Hồi ức về cha của các con cố thủ tướng Võ Văn Kiệt

LTS. Cuộc trò chuyện hiếm hoi với hai người con của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt: Phan Thanh Nam và Võ Hiếu Dân về người cha nổi tiếng của họ, lẽ ra sẽ là cuộc phỏng vấn nhưng Người Đô Thị quyết định chấp bút lại thành những hồi ức, để giữ cho những tự sự ấy thật trọn vẹn và không đứt nhịp cảm xúc của những người con đã mười năm rồi không còn được gọi tiếng 'Ba ơi…'.

Phan Thanh Nam: Những bài học không lời của ba

Ba tôi đi xa đã mười năm nhưng không hiểu sao tôi luôn có cảm giác ông vẫn ở rất gần. Có lẽ vì khi tuổi tác ngày càng cao thì niềm nhớ thương cha mẹ ngày càng đằm sâu...

Trao cho các con quyền quyết định đời mình

Cuối năm 1969, khi đang sống với cha mẹ nuôi ở miền Bắc, tôi nghe các cô chú có trách nhiệm nói sẽ đưa tôi vào miền Nam gặp ba. Thật khó tả niềm xao xuyến trong tôi lúc ấy. Suốt tuổi ấu thơ, tôi chỉ mang máng biết cha ruột của tôi đang hoạt động bí mật ở miền Nam, nơi ấy xa lắm, cuộc chiến đấu ác liệt lắm, khó định trước ngày hội ngộ. Niềm hạnh phúc sẽ được gặp mặt ba lần đầu trong đời đã khiến tôi thấy tất cả những trở ngại khác đều là chuyện nhỏ: việc học phổ thông bị gián đoạn, mối hiểm nguy khôn lường của chiến tranh trong chặng đường dài dằng dặc từ Bắc vào Nam...

Khi tôi vào đến nơi, ba tôi đang họp. Tôi đã ngồi đợi ông trong sự hồi hộp và tưởng tượng miên man... Rồi ông bước ra, nụ cười rạng rỡ và hiền từ, tiến về phía tôi với hai cánh tay dang rộng. Còn tôi, sau vài giây bỡ ngỡ đã bước tới như có một lực đẩy vô hình đến ôm chầm lấy ông. Chẳng lời nào thốt ra từ ai. Ấm áp huyết thống trong im lặng. Thế là đủ. Cuộc chiến đấu chưa kết thúc, tôi ở lại cơ quan Miền, còn ông trở về Khu 9 làm nhiệm vụ của bí thư Khu ủy. Hai tháng sau khi anh Phan Chí Dũng, con trai đầu lòng của ba tôi hy sinh tại Hòn Đất - Rạch Giá (4.1972), ba tôi cho gọi tôi từ miền Đông về Năm Căn - Cà Mau, công tác ở bộ phận thông tin liên lạc cho Khu ủy T3. Chiến tranh, việc ai nấy làm, cha con như hai đồng đội, ít có thời giờ riêng tư. Ngay cả khi về Tây Ninh, chuẩn bị chiến dịch Hồ Chí Minh, cha con tôi cũng chẳng đi chung một đợt. Ba tôi cùng đơn vị ông về tới Sài Gòn trưa ngày 30. 4.1975. Còn tôi thì tối hôm đó mới về tới.

Ở Sài Gòn những ngày đầu sau ngày giải phóng, tôi cũng gần như không ở chung với ba tôi. Ông tập trung cho việc lãnh đạo công tác tiếp quản thành phố. Còn tôi, khi được ba hỏi “Sao, giờ trở lại học hành hay là tiếp tục làm việc?”, tôi đã ngay lập tức chọn “giã từ vũ khí” để đi học. Học bổ túc một năm ba lớp, rồi thi đậu vào Đại học Bách khoa, ngành cơ khí chế tạo máy. Học xong năm 1981, thay vì về Sở Công nghiệp như một gợi ý của tổ chức, tôi về làm việc ở Xí nghiệp Cơ khí huyện Củ Chi. Sự lựa chọn đó đến từ một câu nói như bâng quơ của ba tôi: “Học cơ khí thì phải về cơ sở coi cơ khí ở nông thôn thiếu gì, cần gì, chứ ngồi ở văn phòng sở thì có thấy gì đâu”.

