Hồi ức về Việt Nam của các cựu chiến binh Xô Viết: Việt Nam đất bỏng

Những năm 1960 xa xôi. Chúng tôi, những học viên vừa tốt nghiệp trường Kỹ thuật quân sự phòng không Yaroslav sải bước diễu binh ngày 1-5 trên quảng trường trung tâm thành phố. Gần Sverdlov khi đó, thiếu tá phòng không Vоrоnоv bắn hạ máy bay do thám Lockheed U-2. Chúng tôi rất tự hào vì tổ hợp tên lửa SAM-2 đã chặn đường của phi công gián điệp Mỹ Gary Powers.

12 năm sau trên bầu trời nước Việt Nam, tôi tận mắt nhìn thấy toàn bộ thứ hạng của không lực Mỹ đang hoạt động: cường kích các cỡ, do thám, tiêm kích, trực thăng, ném bom chiến lược B-52. Nghiên cứu trực quan hoạt động của chúng, tôi biết thế nào là armada – tốp gồm chục máy bay theo tầm cao và đội hình nhất định.

Cuối 1971 tôi trở về đơn vị từ thành phố Коstеrеv sau 5 tháng học nâng cấp, làm chỉ huy tiểu đoàn tên lửa. Sau lưng là hàng chục lần bắn ở thao trường Аshuluk và Kapustin Yar, nhận tổ hợp mới, thay trận địa, luôn luôn kiểm tra sẵn sàng chiến đấu, xây dựng công sự đặt tên lửa trực ngày và đêm, làm công sự ngầm, chuẩn bị khoai tây giúp thu hoạch màu ở vùng đất hoang, tiếp nhận quân mới từ các vùng để hình thành các đơn vị.

1/1/1972, đang nghỉ phép, tôi nhận lệnh đến tham mưu quân đoàn để làm hồ sơ đi biệt phái.

26/5/1972 một đoàn chuyên gia tên lửa Xô viết cất cánh từ Moskva, sau khi chuyển tiếp tại Tashkent, Bombay, Kolkata, Viên Chăn, ngày 27/5/1972 đặt chân xuống Hà Nội. Ở Kim Liên hai ngày, đến ngày thứ ba, chiếc xe GAZ-69 đến, hành quân vào phía nam thành Vinh – khu Bốn. 6 người đi, xe không chở hết, tôi phải ở lại. Trong khi chờ xe ở lại khách sạn, có báo động phòng không, tôi chẳng biết phải làm thế nào vì không biết hầm trú ẩn, hành lang chẳng có ai để theo.

Hôm sau tôi được đại tá Pavel Ivanovich Suslov - phó đoàn phụ trách công tác chính trị của đoàn chuyên gia quân sự CCCP tại Việt Nam - gọi đến. Ông như người cha, ôn tồn giải thích hoàn cảnh thực tế trong vùng, khuyên răn về cách sống, rồi bảo tôi làm chính trị viên của nhóm và viết giới thiệu với Viktor Ivanovich Filippov - trưởng nhóm chuyên gia CCCP tại trung đoàn tên lửa phòng không 263 của Việt Nam. Để củng cố quan hệ với cư dân địa phương, ông cấp cho tôi những cặp sách, vở, bút chì, tạp chí tiếng Việt và các loại huy hiệu (quà của học sinh nước ta tặng trẻ em Việt Nam). Sau buổi tiếp ấm áp ấy, tôi thấy ấm lòng.

Ngày 4/6/72 tôi đến trung đoàn 263. Sau vĩ tuyến 19, chiếc GAZ-69 của tôi đi vào ban đêm, đường rừng. Trong tiếng gầm của máy bay chúng tôi dừng lại; trước mặt, những vệt máy bay và pháo từ phía biển (không nghe thấy tiếng) cách khoảng 6 giây lại sáng lên. Tôi muốn hút thuốc, lái xe ra hiệu không được – kinh nghiệm chiến tranh mà!

