Hồi ức về Việt Nam của các cựu chiến binh XôViết

Vladimir Bulankin, sinh ngày 19/12/1948 tại Arkhangelsk trong gia đình một sĩ quan. Học xong bậc phổ thông vào trường Kỹ thuật thông tin KraSnoyarsk thuộc Quân chủng Phòng không, tốt nghiệp loại xuất sắc (1969) được phong trung úy, về Quân khu Baku, Tập đoàn quân 15, Quân đoàn 91144, tiểu đoàn Phòng không 5, đơn vị 03708 làm trưởng kỹ thuật.

Được biệt phái sang Việt Nam (10/1971 - 10/1972). Đã tốt nghiệp Đại học Thông tin liên lạc Kiev (1982), làm tới thủ trưởng phụ trách hậu cần Quân đoàn 58133 rồi giải ngũ với lon thiếu tá (1992). Được tặng 8 huy chương của Liên Xô và huy chương Hữu nghị, Bằng khen của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

* Việt Nam - thời trai trẻ của tôi

Bộ đội radar thời chống Mỹ.

Bộ đội radar thời chống Mỹ.

Dép lốp, mộc tồn và cuộc làm quen nhanh chóng

Cuối 1970, khi trò chuyện với trung tá Voichenko chỉ huy trưởng đơn vị thông tin 91144, được gợi ý đi làm chuyên gia sửa chữa và bảo dưỡng radar tần số cao PRV-11 tại một đất nước nhiệt đới ẩm ướt trong thời hạn một năm, tôi liền đồng ý.

Hai tuần sau, Trưởng ban quân lực cho biết sẽ phải giúp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chống quân xâm lược Mỹ.

Được kỹ sư trưởng kiểm tra về PRV-11, Hội đồng quân sự Quân khu chấm, Quân chủng phê duyệt, qua kiểm tra y tế các cấp từ Quân khu, Quân chủng đến Bộ Quốc phòng, nên tháng 10/1971 tôi được tuyển vào nhóm 10 người học làm quen với lịch sử, đời sống, phong tục tập quán Việt Nam, cách gìn giữ sức khỏe... do đại tá V. I. Sveshnikov từng có thời gian công tá́c tại Việt Nam phổ biến.

Rồi tôi vào tổ 17 người, không quân có, tên lửa có, thông tin liên lạc có, nhận mấy bộ thường phục, thẻ Đoàn, chứng chỉ y tế quốc tế, hộ chiếu công vụ, nghỉ hai ngày tại khách sạn của Bộ Quốc phòng và cuối tháng 10 ra sân bay Sheremechevo lên chuyến Moskva – Hà Nội với ba chặng dừng Tashkent, Kolkata, Karachi và Viên Chăn kéo dài 26 tiếng đồng hồ.

Tashkent là điểm cuối Liên Xô, chúng tôi xuống ăn trưa, tợp mỗi người cốc rượu 100 g kiểu lính trận, chúc tất cả sống sót trở về khỏe mạnh...

Vừa xuống Viên Chăn tôi đã ngạc nhiên vì ngay cạnh sân bay quốc tế là căn cứ không quân Mỹ, lính Mỹ mặc đồ cộc, đeo kính râm đi đi lại lại.

Khi chúng tôi cất cánh, thấy hai chiếc máy bay tiêm kích-ném bom F-4 bám theo đến tận Hà Nội.

Trời không mây, nên chúng tôi nhận ra ngay Việt Nam với những hố bom, những điểm dân cư bị tàn phá, những cánh đồng xanh, những con đường mảnh mai uốn lượn rồi mất hút vào rừng rậm, những sông hồ...

Xuống sân bay Gia Lâm, xe đưa về khách sạn Kim Liên, tôi được xếp ở cùng phòng với Viktor (tiếc là đã lâu, chỉ nhớ được tên), chuyên gia sửa chữa PRV–11 của xí nghiệp A-31, người dành cho tôi sự giúp đỡ nghiệp vụ vô giá.

