trở thành thứ quà biếu, để giao dịch, thế nên, nếu một dạo dân gian có câu: “Sông Cầu là đầu câu chuyện” thì về sau, sự lên ngôi của các loại thuốc đắt tiền, và cả từ thói vọng ngoại đã làm cho vị trí của bao thuốc lá trong quan hệ xã hội (nhất là quan hệ làm ăn) thay đổi theo:

Sông Cầu còn lâu mới tiếp
Summít nói ít hiểu nhiều
Ba số nhí nhố cũng xong

Rất nôm na, nhưng phản ánh một sự thật, quà càng giá trị thì chuyện sẽ được giải quyết nhanh hơn.

N.N.T

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hoi-uc-a451075.html