Xe soi đường bằng đèn lồng trong ống bơ đặt dưới gầm, lái xe tên là Tuyên. Qua một rãnh nước trên hai thân cây rất nguy hiểm, chúng tôi xuống xe, Tuyên lái, chúng tôi muốn góp ý cho bánh xe bám đúng thân cây, lại thấy giọng nói tự tin “Đừng, kinh nghiệm chiến tranh mà”. Tất cả trót lọt, ngày 6/6/72 tôi đã ở trong nhóm của mình.

Phía nam thành Vinh

Nhóm chuyên gia – đó là trung tá trưởng nhóm Viktor Ivanovich Filippov, người Kazak, cao gần 190 cm, tuổi 34, từ trung đoàn phó dưới Arkhangelsk tới. Hiện tại ông là thượng tướng.

Là thiếu tá Nikolai Mikhailovich Gorоkhov - trưởng ban kỹ thuật tên lửa trung đoàn Кrаsnоvоdsk (đã kinh qua tất cả thang bậc), tốt nghiệp học viện, dân Volga, người chắc lẳn, điềm đạm, tự tay sục vào bất kỳ hệ thống nào của tên lửa để tìm nguyên nhân, sửa chữa, lắp đặt, tuổi 34.

Là đại úy Andrei Nikolaievich Chuprin - trưởng phòng I, sĩ quan điều khiển lữ đoàn tên lửa 128 quân khu Baku, người lao động chăm chỉ, không quen ta thán công việc nặng nhọc, chắc chắn, người vùng Kuban, hòa nhập với bất kỳ tập thể nào, 30 tuổi.

Là đại úy Ivan Ilich Scheklein - trưởng phòng II, phục vụ tại Cộng hòa Litva, thuộc số người hồi trẻ con thường gọi là “có hoa tay”, có thể qua điện thoại là biết cần làm gì trong cabine của bất kỳ hệ thống nào cho đúng.

Những chuyên gia khác, do đã lâu (hơn 35 năm rồi) tôi chỉ có thể nhớ tên: thượng úy Alexandr-Lớn kỹ thuật viên chính cabine P, trung úy Alexandr-Bé kỹ thuật viên chính cabine A, đại úy Pyotr Kharin trưởng SRTS, thượng úy Gennadi chuyên gia kỹ thuật tiểu đoàn, đại úy Viktor bác sĩ quân y.

Tập thể hòa hợp hoàn toàn, bởi vì chúng tôi ở xa lãnh đạo Đoàn chuyên gia tại Hà Nội, không ai kiểm tra, không ai hỗ trợ, sống biệt lập. Mỗi tháng một lần Kharin mang báo cáo những việc đã làm về Hà Nội, thư từ, thuốc lá, tin tức về đơn vị, bởi vì máy thu thanh VEF-202 của chúng tôi không phát tiếng Nga, ngoại trừ 30 phút đài Atlantica phát theo yêu cầu của ngư dân vùng Viễn Đông.

Chúng tôi sống trong lán, có:

“Tường vách thì đan,
Cửa là khoảng hở,
Không sàn, không trần,
Cửa sổ bằng tre nứa...”

Lán thành một dãy dưới bóng cây bên đập, một phía là dòng nước rộng gần 10 m chảy xiết, đỏ ngầu, một phía là đồng lúa (chúng tôi gọi là “đầm lầy”). Từ phía “đầm lầy” hai thùng №2 (đã lấy cánh và ổn áp tên lửa ra) được chôn xuống đất làm chỗ ẩn nấp cho chúng tôi tránh bom, cứ 5 người một thùng, đáy râm rấp nước...

Trong lán có 5 người, có giường xếp và tủ nhỏ, chiếu sáng thì bằng đèn pin Trung Quốc. Lật ngược 180°, dưới tia sáng ấy chúng tôi đọc thư nhà, nghiên cứu tài liệu được đưa trong bữa tối ở nhà ăn – đó là lán số 3 cũng chính là góc đỏ và phòng y tế. Chúng tôi mắc chủ yếu là bệnh phát ban của trẻ nhỏ, bôi sulfonamit với dung dịch trong lọ nhựa và cả cao con hổ Trung Quốc chữa bách bệnh.