Có chút vốn liếng về lĩnh vực cơ khí ở Củ Chi, Thủ Đức, tôi bắt đầu có nhu cầu học thêm để có thể mở rộng hiểu biết trong công việc. Năm 1986 khi nghe thành phố có đợt thi tuyển nghiên cứu sinh, tôi nộp hồ sơ và đậu với số điểm đủ đi học ở Nga. Thời đó ông Lê Văn Triết làm Phó chủ tịch UBND TP.HCM, có năm chỉ tiêu nghiên cứu sinh nhưng khi thi tuyển chỉ có hai người đạt điểm tuyển, trong đó có tôi. Khi tôi thông báo cho ba chuyện tôi sẽ đi học sau đại học ở Nga trong bốn năm, ông chỉ nói: “Học gì thì học, miễn đừng để người ta phải vớt điểm cho mình và đừng để tấm bằng chỉ là tấm giấy vô giá trị”. Hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh ở Nga, tôi về nước với học vị tiến sĩ kỹ thuật. Nhiều cánh cửa việc làm mở ra cho tôi khi ấy, nào là tham gia ban giám đốc một sở ở TP.HCM, nào là phụ trách một đơn vị trong ngành dầu khí đang “rất hot” về thu nhập... Hỏi ý ba tôi, ngoài việc không muốn tôi về ngành dầu khí, ông nói nhẹ nhàng: “Học gì, làm gì là do bây tự quyết định, miễn đừng để người ta thấy mình choán chỗ của người làm tốt hơn mình”.

Tôi quyết định về Công ty Đầu tư Phát triển Giao thông Vận tải (TRACODI) - một đơn vị mới thành lập của Bộ Giao thông - Vận tải. Công việc mới mẻ nhưng không quá xa lạ với chuyên môn và khả năng của tôi. Sự hài lòng với lựa chọn của mình đã giữ chân tôi ở đơn vị này từ năm 1992 đến khi nghỉ hưu (2014), với chức vụ tổng giám đốc. Suốt 22 năm ấy, không phải đã không có những lần tôi được “rủ rê” vào con đường quan trường, nhưng tôi đã từ chối và tôi biết, chính ba tôi cũng không muốn điều đó.

Di ảnh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với dòng chữ viết tay của ông: “Tôi tự hào về các con tôi. Đó là Phúc lớn của tôi”. Ảnh: TLGĐ

Di ảnh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với dòng chữ viết tay của ông: “Tôi tự hào về các con tôi. Đó là Phúc lớn của tôi”. Ảnh: TLGĐ

Khi còn tại chức cũng như khi đã nghỉ hưu, ông chưa bao giờ, dù chỉ là gợi ý xa xôi, với cán bộ dưới quyền về việc học hành và bố trí công tác cho các con. Trao cho các con quyền tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về mọi lựa chọn khi chúng đã trưởng thành, cách xử sự ấy của ba tôi đã giúp anh em chúng tôi tự tin rất nhiều trong công việc và cuộc sống. Và, nói thật lòng, tôi chưa bao giờ có chút hối tiếc về cách xử sự đó của ba tôi. Cảm động nhất là khi chúng tôi tìm ra dòng chữ sau đây trong sổ ghi chép của ba tôi: “Tôi tự hào về các con tôi. Đó là phúc lớn của tôi”. Dòng chữ ấy với chúng tôi quý hơn của cải, bạc vàng. Nó là sự ghi nhận âm thầm và ấm áp của một người cha rất nổi tiếng, ở đỉnh cao của chính trường, về những đứa con bình thường đã biết giữ mình tử tế để người cha được yên tâm trong phận tề gia, trị quốc. Trong tấm hình thờ ba tôi ở nhà, tôi đã in thêm dòng chữ viết tay quý giá đó của ba tôi, như một lời tự răn mình và con cháu.

