Hồi ức về kinh thành Huế

Người xưa không còn, may mắn cho người đọc và dịch là cảnh cũ vẫn còn. Kinh thành triều Nguyễn vẫn còn đó. Những danh lam thắng cảnh đất Thần Kinh và kiến trúc dân gian vẫn còn đó. Dù không được toàn vẹn nhưng ngày nay vẫn còn có thể

Kiến trúc kinh thành Huế.

Kiến trúc kinh thành Huế.

Kinh thành triều Nguyễn vẫn còn đó. Những danh lam thắng cảnh đất Thần Kinh và kiến trúc dân gian vẫn còn đó. Dù không được toàn vẹn nhưng ngày nay vẫn còn có thể “tham khảo” và nỗ lực dõi theo con mắt người xưa để nắm hiểu phần nào...

Bức tranh sinh động về Huế xưa

Tác phẩm "Souvenirs de Húe" (Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX) của Michel Đức Chaigneau (1803 - 1894) vừa được Công ty Sách Thái Hà cho ra mắt bạn đọc. Cuốn sách ghi lại những ký ứcvề kinh thành Huế của một người mang hai dòng máu Pháp - Việt.

Michel Đức Chaigneau là con của vị quan người Pháp với một phụ nữ Huế. Ông chào đời và lớn lên tại kinh thành Huế trong hơn 20 năm đầu của thế kỷ XIX, dưới hai triều đại đầu tiên của nhà Nguyễn. Đó là cả thời gian trị vì của vua Gia Long và 5 năm đầu thời gian trị vì thời vua Minh Mạng.

Sau hơn 20 năm sống ở quê mẹ, ông trở về quê cha sống nốt quãng thời gian còn lại của đời mình. Có thể nói, ông là nhân chứng với vị trí có một không hai, vừa ở bên trong và quan sát từ bên ngoài một không gian văn hóa.

Dịch giả Lê Đức Quang chia sẻ, cuốn sách "Hồi ức về kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX" đưa người đọc đi từng nơi của kinh thành cho đến vùng lân cận. Từ những nơi quan trọng nhất "không phải ai cũng được đặt chân vào" như hoàng cung, cung cấm khi bái kiến vua Gia Long, hoàng hậu và vua Minh Mạng đến những nơi thường nhật hơn, nơi người dân thường lam lũ sinh sống, làm ăn buôn bán như chợ Được, chợ Dinh, phố Bao Vinh...

Từng nơi, từng lúc, ông luôn kèm theo những lời bình hay nhận xét, tương tự như công việc của một nhà khảo cứu ngành nhân chủng ngày nay.

Ông còn mô tả tỉ mỉ hoạt động đặc thù nơi kinh thành, như Tết Nguyên đán với nhiều "hoạt cảnh" khác nhau. Đó là cảnh quan lại, binh lính thu dọn sắp xếp lại nơi làm việc, lăng tẩm được chăm sóc, cấp dưới hay gia nhân biếu quà cho quan trên hay gia chủ. Đó là việc cúng gia tiên và tiệc tùng trong gia tộc, đốt pháo hay trò chơi ngày Tết. Ông mô tả làng Thợ Đúc, nhà vườn xứ Huế, thuyền ngự, các hình thức lễ tế Nam Giao, lễ tế Xã Tắc, lễ Tịch điền...

Ông cũng trân trọng, thể hiện sự yêu mến từng động tác (chèo thuyền trên sông Hương), hay nghi thức trong tập quán dân gian (cưới hỏi), các món ăn, hương vị... Thế nhưng nhà dân tộc học nghiệp dư cũng không tránh khỏi thái độ "vị chủng" khi thường xuyên liên hệ giữa hai hay nhiều phong cách văn hóa khác nhau. Thậm chí, tác giả không tránh khỏi hàm ý chê bai tín ngưỡng bản địa, hay nhận định khái quát về "nhân tính" bản xứ...