Chuyên gia quân sự Liên Xô ở Việt Nam gồm: tổ Phòng không đứng đầu là thiếu tướng Maksimenko, tổ Không quân – thiếu tướng Spivak, tổ Radar – đại tá Alyoshkin Semyon Vasilevich, tổ Tham mưu –thiếu tá Sulikovsky. Tôi vào nhóm của thiếu tá radar Ermakov Boris Alexievich vừa cùng chuyến bay, nhóm này còn gồm chuyên gia về các loại radar P-12, P-15, P-35, ÐRV–11 và máy phát của xí nghiệp A-31. A-31 do đại diện ngành Công nghiệp Quốc phòng Saprykin đứng đầu.

Cùng sống tại Kim Liên có các chuyên gia Bulgaria, Cuba, Đông Đức và Liên Xô theo đủ các nghề: dầu khí, giảng dạy đại học, trực thăng, sửa chữa máy bay. Kim Liên đáng nhớ vì muỗi, dĩn, mối và những đêm hòa tấu của bầy ve sầu. Độ ẩm 100%, quần áo treo trong tủ phải thắp đèn sấy.

Hôm sau tôi được đại tá Alyoshkin giao nhiệm vụ rồi cùng đến trụ sở Quân chủng Phòng không và Không quân Việt Nam, nơi có đại diện phía Liên Xô là trưởng nhóm Ermakov – chuyên gia về P-35 và tôi – chuyên gia về ÐRV-11. Chuyên gia về P-15 là Boris Chiurin, người vùng Maikop.

Theo hợp đồng với bên kỹ thuật của Phòng không – Không quân Việt Nam, đại tá Alyoshkin chia nhóm đến từng trạm radar, mỗi nhóm có đủ phiên dịch, anh nuôi, chuyên gia và cán bộ kỹ thuật Việt Nam.

Lái xe cho Alyoshkin là đồng chí Chính, gần sáu mươi tuổi, người vui vẻ, lịch thiệp, là thầy dạy tiếng Việt đầu tiên của tôi. Gặp nhau, tôi cố gắng chỉ nói tiếng Việt, ông nói tiếng Nga.

Chúng tôi đưa tiền cho cấp dưỡng, mỗi người 10 đồng một ngày 3 bữa, thức ăn phong phú, ngon lành: tôm tẩm bột rán, trái cây tráng miệng, nước chè xanh.

Lần đầu tiên tôi ăn chuối là ở Việt Nam, không đâu ngon bằng, chứ chuối ta nhập về, người Việt chỉ cho trâu ăn. Còn nhiều thứ quả lạ nữa không nhớ hết tên.

Có lần cùng bạn bè vào một khách sạn Hà Nội tôi còn được nếm món lạ, bồi bàn không nói ra thì không ai biết đó là thịt rắn. Ở Hải Phòng, anh em thích ăn cua, dân mang đến bốn bao tải, buộc càng hết, con nào cũng sống và khá rẻ.

Mộc tồn là món ưa thích, món tiệc của người Việt, thật khó quên. Chó thịt được nuôi riêng, nếu tôi nhớ không nhầm thì tròn ba năm mới làm thịt, già quá chỉ một ngày cũng không thèm làm thức ăn.

Đánh hơi được, trước “sinh nhật” của mình, chó lỉnh vào rừng, đôi ba ngày sau mới về với chủ. Sống trong làng, chúng tôi ăn gì bao giờ cũng dành phần cho chó.

Đến đơn vị, sau màn giới thiệu trong lán, chỉ huy trưởng và chính trị viên hỏi thăm sức khỏe chuyên gia, nếu là người mới thì hỏi sơ qua tiểu sử, sau đó mới đến báo cáo các vấn đề kỹ thuật trên dưới một giờ, hễ gặp thắc mắc khó giải thích, họ thường bảo “chờ một phút”, thiếu tá Ermakov giải nghĩa là “hôm sau”, nếu “sau đó” thì có nghĩa “không bao giờ”, nhưng tôi không hề nghe thấy từ này. Có khi muốn gặp chỉ huy thì phiên dịch hẹn mai, vì đang có cuộc họp phê bình.