Lắng nghe và không áp đặt

Thỉnh thoảng, tôi được ngồi cùng ba tôi trong các cuộc tiếp khách không liên quan đến công việc chung và cũng được đi với ông một vài chuyến công tác ở các tỉnh. Chính trong các cuộc gặp và các chuyến đi ấy mà tôi cảm nhận thêm sâu sắc văn hóa ứng xử, trong đó có văn hóa nghe, ở ba tôi. Văn hóa ấy là sự chân thành từ bên trong toát ra nét mặt, cử chỉ, phong thái bên ngoài, khiến cho những người đến gặp ông lần đầu nhanh chóng xóa đi mặc cảm, bối rối. Các chuyên gia là trí thức, là cán bộ cấp tỉnh và bộ, ngành quen tiếp xúc, họp hành đã đành, ngay các bạn trẻ chưa có danh tánh, các cô chú “chân trơn” ở địa phương đến gặp ông cũng nhận được từ ông thái độ thân tình, gần gũi và sự lắng nghe.

Ông hay nói: “Nên nhớ, yêu nước không có nghĩa là yêu chủ nghĩa xã hội. Đừng có áp đặt cho người ta, phải để cho người ta quyền lựa chọn các giá trị tinh thần. Sự nghiệp này có được hôm nay là do trong cuộc chiến đấu gian khổ ác liệt vừa qua đâu phải chỉ có giai cấp nông dân và công nhân tham gia mà còn có rất nhiều người thuộc thành phần trí thức, địa chủ, tư sản”

Trong các cuộc tâm sự cha con, ông thường bảo với tôi, mỗi lần gặp gỡ ai đó, là người dân thường hay là chuyên gia, nếu không biết kéo họ lại gần mình, nếu không biết lắng nghe họ tức là mình đã tự đánh mất cơ hội nạp thêm hiểu biết về kiến thức, về tình hình, về kinh nghiệm mà họ đem tới từ địa phương, từ lĩnh vực chuyên ngành. Người đến nói chuyện với ba tôi, nói chối tai đến mấy ông cũng nghe được hết. Ngược lại, ông không ngần ngại đem đến cho người đối diện những cách nghĩ tuy chưa thuộc số đông trong Đảng, trong bộ máy nhưng ông tin là đúng và ông muốn chia sẻ. Chẳng hạn ông hay nói: “Nên nhớ, yêu nước không có nghĩa là yêu chủ nghĩa xã hội. Đừng có áp đặt cho người ta, phải để cho người ta quyền lựa chọn các giá trị tinh thần. Sự nghiệp này có được hôm nay là do trong cuộc chiến đấu gian khổ ác liệt vừa qua đâu phải chỉ có giai cấp nông dân và công nhân tham gia mà còn có rất nhiều người thuộc thành phần trí thức, địa chủ, tư sản”. Có thể nói, tư tưởng dân tộc rất rõ ở ông, rất lâu rồi và rất nhất quán.

Trách nhiệm công dân

Ba tôi từ giã chúng tôi, từ giã cuộc đời đã đúng mười năm. Sách báo nói không ít về những đóng góp đã được khẳng định của ông đối với công cuộc giải phóng và phát triển đất nước. Riêng tôi cứ ám ảnh không nguôi về nỗi trăn trở cuối cùng của ba tôi trong cuộc trò chuyện giữa hai cha con, chỉ không đầy hai tháng trước khi ông mất. Cuộc trò chuyện ấy là về thực trạng tàn phá rừng phòng hộ đầu nguồn - một nguyên nhân khiến lũ lụt ở miền Trung ngày càng diễn biến phức tạp; về mối lo ngại sâu sắc đối với cung cách trồng và quản lý rừng phòng hộ đặc biệt của các tỉnh miền Trung. Lũ quét ở miền Trung mỗi năm một dữ hơn, thiệt hại nặng nề hơn. Biến đổi khí hậu là một nguyên nhân. “Nhưng còn gì nữa nào? Quản lý rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng nguyên liệu có vấn đề gì nào? Thủy điện nữa?”. Biết ông sắp đi Hà Lan tìm hiểu cách trị thủy ở một quốc gia đất đai thấp hơn mực nước biển và ông muốn lắng nghe thêm tình hình lũ lụt trong nước, tôi mạnh dạn trao đổi với ông những gì tôi nắm được qua thực tế.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng gia đình con trai Phan Thanh Nam. Ảnh: TLGĐ