Dưới giường xếp là hàng chục con cóc, chúng chỉ chịu im lặng khi có rắn mò vào thở phì phì rồi nuốt chúng. Chủ yếu ngán ở lán là lũ kiến, chúng hành quân vào những hộp lạc rang đã treo bằng sợi dây nhỏ lên mái nhà, vào hộp gạt tàn thuốc lá rồi ẩn nấp trong vỏ cây. Thân cây như tách riêng với vỏ, mà tán lá thì xanh.

Tắm theo kiểu Việt Nam – đó là thùng №1 (vốn để tầng hai của tên lửa), đặt chìm dưới đất, đổ đầy nước lấy từ đồng lúa, chờ lắng, đổ vào lò nấu. Khi những người xuống tiểu đoàn trở về tắm rửa, kỳ cọ cho họ, mách họ chỗ nào bị mẩn da thì xoa thuốc...
Ăn: cơm lẫn sạn, nếu răng không chắc có thể nhằn ra; thịt gà quá già, đôi khi thịt lợn; với bánh mì thì hơi căng thẳng: tháng 10-1972 được cấp bánh mì tròn (vào giữa tháng còn tươi), bật đèn pin lên – thấy xác muỗi trong đó, với súp củ cải đỏ cũng thế.

Thượng tá Filippov nêu ý kiến của anh em với bộ phận phục vụ, lệnh cho tôi và bác sĩ trước bữa xuống nhà bếp phải vớt hết xác muỗi trong nồi. Thay vì bánh mì, chúng tôi còn được cấp lương khô Trung Quốc, đưa vào miệng là tan; thường xuyên có chuối, thỉnh thoảng được mấy lát dứa, chè xanh.

Trên vịnh Hạ Long.

Chúng tôi giúp các anh nuôi bắt chai hến từ đáy kênh, chẳng cần phải lặn hụp, sục chân xuống mò rồi nhặt lên bỏ vào rổ. Bằng cách đó chúng tôi “bắt được” cả đỉa: nó nằm ở kẽ chân, phải hai ngày mới phát hiện ra và thủ tiêu luôn.

Cuối tháng 10/1972 tôi được về Hà Nội nghe ngóng xem ý kiến trên lãnh đạo đoàn chuyên gia quân sự nhận xét về nhóm chúng tôi như thế nào. Gặp đại tá Suslov, thái độ ông rất dễ chịu. Tại hội nghị đại biểu tất cả các nhóm chuyên gia ở Đại sứ quán, ông mời tôi vào đoàn chủ tịch. Tôi phát biểu cho rằng cuối năm, kết quả chiến đấu có thể đi đến mong muốn.

Mấy ngày sau, được gọi đến gặp ông đại diện liên lạc văn hóa Việt Nam – Liên Xô, ông chỉ quan tâm đến thái độ của chúng tôi đối với nhân dân sở tại. Cả hai bên đều hài lòng.

Điện ảnh. Chỗ tôi chỉ có phim Đám cưới ở Malinovka đã chiếu nhiều lần. Màn ảnh bị rách, không cuộn lại được, khi hành quân vận chuyển rất bất tiện. Chúng tôi phải xẻo lấy bề rộng cần thiết và làm cho nó trở nên tiện lợi theo kích cỡ của lán và thùng xe.

Ngày sinh được chúng tôi tổ chức bằng việc tặng album ảnh với dòng lưu niệm và vodka (5 người một chai). Thượng tá Filippov đề ra luật đó, và ai đến nhà ăn cũng phải mặc sơmi và quần lửng.

Trên trời, máy bay Mỹ lộng hành. Hằng ngày, chúng ném bom bãi sông cách chúng tôi không quá 300 m, chiếc đầu tiên ném bom nổ chậm, những chiếc còn lại thả xuống những quả bom phá nặng 250 kg, mỗi chiếc phải thả 12 quả bom trước khi rút đi trong tiếng rú gầm của động cơ. Chúng tôi ở trong vòng đó, đất dưới chân rung chuyển dữ.