Người Việt hay họp thế, ngắn thì 6–8 giờ, căng thì 10-14 giờ hoặc hơn, nặng nề nhất là bị rơi vào phê bình trước mặt toàn đơn vị, bất phân già trẻ nam nữ.

Chuyên gia được ở ngôi nhà khá nhất làng, còn phiên dịch, anh nuôi và kỹ thuật viên Việt thì ở riêng. Cuộc sống dã ngoại nhiều khó khăn, thiếu buồng tắm, muỗi mòng, ngạc nhiên nhất là khi tôi đến thay phiên, anh bạn bảo tối đến phải quen với “biệt kích”, ấy là những con muỗi rất to, rất béo, chúng chui được vào màn thì đừng hòng ngủ yên.

Ở Việt Nam tôi đã đến hơn hai trăm trận địa phòng không, người dân chỗ nào cũng thân thiện, nghe tin chuyên gia Liên Xô đến, dân kéo tới đông, ai cũng muốn nắm tay, nhất là trẻ con. Họ rất cần cù, cánh đồng đầy người đội nón lá, di chuyển chủ yếu bằng xe đạp do Trung Quốc sản xuất. Thanh niên quan niệm phải có xe đạp rồi mới cưới vợ.

Rocket, pháo kích và chiến sự căng thẳng

Các thiết bị vô tuyến là của Liên Xô: P-35, P-12, P-15, PRV-11, của Trung Quốc thì P-12 và PRV-10. Đơn vị radar được trang bị toàn khí tài Liên Xô, súng Kalashnikov và xe GAZ-69 đều do Trung Quốc sản xuất.

Giữa năm 1972, Bộ trưởng Văn hóa Ekaterina Furtseva sang thăm Việt Nam, nghe bà kể Trung Quốc có 250 xí nghiệp do Liên Xô xây giúp và họ làm được máy bay MiG-15, MiG-17, tăng T-56, nhiều mác ô tô quân sự, súng đạn, radar RLS P-12, PRV-10.

Người Việt rất chú trọng khâu ngụy trang, ngày nào cũng làm, kỹ đến mức người mặt đất không phân biệt được thật giả. Ngạc nhiên nhất là bộ đội quen đi chân trần vào buồng máy, chúng tôi khuyên mãi không nghe, trong buồng máy có bao người, nhìn số dép lốp để ngoài (cấp sáu tháng một lần) khắc biết.

Hồi đầu cả nhóm chuyên gia có mỗi một phiên dịch viên, lắm khi phải chờ mới đến lượt mình, chúng tôi phải học nhanh cách gọi mỏ hàn, tôvit, qua hai tháng đã đủ vốn từ Việt cho công việc, khỏi cần đến phiên dịch.

Công việc phức tạp hơn nhiều khi thiết bị thiếu hồ sơ kỹ thuật kèm theo, tôi càng biết ơn các thầy ở trường đã dạy mình thuộc lòng các sơ đồ chủ yếu.

Làm xong việc, về Hà Nội phải báo cáo đại tá Alyoshkin, được nghỉ thì ra Đại sứ quán trực bảo vệ vòng trong, vòng ngoài đã do người Việt lo, ngoài ra còn việc tại văn phòng: xử lý thông tin bên Việt cung cấp về máy bay không người lái và máy bay trinh sát chiến lược tầm xa SR-71, đưa lộ trình của chúng vào bản đồ, điều chỉnh phương án tác chiến của radar Việt Nam... Đại tá Alyoshkin thường là người hoàn thiện khi chọn tầm cao, khu vực từ phía vịnh Bắc Bộ trở vào để đặt radar.