Rừng trồng ở nhiều tỉnh miền Trung sau sáu năm công phu chăm bẵm là khai thác trắng, băm chặt, vận chuyển đến cảng biển gần nhất để xuất khẩu dạng thô, cứ 1ha rừng trung bình được 50 tấn gỗ dăm mảnh thô xuất khẩu tại cảng Việt Nam (FOB) với giá rẻ bèo chỉ 100 USD/tấn, chẳng đủ bù đắp cho người trồng rừng! Việc trồng lại rừng không cách gì kịp với tốc độ chặt rừng. Hàng ngàn hecta rừng phòng hộ hiện nay chỉ trồng cây gỗ thuộc nhóm thấp thay vì trồng các loại cây gỗ quý có giá trị cao và lâu năm như lim, dầu, sao, sến... Nếu rừng phòng hộ cũng trồng keo lai, bạch đàn bên cạnh các cây có giá trị thấp khác, đến tuổi là phải thu hoạch, không khai thác trắng thì cũng cho chặt tỉa có tuyển chọn. Đâu dễ biết cây nào thuộc diện được phép chặt tỉa, cây nào không để kết tội vi phạm khi ra cửa rừng? Đây chính là kẽ hở, là cơ hội làm rỗng ruột rừng phòng hộ. Nạn mất diện tích rừng rất nhức nhối, gây tác hại ghê gớm cho môi trường, có nguyên nhân của cơ cấu cây rừng phòng hộ, có nguyên nhân buông lỏng quản lý khai thác mà khi ấy vẫn chưa có giải pháp khắc phục.

Ba tôi ngồi nghe với ánh mắt lo lắng xen lẫn bất lực, ghi chép rất lâu, nhắc anh Trịnh thư ký gọi điện chỗ này, chỗ khác. Ông đã rời nhiệm vụ điều hành lâu rồi mà chưa bao giờ rời trách nhiệm công dân. Những nguy cơ, hiểm họa của thực tại đất nước cứ bám riết tâm trí ông. Cái dáng ông ngồi bên cây bút, cuốn sổ mỗi lúc như còng xuống... Cái dáng ngồi ấy và những câu hỏi đầy trăn trở của ông trong cuộc trò chuyện cuối cùng của hai cha con về tình hình đất nước hiện lên trong óc tôi khi ngồi bên thi hài ông trên chiếc máy bay y tế từ Singapore về Tân Sơn Nhất ngày 11.6.2008.

Cuộc trò chuyện cuối cùng với ba tôi ám ảnh tôi đến tận bây giờ và chắc còn rất lâu nữa...

***

Võ Hiếu Dân: Ba và con gái

Ba tôi có năm người con thì ba người đã mất trong chiến tranh. Còn lại tôi và anh Nam. Ba gần tôi hơn anh vì nhiều lẽ, trong đó có lý do tôi là con gái. Khi chọn bí danh để hoạt động bí mật, ba lấy tên tôi, có lẽ vì những năm tháng ở giữa chiến trường ba đã rất nhớ thương đứa con gái phải sớm sống xa mẹ và rồi mẹ cũng đã mất cùng hai đứa em nhỏ trong một cuộc pháo kích trên sông năm 1966.

“Đi xóm” với ba

Ngày rời Hà Nội về sống với ba ở Sài Gòn sau tháng 4.1975, cái gì với tôi cũng lạ lẫm. Đông đúc, ồn ào, đa dạng từ hàng quán đến cách ăn, kiểu nói. Tôi đi học đại học, còn ba thì bận bịu suốt ngày. Cán bộ lãnh đạo ai cũng bận như thế trong một thành phố mới vừa được giải phóng. Nhưng ba tôi có lẽ bận hơn những người khác là vì ông siêng “đi xóm” vào các ngày cuối tuần. “Đi xóm” là cách ba tôi gọi những cuộc đi thăm cơ sở. Khi thì một nông trường của Thanh niên Xung phong, khi thì một công trình đang xây dựng, một trường hoặc trại tập trung giáo dục các thành phần tệ nạn xã hội như mãi dâm, ma túy. “Đi xóm” gần thì quanh quanh Sài Gòn. “Đi xóm” xa thì Cần Giờ, Trị An, Đăk Nông. Trong ký ức của tôi, đáng nhớ và thú vị nhất có lẽ là những lần được ba rủ “đi xóm”: “Đi đi, vui lắm. Để đàn đó, lúc nào tập cũng được”.