Ngày 26/7/72 địch thay đổi kịch bản: hai chiếc Con Ma ở độ cao 500 m từ bên phải lao đến lán chúng tôi và thả bom xuống cánh đồng lúa cách đập 100 m. Nhóm chuyên gia đã đi xuống đơn vị, còn tôi và thượng tá Filippov không cả kịp nằm xuống. Ngoài đồng, nông dân đang làm việc...

Từ 29 đến 30/7/72 nhóm chuyên gia chuyển về gần sở chỉ huy trung đoàn 263, lán ở bìa làng, qua đường đến một cánh đồng lúa, ở phía đông cách dăm chục mét là hồ nước.

Đêm 6/8/72 máy bay ở tầm thấp lượn trên đầu, rồi chiếc thứ hai đến, ít lâu sau chúng bật đèn pha, vọng đến tiếng máy bay trực thăng từ phía tây sang phía đông, nó treo trên hồ một lát rồi rút về phía biển. Chúng giải cứu tù binh đó. Tôi với Scheklein và Chuprin ban ngày vừa tắm ở đấy, bơi dọc bờ cây.

Bên đài phóng

Ñhúng tôi thường bắn vào ban đêm, hiệp đồng bảo vệ tiểu đoàn tên lửa phòng không với các đơn vị khác không có. Ngày 05-10-72, tất cả đã sẵn sàng phóng tên lửa, Filippov vỗ vai tôi: “Ta đi xem bối cảnh chung ở SRTS” – trong cabine U không thấy gì. Chúng tôi bước ra bóng tối, đi trước là phiên dịch Tâm, Viktor Ivanovich và tôi. Thật khó đoán ra hình bóng của họ. Bỗng nhiên phía trái lửa cuộn, những mẩu thuốc nổ cháy, tiếng ồn của 600 kg thuốc nổ PRD tạo lực hút 5 tấn đã lôi tên lửa khỏi đài phóng. Đây không phải tiếng nổ của bom 250 kg, mà là nhiên liệu tên lửa PRD cháy trong 2,5 giây đồng hồ, nó làm đầu óc rung chấn như một chiếc lá.

Ngày 5/11/72, tại đài phóng, buổi tối, ở trung đoàn, chúng tôi quan sát cùng với anh phiên dịch thấy hai tên lửa từ hai tiểu đoàn khác nhau tiếp cận mục tiêu, tôi nhẩm tính từng giây, nếu như trong vòng 50 giây sau khi phóng mà tên lửa phát nổ là mục tiêu đã bị diệt. Đúng như thế! Chúng tôi mừng rỡ, đó sẽ là chiếc máy bay thứ 4.000 bị hạ, hơn nữa ngày kia là kỷ niệm 65 năm thành lập Hồng quân Liên Xô. Ngay sau đó Chuprin và Scheklein xuất hiện – họ xuống tiểu đoàn từ sáng sớm theo lệnh của Viktor Ivanovich để đưa tổ hợp tên lửa đến độ thông minh.

Ngày 6/11/72, làm việc từ sáng, tôi vật vã vì cái cáp nối với PU. Chỉ huy tiểu đoàn lo lắng vì một mối hàn hỏng, nó quý hơn vàng, mà không có đồ dự trữ. Đến 14h00 thì xong, đang định ra xe, bỗng trên đầu 4 chiếc cường kích lao qua. Kế hoạch của chúng khá rõ. Tôi đến tiểu đoàn, nhận chính xác vị trí của mình trong lán tre chìm dưới đất. Một cảm giác khó chịu, ồn ã inh tai nhức óc, đất chuyển rùng rùng trong khoảng 30 phút. Kết quả: tiểu đoàn bị vỡ, máy phát DES-75 bị cháy, ngoài bãi tan hoang, một góc bãi bị bom phá, chiếc xe GAZ-69 của chúng tôi biến mất, lái xe không thấy, tên lửa vẫn tại chỗ... Anh phiên dịch “dứ quả đấm vào lũ cường kích”. Các đồng chí Việt Nam, trong đó nhiều người làm ngụy trang cho tiểu đoàn, đều chìm trong khói bụi. Ra khỏi đám khói ấy, mọi người rũ bụi. Chuprin bị hỏng giày, tôi đổi giày Việt Nam cho anh. Tôi từ chối đi trong ánh chiều tà, chân bị sưng phồng, bông băng không giúp được gì. Qua đêm tại một nhà dân, sáng dậy người ta đưa đến một chiếc xe đạp còn khá mới. Anh phiên dịch Tâm hóm hỉnh: “Vichia, như một người Việt, cưỡi lên xe và đạp đi nào”.

