Hồi ức về Việt Nam của các cựu chiến binh Xô Viết: Сái chết tiến gần 1 km/giây

Vadim Petrovich Scherbakov sinh ngày 16/11/1941 tại thành phố Shatura, khu vực Moskva, tốt nghiệp trường Kỹ thuật quân sự Phòng không Engels, khu vực Saratov (1963), 3 năm sau (1966) sang Việt Nam làm chuyên gia quân sự kiêm sĩ quan điều khiển của trung đoàn 274, sư đoàn 88. Trong thời gian ở Việt Nam, thượng úy Vadim Scherbakov đã để lại 11 xác máy bay tiêm kích - ném bom siêu thanh 'Thần Sấm', 'Chồn hoang' dòng F-105 của Mỹ (đấy là con số được tính chính thức có xác nhận của Bộ tư lệnh Phòng

Về nước, với quân hàm đạị úy, theo học tại Học viện Phòng không – Vũ trụ G. K. Zhukov (1968-1972), ra làm tiểu đoàn trưởng, trưởng ban tác chiến của các quân đoàn ở Primor, Odessa, Trung Á́ và các đơn vị đồn trú lại CHDC Đức, Ba Lan, sĩ quan trinh sát phòng không của Bộ Tổng tư lệnh, sĩ quan trực ban Sở chỉ̉ huy Phòng không – Không quân.

Đã được tặng thưởng huân chương Lenin vì “anh dũng thực hiện nhiệm vụ̣ của Chính phủ CCCP”, 15 huy chương, trong đó có huy chương Hữu nghị của Việt Nam.

Dự cảm người lính trẻ

Ở trường Engels, tôi khai nguyện vọng ra trường được phục vụ ở Zabaikal, vậy mà lạị được điều về lực lượng Phòng không quân khu Moskva, quân đoàn Bryansk, trung đoàn tên lửa 260. Trong trung đoàn, tôi được giao chỉ huy trung đội khởi động mặc dù mình học không phải khởi động, mà là điều khiển bay và cũng trải qua thực hành ở khâu điều khiển. Nhưng, thậm chí còn chưa kịp hoang mang, chỉ đôi ngày sau tôi đã được nhận phân công mới, làm sĩ quan điều khiển.

Thời gian đầu tôi phải ở trong lều bạt: doanh trại không có, công sự cho khí tài cũng không – đấy là tình cảnh điển hình của lính tên lửa phòng không. Song, chẳng có ưu tiên chiếu cố gì trong việc chuẩn bị trận địa và sẵn sàng chiến đấu.

Thời gian trôi nhanh. Nhờ những kiến thức học được ở trường, mà cũng chỉ trên lý thuyết, tôi quen dần với kỹ năng thực tế trong công việc hàng ngày với khí tài. "Quy tắc bắn" cần có, thì ban đầu học thuộc như “cháo chảy”, những thao tác bắt buộc trong sách vở vô hình trung chuyển hóa thành những thuật toán trong tôi và tạo thành phản xạ khi tiếp xúc với khí tài.

Mùa hè 1965, một tập thể nhỏ thôi, gồm những thợ thiện nghệ và kỹ sư từ xí nghiệp chế tạo khí tài cho chúng ta đến tiểu đoàn tôi. Họ mang theo số lượng lớn những hòm to được niêm phong theo tiêu chuẩn và đủ thứ dụng cụ. Không một lời thừa, họ chia nhau ra thành từng nhóm, tháo rỡ khí tài thành từng blok riêng và lắp cái mới thay vào cái cũ, cái thừa một cách ngăn nắp và điệu nghệ.