Tháng 1/1972, miền Bắc Việt Nam bị phong tỏa biển, các loại thủy lôi giăng kín, con cá to bơi qua cũng phát nổ, nguy hiểm rình chờ ở cả đường hàng hải và hàng không.
Khi mải làm việc ở đơn vị, chúng tôi thường được người Việt nhắc nhở báo động, mỗi đơn vị đều cắt cử người trực ban phòng không kịp thời thông báo cự ly, độ cao của máy bay Mỹ.

Chúng cách hai mươi kilomet thì radar tắt sóng cao tần. Nếu trạm đang sửa chữa dở dang thì cũng cứ thế mà sẵn sàng chiến đấu. Phải nói, các thao tác viên PRV-11, P-12 rất giỏi, đã có không dưới 5 năm tác nghiệp nên họ nắm chính xác số lượng và đội hình máy bay địch.

Ở các điểm dân cư, tín hiệu báo động phòng không là gõ dồn dập vào kẻng (một đoạn ray đường sắt). Kẻng còn có ý nghĩa to lớn trong xóm để đánh thức, đi làm, đến bữa hay về nghỉ và nhiều nhiều nữa.

Đến gà, chó và gia súc khác cũng hiểu tiếng kẻng báo động và tìm chỗ ẩn nấp gần nhất, tất cả sự sống ngưng lại, đến khi có kẻng báo yên, sự sống từ những chỗ trú ẩn mới lại tuôn ra và trở lại bình thường.

Dọc đường, quanh cầu cống, quanh bến phà đã sẵn những hố sâu sâu tròn tròn có nắp đậy, hơi nhỏ so với kích cỡ của người Liên Xô, nhưng nếu thật muốn cũng có thể chui vào.

Trận đánh đầu tiên của chúng tôi diễn ra tháng 11/1972 tại gần thành phố Vinh, khi xe cộ ùn lại chờ qua phà. Thấy anh lái xe hô to “Máy bay Mỹ” rồi chạy bổ, mặt đường bên phải sườn xe khói bụi bốc lên nhiều chỗ, bọn Mỹ vừa nã đạn vào chúng tôi.

Tôi lao xuống hào. Máy bay vừa rút, lái xe hô lớn “Lên xe ngay”, tôi chạy đến đoạn hào có Ermakov, bảo ông cùng nhảy lên xe.

Lái xe rồ máy, phóng cật lực vào sâu tới 4 kilomet trong rừng, chờ dứt cuộc oanh tạc rồi mới tìm thấy anh phiên dịch và kỹ thuật viên người Việt. Kể thế để biết: người Việt lo trước nhất là bảo toàn tính mạng cho chuyên gia Liên Xô.

Sau trận oanh tạc, cuộc sống trở lại mặt đường, người Việt trên xe ngược chiều chỉ trỏ vào chúng tôi và cười vì thấy ai cũng mặt mũi lấm lem, nhưng còn sống.

Những đợt không kích nguy hiểm ở chỗ: hễ nhìn thấy máy bay là còn thời gian tìm chỗ trú ẩn, đã nghe thấy tiếng gầm rú thì không còn kịp nghĩ.

Kinh nghiệm cho biết: những đợt không kích thường được báo động trước, còn pháo kích thì nguy hiểm hơn vì không nhìn thấy chiến hạm, không kịp báo động, nghe tiếng pháo rít đã không kịp trú ẩn, loạt pháo đầu nổ rồi mới biết.

Một lần đang hành quân, anh phiên dịch chỉ đây là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi tỏ nguyện vọng đến thăm.

Ngôi nhà của Chủ tịch nước khiêm tốn đến kinh ngạc, chỉ chứa những thứ cần thiết cho cuộc sống hằng ngày, không có gì thừa, như tất cả thường dân Việt Nam vậy.

Nếu như hồi đầu chúng tôi chuyển quân lúc trời sáng, thì hai tháng sau phải di chuyển ban đêm, xe phải tắt đèn pha. Để địch khỏi phát hiện, người Việt dùng vỏ đồ hộp che đèn trước, đủ để xe sắp gặp nhìn thấy, từ không trung thì không.

