Hồi ức về những năm tháng không quên ở Campuchia

Nhớ lại ngày bước chân vào thủ đô Phnompenh, ngày 7/1/1979 là cả một không khí chết chóc, vắng lặng và hoang tàn...

Không biết từ khi nào, mỗi năm cứ đến ngày 7/1 số anh chị em VOV từng sang giúp bạn ở Campuchia bất kể lứa sang sau năm 84, 85 khi 2 nước Việt Nam- Campuchia đã có văn bản hợp tác trên lĩnh vực phát thanh quy định rõ chuyên gia Việt Nam được hưởng chế độ chính thức hay những người đã đặt chân lên vùng đất này sau thời Polpot đều tổ chức gặp mặt tại một địa điểm quen thuộc ở Hà Nôi. Rồi số tụ họp lại để “ôn nghèo, kể khổ”... cũng giảm đi mỗi năm. Người thì ra đi mãi mãi, người thì ốm đau, bệnh tật hay đơn giản là tuy đang ở Hà Nội nhưng vì lý do này khác, không thể đến được...

Hợp tác trên lĩnh vực phát thanh giữa Việt Nam- Campuchia đã trở thành một mốc son chói lọi trong quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, hai dân tộc đóng góp phần đáng kể vào bước phát triển vững chắc của Vương quốc Campuchia trên nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Các cựu chuyên gia VOV tại Campuchia

Các cựu chuyên gia VOV tại Campuchia

Những con số biết nói

30 năm đã qua kể từ khi người lính tình nguyện Việt Nam cuối cùng rút khỏi Campuchia. Ngày 29/9 vừa qua đã chứng kiến nhiều hoạt động kỷ niệm 30 năm quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia (1989-2019). Đây lại là một cột mốc quan trọng, góp phần bồi đắp nên mối tình hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc Việt Nam- Campuchia, đã cùng nhau chia sẻ hoạn nạn vượt qua một giai đoạn tưởng chừng như gian khó nhất trong lịch sử 2 dân tộc.

Thực ra, không chỉ lực lượng chiến sỹ tình nguyện đã góp công vào việc vun đắp tình hữu nghị giữa 2 đất nước Việt Nam- Campuchia mà trong những năm tháng đó bên cạnh họ còn là đội ngũ cán bộ, chuyên gia Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, những người đã góp phần thầm lặng của mình để tạo dựng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ những người anh em Campuchia trưởng thành trong công cuộc dựng xây một xã hội, đất nước Campuchia tươi đẹp như ngày nay.

Thủ tướng Campuchia, Samdech Hunsen đã có một câu nói làm xúc động không biết bao nhiêu con tim Việt Nam và Campuchia trong chuyến thăm Việt Nam gần đây khi ông gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Viêt Nam đã giúp Campuchia giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Polpot và giúp đỡ Campuchia trong quá trình phát triển. Ông nhấn mạnh: “Tất cả những gì Campuchia có ngày hôm nay sẽ không có được nếu không có sự giúp đỡ trong sáng của quân đội và nhân dân Việt Nam”.

Bắt đầu từ con số 0

Nhớ lại cuối thập kỷ 70, con số zero đã trở thành biểu tượng, con số mà những người Campuchia và nhất là báo chí, dư luận nước ngoài dùng để khái quát bức tranh về đất nước Campuchia thời Polpot. Không nhà nước, ngân hàng, trường học, bệnh viện... Và nhiệm vụ của những cán bộ, chuyên gia Việt Nam... thời kỳ đó là phải giúp bạn tạo dựng nên tất cả từ con số zero đó. Ngành phát thanh trong đó cũng không phải là ngoại lệ.

Nhớ lại ngày bước chân vào thủ đô Phnompenh, ngày 7/1/1979 là cả một không khí chết chóc, vắng lặng và hoang tàn. Công việc đầu tiên đặt ra là tìm, sửa sang và khôi phục đến mức nhanh nhất các phòng thu, điểm trạm phát sóng...để thực hiện việc phát sóng các chương trình của bạn tại thành phố hoang tàn này.

Thực ra, mọi việc không phải chỉ bắt đầu từ ngày đó mà âm thầm hơn là từ trước đó, vào năm 1978 đã có nhiều cuộc tiếp xúc, lựa chọn những người Campuchia từ các trại tỵ nạn để có thể huấn luyện, đào tạo họ làm quen với công việc phát thanh. Một loạt các phát thanh viên, biên tập viên… từ Van Xiêng Ly, Van Song Heing, Son Kim Suour, In Chai... mà sau này trở thành những lãnh đạo chủ chốt của Đài phát thanh quốc gia Campuchia đến những phát thanh viên của Đài như Dor Mai, Tay Sambo, Sokhani....