Bởi vì tất cả các sĩ quan ở bộ phận tôi đều phải tham gia việc cải tiến khí tài đó, chúng tôi hiểu ra: tổ hợp tên lửa S-75 (SAM-2) được chuyển sang phiên bản nhiệt đới. Ở cái vùng Bryansk này một khi nào đó sẽ có khí hậu nhiệt đới chăng, nhưng dẫu có thế nào thì cũng phải lâu lâu – tất cả chúng tôi đều tin như thế. Mà rồi chúng tôi cũng suy ra, ở đâu tổ hợp tên lửa phương án nhiệt đới phù hợp nhất bây giờ.

Dự cảm đầu tiên sau khi bên sản xuất kết thúc công việ̣c và ra về là thế – đơn vị chúng tôi sẽ đến vùng nhiệt đới. Nhân đây cũng kể, việc tham gia cải tiến khí tài hóa ra rất có lợi, anh em bên sản xuất chế tạo cho chúng tôi biết thêm nhiều điều về khí tài mình phụ trách mà chưa hề thấy trong tài liệu lưu hành công khai hoặc nội bộ nào. Về sau, những hiểu biết ấy được dùng đến...

Đầu 1966, trung đoàn trưởng V. V. Fedorov và phó của ông được triệu tập cấp tốc về sở chỉ huy quân đoàn. Hai vị vắng vài hôm, vừa về đến đơn vị đã cho họp toàn thể sĩ quan, thông báo trung đoàn được giao nhiệm vụ quốc tế giúp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đào tạo chuyên gia có đủ khả năng sử dụng tổ hợp tên lửa phòng không SAM-2. Công việc huấn luyện, đào tạo chuyên gia Việt Nam sẽ được trung đoàn dùng đội ngũ của mình thực hiện trực tiếp tại Việt Nam. Trung đoàn trưởng đặc biệt nhấn mạnh rằng trung đoàn 260 Bryansk có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quan trọng đó của Chính phủ giao, ai còn nghi ngờ về khả năng của mình có thể không tham gia và ở lại chỗ đóng quân của đơn vị. Ở Việt Nam đang có chiến tranh, mà trong chiến tranh thì điều gì cũng có thể xảy ra, thậm chí có thể phải hy sinh chứ không chỉ bị thương nhẹ.

Bắt đầu lên danh sách những người vào “đơn vị nhiệt đới”. Trong tiểu đoàn mình, tôi không nhớ có ai từ chối, mặc dù ở những đơn vị khác cũng có đấy. Không sa thải một ai. Tất cả chúng tôi đều tình nguyện, nhưng chỉ có nguyện vọng thôi chưa đủ, còn phải có kinh nghiệm công tác thực tế, khả năng không chỉ tác chiến độc lập, mà còn biết hướng dẫn những người khác tiếp xúc với khí tài phức tạp lần đầu tiên. Phải truyền thụ được trong một thời hạn nhất định. Chiến tranh không cho chờ lâu.
Lên lớp và vào trận

Bây giờ, đã qua gần 40 năm, nhớ về hồi đó, tôi nghĩ: Mình đi dạy người khác đánh nhau trong khi đã có kinh nghiệm trận mạ̣c nào đâu.

Chúng tôi đến vào lúc tổ hợp tên lửa SAM-2 của ta đã được sử dụng ở Việt Nam gần một năm và không còn lạ lẫm gì đối với bọn Mỹ. Phi công Mỹ tham chiến trên những chiếc máy bay hoàn thiện nhất thời đó, họ̣ có vô vàn kinh nghiệm trong sử dụng, biết rành rẽ tình hình chiến sự. Mỹ hùng hậu về vũ khí, ưu thế về số lượng (trong khi Việt Nam nói chung chẳng có gì khả dĩ chọi lại Mỹ trên không). Không quân khi đó trở thành con át chủ bài trong bất kỳ chiến dịch nào dưới mặt đất để đảm bảo chiến thắng cả về chiến thuật, cả về chiến lược (và đến ngày nay, cách dùng không quân như thế trong những đụng độ quân sự của Mỹ vẫn giữ không những nguyên xi, mà còn được không ngừng hoàn thiện).