Nhớ một trường hợp gần Vinh, ban đêm, xe trước chúng tôi 150-200 mét bật đèn chốc lát và dính ngay rocket. Máy bay cường kích A-6, A-7 rình rập ngày đêm suốt dọc đường.

Ngoài vịnh Bắc bộ thường xuyên túc trực 3 tàu sân bay Mỹ, khi đó là “Midway”, “Enterprise” và “Kitty Hawk” nếu tôi nhớ không nhầm.

Chúng trực mỗi phiên ba tháng rồi có tàu khác đến thay. Qua sông, khi thì cầu treo chòng chành, khi thì ca nô, phà, cầu phao, tôi đến hầu khắp các tỉnh.

Trong thời gian biệt phái ở tất cả các đơn vị Việt Nam, kỹ thuật và kỹ năng sử dụng radar Liên Xô được hoàn thiện, ví dụ cấp tốc ngắt sóng cao tần khi gặp tên lửa không đối đất của Mỹ như “Shrike”, “Standard ARM”.

Sau chuyến biệt phái về nước, tôi thấy các xí nghiệp quốc phòng Liên Xô đã kịp cải tiến RLK P-80, P-35 và các radar khác, kết quả là dàn radar mới được trang bị cho quân đội Liên Xô.

Các cuộc không kích của Mỹ vào nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều theo bài kinh điển: máy bay trinh sát RB-66 từ lãnh thổ Lào sang rải nhiễu, một tốp bay đánh lạc hướng phòng không và không quân đối phương, một tốp bao vây sân bay, tốp rải nhiễu thụ động, tốp máy bay che chắn và trực thăng cứu hộ...

Thông thường mỗi vụ không kích có 50-120 máy bay và trực thăng tham gia. Phi công Mỹ tham chiến phải qua 100 lần cất cánh.

Chỗ máy bay Mỹ trúng đạn thấy rõ từ xa nhờ màu cam của chiếc dù phi công nhảy xuống. Hằng ngày, đúng 12 giờ địa phương, máy bay trinh sát chiến lược tầm xa SR-71 từ căn cứ U-Tapao bên Thái Lan mò sang bầu trời Hà Nội, vượt qua mọi rào cản âm thanh, nếu trời trong cũng thấy dấu vết. Nó rút đi thì 1,5-4 giờ sau, máy bay do thám không người lái đến trinh sát tiếp và xác định mục tiêu.

Vladimir Bulankin.

Mối hàn, chỗ nối và những chiến công bừng sáng

Đặc biệt nhớ những vụ không kích ban đêm Hà Nội: còi báo động máy bay địch đến, đèn tắt đồng loạt, chúng tôi mấy lần phải lên nóc khách sạn. Toàn bộ nhân sự ở Kim Liên, từ lao công đến đầu bếp, ai nấy đều biết phận mình và tham gia đánh trả bọn không tặc.

Những bức tranh nhớ mãi: sáng bừng những vệt máy bay tăng tốc tránh đạn, vệt bay của tên lửa, hào quang động cơ nổ khi quả tên lửa trúng máy bay... tất cả như cảnh bắn pháo hoa thông thường nhưng mỗi lần mỗi biến hóa.

Ấn tượng đặc biệt là hậu quả những đợt rải thảm của máy bay chiến lược B-52: một vùng bình địa mênh mông, khỏi cần cày bừa vẫn gieo hạt được.

Bản kết cuộc hòa tấu biệt phái là triển khai thiết bị 1 RL-30 “Faza” ở khu vực sân bay Nội Bài. Chúng tôi đến đơn vị thông tin liên lạc đóng cách Trung tâm Điều hành bay 28 km. Nhận từ anh em Việt toàn bộ thiết bị, kiểm tra từng bộ phận thấy đều lành lặn.

Có một nữ đại úy kỹ thuật cùng làm với chúng tôi, khi chỉ còn hai người, cô nói với tôi bằng giọng Nga miễn chê: “Đồng chí Volodia ơi, hơn bảy năm nay chúng tôi muốn đưa Faza vào khai thác mà sao không đuợc”. Về sau này mới biết cô học Trường Thông tin liên lạc Kiev.