Ngày 7/11/72 gần 14h00 chúng tôi đã “về nhà”, thượng tá Filippov thấy chúng tôi còn sống và khỏe mạnh thì thở phào nhẹ nhõm, trước đó ông không nắm được thông tin từ chỉ huy trung đoàn 263 về việc chúng tôi đang ở đâu, có gặp chuyện gì không.

Ở nhà ăn đã bày sẵn hai bàn, mỗi bàn được 0,5 lít “Моskovskaya” loại nhãn xanh mà tôi mang từ Hà Nội. Kết thúc cuộc chiến đấu của chúng tôi với chiếc máy bay Mỹ thứ 4.000 là như thế. Nó là loại F-111, bị hạ tại một tỉnh phía bắc nước Việt Nam. “Qua sông, qua sông, bên trái là bờ, bên phải cũng là bờ...”

Cầu phao được làm từ thùng đựng tên lửa và các bó tre, chỉ hoạt động ban đêm. Trước cầu, con đường chật ních xe tải không thể vượt qua, nếu trước mình là hai chiếc xe ZIL hai bên hàn gắn thêm gì đó nữa, bên trái là bùn lầy, bên phải cũng thế... Chỉ có thể đi theo dòng.

Tiếng gầm rú của máy bay, tiếng nổ pháo cao xạ... Nếu dính vào dòng xe, lại phải chờ qua sông thì ý nghĩ duy nhất là cố bám sang bờ bên kia hòng thoát nút cổ chai, xong rồi ngồi bệt xuống đâu đấy để định thần. Nhưng đằng sau đoàn xe nào cũng có ước nguyện như thế. Vẫn lại là “kinh nghiệm chiến tranh”: để khỏi dính vào nút cổ chai, mình phải là người đi trước.

Ngày 15/11/72, thật bất ngờ, chúng tôi và trung đoàn 263 nhận lệnh rút về Hà Nội. Trên hai chiếc GAZ-69 và xe tải GAZ-63, ngày 17/11/72, chúng tôi về đến khách sạn Kim Liên. Nhóm chuyên gia được tổ chức lại. Tôi về ven Hải Phòng, trưởng nhóm là thượng tá Krivokhizha. Điều kiện sống và chế độ ăn uống ở đây thật tuyệt vời. Ngoài sân có vòi nước, hầm tránh bom bằng bê tông chính cống, rộng rãi, trên đầu là 5 mét đất nện, quả thật, cũng không cách ly nổi tiếng gầm rú của 8 chiếc máy bay B-52. Tiếng máy bay B-52 choán toàn bộ không gian, từ tất cả các phía, thậm chí xuyên qua cả đất, nhưng chúng cũng không phải ông giời. Theo báo chí của ta, một số chỉ huy B-52 thà ra tòa quân sự còn hơn bay vào không phận của nước Việt Nam... Riêng trung đoàn tên lửa phòng không 263 của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong thời gian chúng tôi ở đấy đã bắn hạ hơn hai mươi máy bay Mỹ (trong đó có bốn chiếc B-52).

Ký ức không phai

Đại tướng A. I. Khiupenen trong hồi ký của mình đã viết: “Có thể nhận xét, tất cả các thành viên nhóm chuyên gia của thượng tá V. I. Filippov đều được chính phủ CCCP và Việt Nam khen thưởng”.

Ghi chép từ sổ tay riêng: “Nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ Liên Xô và trách nhiệm quốc tế, đại úy V. A. Yurin đã hoàn thành xuất sắc.

Trưởng nhóm chuyên gia thuộc trung đoàn 263 – thượng tá V. I. Filippov

Trưởng đội chuyên gia tại Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân Việt Nam – đại tá K. S. Babenko.