Trung đoàn chúng tôi chuyển quân sang Việt Nam bằng máy bay. Ngay cạnh chỗ đóng quân, trong rừng, đã có trung tâm huấn luyện 4 được xây dựng trước khi chúng tôi đến. Tất cả đều làm bằng tranh tre nứa lá, người Việt Nam dựng lên rất nhanh. Ở đấy trong vòng tháng rưỡi, chúng tôi dạy lý thuyết, dụng cụ trực quan lấy từ những gì còn lại của các bộ phận hư hỏng trong chiến đấu (mặc dù, tất nhiên là chúng không còn nguyên vẹn, nhưng vẫn đủ tư cách một giáo cụ trực quan). Tốp sĩ quan điều khiển Việt Nam thuộc khóa tôi kèm cặp là những người am hiểu về phương diện kỹ thuật, có kiến thức về kỹ thuật thông tin vô tuyến. Đức tính cần cù nhẫn nại lĩnh hội kiến thức về khí tài và tác chiến là hiếm thấy (tính hiếu học, khát vọng và quyết tâm như của các học viên Việt Nam, tôi không thấy ở đâu khác, cả trước kia và cả sau này), mặc dù gặp khó khăn nào đó ở khâu dịch thuật. Và kết quả đã đến: chỉ sau một thời gian ngắn, với nỗ lực chung, khóa học lý thuyết trong trung tâm huấn luyện của chúng tôi đã hoàn thành. Khi đó, tổ hợp tên lửa mới chuyển thẳng từ xí nghiệp tôi đã quen cũng vừa đến. Với những khí tài mới đó, chúng tôi rèn luyện kỹ năng thao tác thực tế, lần này không ở trung tâm huấn luyện nữa, mà trên trận địa thật, với những mục tiêu thật.

Chúng tôi được xác định đặt trận địa gần Hà Nội, chính đó là chỗ máy bay ném bom của Mỹ thường bay qua để thực hiện các cuộc oanh tạc, rất cần thiết cho việc bảo vệ vùng trời Thủ đô. Hà Nội đã có màng lưới phòng không riêng, song những tổ hợp đại liên, cao xạ chỉ đủ che chở tầm thấp, nên ở độ cao ngoài tầm hiệu quả của lưới lửa đó, máy bay Mỹ thả bom xong rồi chuồn lẹ. Trận địa của chúng tôi cũng được pháo cao xạ che chở ở tầm thấp. Sau khi triển khai khí tài ra trận địa, mới biết sẽ phải tác chiến mà không có dữ liệu gì về những tầm thấp vượt quá giới hạn khả năng tác chiến của tên lửa. Làm những việc tỉ mỉ như tính góc phương vị theo bản đồ địa hình, thì ngay cả việc lập bản đồ địa hình cũng đã không có khả năng và không có thời gian.

Muốn biết địa hình địa vật cố định của địa phương thì phải xem chỉ báo trên màn hình, tức là phải lên sóng, mà lên sóng lúc này khác nào tự hại mình: máy bay Mỹ sẽ oanh tạc ngay lập tức, hoặc may ra thì chúng thay đổi đường bay.

Lượt phóng đầu tiên (mất toi hai quả tên lửa) chỉ thấy phi công Mỹ lợi dụng thành thạo địa hình vùng này và có đủ mánh khóe để tránh tên lửa ta bằng cách lỉnh sang bên kia dãy núi che khuất tầm nhìn của chúng tôi. Cho nên phải bỏ phương án tấn công ở tầm xa nhất có thể. Tên lửa phải bay dài, phi công hoặc là kịp thời phát hiện theo dấu vết từ khá xa, hoặc là - nhờ thiết bị đặc biệt lắp trong máy bay – sẽ phát hiện ra trận địa ta và đánh chặn. Đám khói bụi tạo bởi tên lửa lúc xuất phát sẽ làm lộ vị trí của tiểu đoàn. Kết luận rút ra thật ngắn gọn: phải tấn công bất ngờ và đanh gọn, phải nén lại trong mình ý muốn tự nhiên, không cho đối thủ nguy hiểm đến gần, hễ đã tấn công là phải hành động thật nhanh và không sai sót, cơ hội thứ hai không bao giờ có được. Chúng tôi thay đổi trận địa và lượt phóng thứ hai đã cho kết quả. Cứ như thế, chúng tôi thu về kinh nghiệm trận mạc cho mình.