Hóa ra hàng cất đã lâu tại nhà kho trong rừng sâu, độ ẩm không khí 100% làm chập mạch hết, phải bảo dưỡng tỉ mỉ từng mối hàn chỗ nối và sấy lại cho khô.

Cân nặng một chi tiết trước và sau bảo dưỡng, chênh lệch từ 20 đến 100 g. Kiểm tra kỹ tại đơn vị, thấy ưng rồi mới vận chuyển đến chỗ đặt thiết bị, cho vận hành thấy ngon ơ, các bạn Việt reo mừng, ôm chúng tôi như trẻ nhỏ.

Chúng tôi hướng dẫn các kỹ thuật viên của Bộ Quốc phòng Việt Nam cách bảo dưỡng, vận hành, tính toán trên thiết bị Faza. Nó được đặt trong một ma trận ở độ sâu 100 m dưới chân núi, lại được bao bọc lớp bê tông dày, tránh được mọi tấn công từ trên không cũng như mặt đất.

Công việc của người dẫn đường bay nhẹ đi gấp bội, trước đó, thông tin đến nơi phải mất hai phút hơn, nay có Faza chỉ còn không phút. Nhiễu do địch tung ra, Faza lại phá được hết.

Còn những nhiệm vụ khác nữa chứ. Khi Nikolai Podgorny sang thăm Việt Nam, tôi được phân công bảo vệ chuyên cơ của Chủ tịch Hội đồng Xô viết Tối cao.

Vòng ba do người Việt Nam đảm nhiệm, cánh chuyên gia gác ở vòng hai, còn vòng trong do đội bay và vệ sĩ Liên Xô phụ trách. Suốt ba ngày đêm chúng tôi không nghỉ.

Về Hà Nội chúng tôi được gặp Thủ trưởng Binh chủng Tên lửa phòng không dẫn đầu đoàn kiểm tra của Bộ Quốc phòng Liên Xô.

Tháng 10/1972, tôi cùng đại tá Trưởng đoàn chuyên gia Alyoshkin đến Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân Việt Nam, nghe Tư lệnh trưởng nói lời cảm ơn các chuyên gia Liên Xô sang giúp Việt Nam chống Mỹ xâm lược rồi tặng huy chương Hữu nghị, Bằng khen của Chủ tịch nước và huy hiệu làm từ xác chiếc F-4 bị bắn hạ đầu tiên cho từng chuyên gia của đoàn.

Đợt công tác biệt phái ở Việt Nam kết thúc, chúng tôi cất cánh từ sân bay Gia Lâm theo lịch ngày thứ sáu hằng tuần.

Máy bay từ Liên Xô sang đón vừa hạ cánh được ba – bốn chục phút để làm nghi lễ đón đoàn chuyên gia mới đến, tiễn đoàn chuyên gia cũ về.

Lên máy bay chặng Hà Nội – Viên Chăn - Kolkata – Delhi -Sheremechevo cũng không thiếu chuyện ly kỳ. Khi máy bay rời Kolkata, tuốc bin gặp trục trặc, không cất cánh khỏi đường băng được, nếu cứ liều bay, hậu quả sẽ rất nặng nề.

Aeroflot đưa chúng tôi nghỉ hai ngày tại Grand Hotel trong thành phố, sau đó dùng máy bay “Karavella” chở chúng tôi đến Delhi rồi dùng IL-62 chở về Moskva.

Vì mây thấp, tầm nhìn kém, hai lần định đáp xuống không xong, phải lần thứ ba mới hạ cánh êm ái. Lúc đón chúng tôi về, Moskva lạnh tới 15 độ âm, mà lúc rời Hà Nội là 45 độ dương.

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/hoi-uc-ve-viet-nam-cua-cac-cuu-chien-binh-xoviet-tintuc404097