Ông Mai Thúc Long, cố Phó Tổng Giám đốc VOV, cũng là người có thâm niên dài nhất là Trưởng đoàn chuyên gia phát thanh-truyền hình Việt Nam trên đất Campuchia đã kể lại: “Vào thời điểm mùa xuân năm 1980 chúng tôi đến Phnompenh làm sứ mệnh làm chuyên gia cho đài bạn. Đài phát thanh Phnompenh chỉ còn cái vỏ; Số người biết nghiệp vụ phát thanh còn sống sót đếm không đủ trên đầu ngón tay. Người biết ngoại ngữ càng ít và có biết cũng hạn chế. Ông Oundara, Giám đốc đầu tiên của Đài Tiếng nói nhân dân Campuchia nói với chúng tôi bằng tiếng Việt với giọng chân tình: “Thôi thì trăm sự nhờ các anh!”.

Và “Giúp bạn là tự giúp mình” câu nói đó đều được các chuyên gia VOV coi như lời tâm nguyện. Lớp cán bộ được lựa chọn đầu tiên từ VOV gửi sang giúp bạn từ ông Nguyễn Văn Thu (Nguyên Phó Tổng Biên tập VOV)- Trưởng đoàn chuyên gia đầu tiên của VOV trên đất bạn, Tăng Bá Thư (Kỹ thuật Bá âm), Nguyễn Văn Khoa (Cục Kỹ thuật phát thanh) đến những chuyên gia của các bộ phận như Lê Văn Diệm (tiếng Anh), Nguyễn Văn Tiến (tiếng Lào), Nguyễn Đình Tràng (tiếng Pháp)... được cử để thực hiện chuyến bay sang Phnompenh...

Đến nay thì nhiều người trong số họ đã vĩnh viễn ra đi nhưng những kỷ niệm về họ vẫn còn mãi trong các thế hệ VOV, về những ngày tháng hào hùng đầu tiên trên đất bạn.

Những kỷ niệm khó quên

Nếu chỉ tính trong vòng hơn 10 năm từ 1978 đến năm 1989, ngành phát thanh Việt Nam đã cử trên 200 lượt cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cán bộ kỹ thuật sang giúp ngành phát thanh Campuchia lúc đó hoạt động dưới danh nghĩa Đoàn chuyên gia K34 và như đã nói ở trên, vị trưởng đoàn đầu tiên là ông Nguyễn Văn Thu, cố Phó Tổng Biên tập VOV và người trưởng đoàn K34 có thời hạn công tác dài nhất trên đất bạn là ông Mai Thúc Long, sau này là Phó Tổng Giám đốc VOV.

Trong số những cán bộ, chuyên gia... từng sang giúp bạn ở Campuchia, nhiều người sau khi về nước trưởng thành, trở thành những cán bộ nòng cốt cho VOV trên nhiều lĩnh vực công tác.

Cũng cần nhắc lại sự giúp đỡ, hợp tác với ngành phát thanh Campuchia không phải chỉ ở trên lĩnh vực biên tập, đào tạo... mà còn quan trọng ở việc giúp bạn trang bị, thiết bị cũng như rèn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuât người Campuchia để thiết lập và vận hành hệ thống phát thanh trên toàn quốc từ đài Trung ương đến hàng chục đài cấp tỉnh, khu vực...

Song song với đó là việc triển khai hàng loạt khóa đào tạo từ ngắn hạn đến trung hạn cho các cán bộ chuyên gia bạn trên mọi lĩnh vực từ biên tâp, kỹ thuật đến hành chính... Đó chính là cơ sở vững chắc để ngành phát thanh Campuchia phát triển ổn định, vững chắc sau này.

Chuyên gia Việt Nam với tổ tiếng Anh, Đài Tiếng nói nhân dân Campuchia

Nhớ lại, ông Van Xieng Ly, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói nhân dân Campuchia và Chủ tịch Hội Nhà báo Campuchia thởi kỳ đó, đã tâm sự trong một chuyến sang thăm VOV vào năm 1995 khi ông gặp gỡ chuyên gia VOV từng công tác tại Campuchia: “Các bạn có mặt ở đây là những người đã cùng sống với chúng tôi từ những ngày đầu gian khổ. Mãi mãi từ đáy lòng, tôi không bao giờ quên các bạn...”.

Còn ông Keo Chăn Đa, nguyên Bộ trưởng Văn hóa của Chính phủ Hoàng gia Campuchia trước đây có thời đã từng làm việc tại VOV kể lại những kỷ niệm của ông với VOV giai đoạn 1979: “Qua nghe đài VOV, nhiều người Campuchia đã hiểu được diễn biến tình hình ở Campuchia và thái độ của cộng đồng quốc tế đối với hành động tội ác của Polpot, đối với số phận của một dân tộc đang ngập chìm trong họa diệt chủng. Qua VOV, họ biết được Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia với sự giúp đỡ của Chính phủ và quân tình nguyện Việt Nam không bỏ rơi họ trước họa diệt chủng của Polpot. Người dân Campuchia, dân tộc Campuchia mãi mãi biết ơn sự giúp đỡ vô tư, trong sáng của Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Sự hy sinh xương máu của quân tình nguyện Việt Nam vì sự hồi sinh của dân tộc Campuchia là không uổng, sự vất vả của những người làm công tác phát thanh ở VOV đã có kết quả đáng tự hào...”./.

Đinh Thế Lộc (nguyên TBT báo Điện tử VOV)

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dau-an-vov/hoi-uc-ve-nhung-nam-thang-khong-quen-o-campuchia-965260.vov