Vấn đề sinh tử

Tôi phải đối đầu với không phải chiếc máy bay, mà với tên phi công. Khi thả những quả bom của mình xuống đất, rất có thể tên phi công mang niềm tin thiêng liêng rằng hắn làm cái việc giết chóc là để cho thế giới tốt hơn, mà cũng có thể hắn làm công việc của mình vì được trả tiền hậu hĩnh.

Khi hắn xuất hiện, tôi đâu biết tên tuổi, quê quán của hắn, vợ con hắn có hay chưa. Đâu biết hắn là người dân tộc nào. Đối thủ của tôi chắc cũng lởn vởn trong đầu những kiến thức vô tích sự như tôi. Hắn chỉ biết mỗi một điều cần thiết có thể mang lại cho hắn chiến thắng, và thành quả là tính mạng hắn: tôi có thấy hắn hay không, cái cự ly mà tôi thể nào cũng tóm được hắn có kịp để hắn đảo vòng chuồn thẳng. Mà tôi cũng biết về hắn: cẩn trọng và ranh mãnh, hễ cảm thấy nguy hiểm hoặc phát hiện ra tôi là hắn lập tức đánh phủ đầu. Tôi nhìn vào màn hình tựa như nhìn vào mặt hắn, phả hơi thở vào gáy hắn, cảm nhận tất cả các cử động của hắn lúc này trong khoang lái chật hẹp khi bay trên thảm lá rừng xanh, và chờ. Chờ đến lúc thần kinh của hắn đầu hàng hoặc thói tự tin của hắn bốc lên thành tính chủ quan.

Và đến lúc đó là xong! Cu cậu đã nằm trong tay tôi! Phóng! Tôi không thiên vị riêng tư nào cả. Hôm nay không phải ngày của hắn. Mà cũng có thể không phải ngày của tôi... Mọi sự đâu có đơn giản thế. Chiếc “Thần Sấm” F-105 Thunderchief đó có thể không đơn độc, mà bay cùng những chiếc khác kiểu “Chồn hoang” F-105G Wild Weasel cải tiến chuyên dùng để tiêu diệt trận địa tên lửa phòng không, nó sẽ say máu phái đi một sứ giả khủng khiếp, theo tần sóng từ mặt đất phát lên mà tìm được đường nhằm vào trúng tôi. Hiểu sự vật, hiểu con người – đối với tôi – đấy là vấn đề sinh tử.

Sau khi tên lửa SAM-2 xuất hiện ở Liên Xô, nước Mỹ bắt đầu tìm cách chế tạo thứ vũ khí có khả năng tiêu diệt tổ hợp phòng không đó. Kết quả là năm 1965, nước Mỹ đã có thể sản xuất hàng loạt tên lửa phản bức xạ không đối đất AGM-45 (Shrike) tự điều khiển hành trình theo sóng phát đi từ đài điều khiển tên lửa trong tổ hợp SAM-2. Phần công lực tăng cường của Shrike có khả năng hủy diệt trực tiếp không chỉ hệ thống antenne – nguồn phát sóng – mà còn gián tiếp tiêu diệt tất cả các khí tài đặt trong bán kính từ 20 mét trở xuống. Về phương diện tín hiệu chỉ điểm, nó chứa chất phosphore trắng, thông báo chính xác vị trí đặt tổ hợp tên lửa. Hễ dính tên lửa Shrike, trận địa phòng không lập tức bị oanh tạc dữ dội bởi đủ các loại bom nổ ngay, bom nổ chậm, bom bi, bom napalm...