Trưởng đoàn chuyên gia tại Việt Nam – thiếu tướng A. I. Khiupenen.

Chẳng hầu hạ một quan ngài ngày trước,
Chúng tôi đây phụng sự
Tổ quốc mình,
Không lên đỉnh, không ở hàng thứ nhất,
Cần là làm, như muzhik thường dân.

Chúng tôi quen gặp nhiều mạo hiểm,
Khi một vài kẻ nhát sợ mất giày,
Dẫu có sợ những Shrike,
Thần Sấm
Vẫn thua xa nỗi sợ vợ mình đây.

Ngày tháng qua, làm vẹn tròn bổn phận,
Chúng tôi trở về cùng bè bạn, gia đình,
Nhưng không bao giờ chúng tôi quên được,
Đất nước Việt Nam chiến đấu kiên trinh!

P.S: “Chúng ta cần phải thú nhận rằng quân đội Mỹ không thể kiểm soát được châu Á, chứng minh điều đó là nỗi nhục nhã và hèn kém mà chúng ta nếm trải tại Việt Nam”.

(Nhà bình luận Mỹ Walter Lippmann).

Để có thú nhận như thế, trong giai đoạn từ 5/8/64 đến 31/12/72 phải tiêu diệt 4.181 máy bay Mỹ do những phi công có trình độ nghiệp vụ cao nhất điều khiển. Trên những chiếc cường kích của mình chứa đầy bom theo hợp đồng, họ cho thấy sự nhịp nhàng ở độ cao tầm thấp, sự phối hợp ăn ý từng giây, ngỡ như đấy là những chiếc đĩa bay huyền thoại.

Ngày 31/12/1972, sau khi chịu những tổn thất nặng nề như thế (trong 12 ngày đêm tháng chạp 1972 mất 81 máy bay, trong đó 34 chiếc B-52 và 3 chiếc F-111), Mỹ chấp nhận không tiếp tục chiến dịch, và ngày 27/1/73 ký kết hiệp định Paris về đình chiến và thiết lập hòa bình tại Việt Nam.

Nhân dân Việt Nam đã đứng vững không chịu quỳ gối trước một ngoại bang hùng mạnh.

“… Các chuyên gia quân sự Xô viết đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của mình. Bằng lao động vinh quang, họ đã tạo nên cơ hội và đặt nền móng, mở đường thiết lập những mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp với nước Việt Nam. Bây giờ cần phải làm việc cho mối quan hệ kinh tế…”

I. S. Scherbakov, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của CCCP tại nước Việt Nam. Tháng 2/1973.

Ngày 20/1/73 kết thúc chuyến công tác, chúng tôi thu xếp hành lý lên máy bay, 28 giờ sau đã ở Moskva... Ký ức về tất cả những gì đưa đời binh nghiệp của tôi đến Việt Nam, tôi giữ gìn, mãi mãi.

Viktor Alexievich Yurin

Sinh ngày 27/2/1938 tại làng Liubimovo, huyện Dolmatovsky, tỉnh Kurgan.

Học vấn quân sự: trường Phòng không Yaroslav (1960), 5 tháng bổ túc phòng vệ trên không của Bộ tư lệnh Phòng không – Không quân (1971). Phục vụ trong lực lượng vũ trang СССР: từ 9/9/1957 đến 19/4/1984.
Chức vụ đã qua: học nghề (9/9/57 đến 19/8/60), chỉ huy đại đội phóng (10/10/60 đến 11/2/67), chỉ huy đại đội phóng lữ đoàn 1293 (từ 11/2/67 đến 16/9/75), Thủ trưởng ban tham mưu lữ đoàn 1293 (từ 16/9/75 đến 19/4/84) vùng Azerbaijan.

Tham chiến tại Việt Nam từ 27/5/72 đến 20/1/73. Được thưởng huân chương Cờ Đỏ và huy chương Việt Nam Hữu nghị.

Thiếu tá Viktor Yurin
(Đăng Bẩy chuyển ngữ)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/hoi-uc-ve-viet-nam-cua-cac-cuu-chien-binh-xo-viet-viet-nam-dat-bong-tintuc426791