Qua những hồi ức ấy, người đọc ngày nay có thể hình dung ra diện mạo của kinh thành Huế xưa và vùng lân cận, với toàn bộ đời sống sinh hoạt từ hoàng cung cho tới làng quê. Như thế, chỉ cần thêm một chút thực tế về đời sống Huế hiện tại đã có thể vẽ lên bức tranh về Huế xưa, góp phần tìm hiểu mối quan hệ Pháp - Việt đa chiều, với những góc cạnh đặc thù.

Hấp dẫn vì... điều không còn

Dịch giả Lê Đức Quang nhận định, cách đây 150 năm, sách đã có độc giả và những áng văn xưa vẫn thú vị, hấp dẫn người đọc hôm nay, vì nói về điều không còn.

Tuy nhiên, sách được viết hướng tới độc giả đương thời, cách đây hàng trăm năm, sẽ là áp lực với người đọc hôm nay khi câu chữ khó hiểu, có thể gây ngộ nhận, hiểu nhầm. Do đó, bên cạnh chuyển ngữ trên nền tảng hiểu tác giả và bối cảnh cũng như động lực cầm bút, hiểu độc giả hôm nay; sách trang bị phương tiện, hỗ trợ độc giả ngược dòng thời gian trở về thời ông cha đã sống...

Có thể thấy, thời điểm ra đời cuốn sách ngành nghiên cứu dân tộc học vẫn chưa chính danh ở châu Âu. Hơn 30 năm sau, nhà truyền giáo Léopold Cadìere lại dấn thân vào con đường nghiên cứu dân tộc học về vùng Kinh thành An Nam.

Sau đó, còn có nhiều nghiên cứu của người Pháp về văn hóa, nghệ thuật Huế, như Hội Đô thành Hiếu cổ với bộ tập san "BAVH"... được thực hiện và lưu giữ cho tới ngày nay. Điều này phần nào giúp độc giả hiện đại cảm nhận được những đổi thay của Huế xưa dưới triều đại nhà Nguyễn từ khi ra đời (1802) cho đến lúc sắp cáo chung (1944), trên 100 năm với biết bao đổi thay...

Dịch giả Lê Đức Quang chia sẻ, trải qua thời gian, con người ngày nay đã bình tâm hơn đọc lịch sử, để thấy được một giai đoạn của đất nước và những cuốn sách như thế này có thể đóng góp cho việc đó.

"Người xưa không còn, may mắn cho người đọc và người dịch, là cảnh cũ vẫn còn. Kinh thành triều Nguyễn vẫn còn đó, những danh lam thắng cảnh đất Thần Kinh và kiến trúc dân gian vẫn còn đó. Dù không được toàn vẹn nhưng ngày nay vẫn còn có thể "tham khảo" và nỗ lực dõi theo con mắt người xưa để nắm hiểu phần nào đó...", dịch giả Lê Đức Quang nói.

Theo TS. Trần Đình Hằng, Phân Viện trưởng Phân Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế: Quá trình tiếp xúc, giao lưu văn hóa, văn minh Đông - Tây thế kỷ XVIII cho đến cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX đã để lại nhiều di sản quý giá, trên nhiều phương diện, cho đất nước Việt Nam nói chung và xứ Huế nói riêng.

Hơn lúc nào hết, chính sự đụng độ giữa hai nền văn minh, văn hóa đó là một ngoại lực đặc biệt quan trọng, một cơ hội lớn để kiểm nghiệm, thức tỉnh và làm giàu thêm cho di sản văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế.

"Nhìn nhận thành quả, sự tác động của quá trình tương tác này, cần một thái độ tỉnh táo, biện chứng, tránh xu hướng cực đoan trong khen, chê một cách phiến diện.

Vấn đề đặt ra hôm nay là cần khẳng định giá trị của di sản và thái độ đối với di sản, mà "Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX" là sự hồi tưởng khá đầy đủ, thú vị về một thời về Kinh thành Huế nói riêng và gắn chặt câu chuyện về duyên Pháp - Việt nói chung, khởi đầu quan trọng từ thế kỷ XVIII - XIX", TS Trần Đình Hằng nhấn mạnh.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoi-uc-ve-kinh-thanh-hue-20200716120324473.html