Nguyên tắc vận hành của tên lửa phản bức xạ Shrike là: tự động xác định dòng tia điện từ mạnh nhất phát ra từ trận địa phòng không, tự động bay theo hướng đó; trong trường hợp nguồn tia điện từ biến mất thì căn cứ vào hướng gần nhất được lưu trong bộ nhớ mà tiếp tục bay theo. Shrike có tốc độ bay rất cao, trinh sát phòng không rất khó phát hiện, nếu phóng từ cự ly 50 kilomet thì chỉ chưa đầy một phút sau đã đến mục tiêu.

Tên lửa Shrike đặt bục xuất phát cho sự phát triển của thế hệ vũ khí mới, nhằm chống chọi và đàn áp các tổ hợp tên lửa phòng không. Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ đã sử dụng như một phương tiệ̣n hiệu quả chống lại tổ hợp tên lửa SAM-2. Các chuyên gia Liên Xô cũng không tìm ra ngay “chỗ yếu” của nó, và đã phải trả giá bằng máu và sinh mạng mới thành công trong việc khắc chế Shrike.

Quyết giành quyền sống

Chặn đứng Shrike khi nó đang bay thì chúng tôi không đủ lực, nhưng ý tưởng đã đến khi nhớ lại khóa học “Hệ thống điều chỉnh tự động” ở trường Engels. Đối với tên lửa tự hành Shrike, cần phải phát ra liên tục thứ “tín hiệu sai lạc” để “dắt mũi” nó bay chệch hướng cũ rồi lập tức tắt sóng. Khi đó, “tín hiệu sai lạc” cần cho hoạt động của hệ thống tự điều chỉnh hành trình sẽ tê liệt, Shrike bị mất điều khiển và vẫn cứ bay theo đà mỗi lúc một chệch xa mục tiêu. Nếu trước khi dừng phát sóng còn kịp “đánh lừa” được nó nữa, làm cho biên độ định hướng lên mức tối đa, thì sai số của Shrike còn tăng gấp bội lần. Chúng tôi bắt đầu đấu tranh với Shrike theo cách đó, điều chủ yếu là phải chớp ngay được thời khắc nó được phóng xuống, tọa độ mục tiêu được thu về rất gọn, và phải chọn đúng lúc nó bắt đầu tăng tốc. Biết nó chăm chăm hướng vào mình, biết nó cũng chịu sự tác động của mình, lừa nó bay chệch đi từng chút từng chút nữa rồi mình ngừng phát sóng, biến mất.

Chiến thuật đấu với Shrike thường xuyên được cải tiến. Phải để nó bay đến thật gần, sau khi phá được quả đầu tiên phải quay ngay hệ thống antenne ngửa lên trên và chĩa sang hướng khác. Chiến thuật đó làm cho Shrike mất chính xác. Bọn Mỹ đã phóng xuống trậ̣n địa của tiểu đoàn tôi 7 quả Shrike, chỉ có quả đầu tiên làm hỏng cabine “P”, còn những quả khác đều trượt.

Thực hiện những thao tác đó trong không khí chiến đấu sục sôi, biết rằng cứ sau mỗi giây đồng hồ, cái chết lại đến gần mình thêm một kilomet nữa, trong khi mình chỉ có tổng cộng chưa đầy 30 giây mà nhất thiết mình không được phép mắc sai lầm. Đây là cơ hội duy nhất, chỉ có một không hai – cần phải có thần kinh thép, bầu máu lạnh và tài nghệ cực kỳ cao.

Trong thời gian tham gia chiến đấu cùng bộ đội Việt Nam, tiểu đoàn chúng tôi đã đánh hơn mười trận. Mỗi lần phóng theo một chiến thuật khác trước, không lần nào giống lần nào. Chiến thuật của không quân Mỹ cũng có những thay đổi, và chỉ huy trung đoàn cùng bộ phận tính toán của chúng tôi cũng tìm ra cách ứng phó để tiêu diệt có hiệu quả những chiếc máy bay chiến đấu của không lực Mỹ. Công việc ở trận địa được tiến hành khẩn trương cấp tốc đến mức có những chi tiết trong các khâu tính toán, phóng đi và điều khiển chỉ nhớ lại được sau một thời gian, trong bối cảnh tĩnh tâm. Đồng chí thao tác viên hiệp đồng chặt chẽ nhịp nhàng với tôi - thượng sĩ Pyotr Golubka - vì tác chiến thành công ở Việt Nam nên đã được nhận phần thưởng cao quý bậc nhất: huân chương Cờ Đỏ của nhà nước Liên Xô.

Thời hạn công tác ở Việt Nam của chúng tôi kết thúc vào tháng 11 và, với trái tim thanh thản, chúng tôi trở về, mang theo vốn kinh nghiệm trận mạc thu được, những hồi ức nồng ấm về con người Việt Nam siêng năng, dũng cảm và... một mảnh xác máy bay Mỹ bị chính tiểu đoàn của mình bắn hạ. Báo cáo chi tiết về các lần phóng ở Việt Nam của chúng tôi đã góp phần bổ sung vào bản mới bộ Quy tắc phóng tên lửa phòng không S-75 tức SAM-2.

Nhiệm vụ Chính phủ giao, chúng tôi đã hoàn thành. Bộ đội tên lửa Việt Nam được chúng tôi huấn luyện đào tạo đã bảo vệ thành công bầu trời Tổ quốc của mình và, đến ngày toàn thắng còn phải 9 năm nữa, nhưng hồi ấy chúng tôi đã tin chắc ngày đó nhất định đến.

Về đến nhà, tôi, con người vừa thoát khỏi lằn ranh sinh – tử – vô cùng mừng rỡ gặp Viktoria – cô con gái đã chào đời khi cha bận công tác ở xứ sở nhiệt đới...

Mãi sau này, được đề nghị cung cấp tư liệu, hình ảnh trong những ngày chiến đấu tại Việt Nam (từ 3/3 đến 3/11/1966), thú thực là tôi không còn giữ được bức nào. Nhưng trong tâm trí tôi vẫn nhớ nhiều đồng đội Xô viết: Trung úy Pyotr Golubka phụ trách tính toán, 3 người khi đó là thiếu úy V.Меlnichuk, Tertychnyi, Prokhorov - tất cả đều được gắn huân chương Sao Đỏ.

V. Меlnichuk hiện sống tại thành phố Lvov (Ukraina), những người khác thì không biết. Trong số sĩ quan điều khiển được tôi huấn luyện, tôi nhớ một đồng chí có tên là Tuấn. Ngày tháng cụ thể của những lần phóng đã không còn nhớ, vì thời gian đã lâu, nhưng nhớ nhất là trận ngày 22/6/1966. Trong ngày đó chúng tôi hạ 2 chiếc F-105 và con gái Viktoria củả tôi chào đời. Trong hai tháng đầu tiên chúng tôi sang Việt Nam, các trận do chuyên gia Liên Xô đảm trách khâu tính toán đã hạ được sáu máy bay Mỹ. Năm chiếc khác bị hạ do có bộ đội Việt Nam cùng chúng tôi tính toán (trong những trận ấy, tôi ngồi trong cabin “U” bên đồng chí sĩ quan điều khiển Việt Nam).

Đại tá Vadim Scherbakov
(nguyên đăng chuyển ngữ)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/hoi-uc-ve-viet-nam-cua-cac-cuu-chien-binh-xo-viet-ai-chet-tien-gan-1-km-giay-tintuc413316