Chả là tôi rất mê học đàn và đã nhờ người mua rẻ được cây đàn violon còn tốt. Dự tính của tôi là tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần để tập đàn. Còn ba, sau này tôi mới hiểu, ông muốn đưa tôi đến nơi này nơi khác của cuộc sống để cảm nhận được không gian đa dạng của cuộc sống, để biết người dân đang sống ra sao, để biết mình nên kiềm chế nhu cầu hưởng thụ trong khi đời sống của bao người đang cực khổ. Mỗi lần theo ba “đi xóm”, trong khi ba họp hành hay nói chuyện với công nhân, với Thanh niên Xung phong thì tôi xuống bếp phụ các chị cấp dưỡng nấu cơm, hái rau củ. Trong các bữa cơm ở nhà, ba góp ý khéo cho “tài nội trợ” của tôi chỉ bằng một câu nhẹ nhàng: “Phụ nữ thì phải biết nấu ít nhất vài món ăn ngon, phải biết cách sắp đặt nhà cửa”. Vì vậy trong các dịp “đi xóm”, tôi thường tranh thủ học thêm với các dì, các chị cách chế biến các loại thực phẩm theo khẩu vị Nam bộ. Thỉnh thoảng tôi còn được học nguyên tắc lái xe hơi với tài xế đang ở không vì chờ thủ trưởng.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng con gái Hiếu Dân và cháu ngoại Xuân Hà. Ảnh: TLGĐ

Buồn cười là có lần, một học viên nam ở trại cai nghiện khi thấy tôi đi lang thang trong trại đã hỏi: “Cô ở trại nào, học viên khóa mấy (!)”. Đi xóm với ba riết, các tổng đội Thanh niên Xung phong bỗng dưng trở thành địa chỉ quen thuộc của tôi. Ba nhờ tôi đến đó thăm bệnh, tặng ai đó món quà, dự đám cưới của anh chị Võ Thị Bạch Tuyết và Thiều Hoành Chí... Nhớ lại những lần cùng ba tôi đi thăm các nông trường Phạm Văn Cội, Đỗ Hòa, Đắk Nông... ba mươi năm trước, tôi nhớ hoài hình ảnh các anh chị Thanh niên Xung phong lao động hăng say trên những cánh đồng khô cháy hoặc ngập nước. Chợt thấy chạnh lòng khi so sánh nét chân chất, trong sáng của các anh chị ngày ấy với hình ảnh của chính lực lượng này hôm nay, có gì đó rất khác.

Để kết lại chuyện “đi xóm”, ba tôi quả là người giỏi “dân vận”: ngoài tôi, sau này ông còn rủ được cả các cháu nội, ngoại “đi xóm” với ông! Không chỉ đi cùng, cháu ngoại Xuân Hà, cháu nội Võ Hiệp còn đàm đạo với ông những gì các cháu nhận biết bằng trí óc non trẻ khiến ông rất thích thú.

Ba tin con, thế là đủ

Hồi tôi tốt nghiệp Khoa Sinh học Đại học Tổng hợp, được về làm việc tại Phân viện Khoa học Việt Nam ở phía Nam (đường Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM) tôi thích lắm vì đúng chuyên môn và sở thích nghiên cứu của tôi. Vậy mà khi về đây, trong hai năm liền tôi chỉ được giao làm mỗi nhiệm vụ... rửa ống nghiệm, không được biết tới phòng thí nghiệm là gì! Mơ ước được cấy mô trong phòng thí nghiệm tưởng như bong bóng xà phòng trước gió. Cũng phải nói thật là tôi có thắc mắc (với chính mình thôi): vì sao kết quả tốt nghiệp của tôi tốt, tôi có chuyên môn không tồi mà lại phải làm nhiệm vụ rửa ống nghiệm lâu thế! Sau mới biết, hóa ra ba tôi đã nhờ người nói với Phòng tổ chức của Phân viện đừng ưu ái tôi hơn người khác và họ đã thực hiện... hơi quá.

Là con của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chúng tôi đã được sống trong hào quang của ông. Nhưng điều chúng tôi có thể làm, đó chính là sống sao để cho bản thân không phải chạy trốn hào quang của cha mình hoặc gục ngã trong chính hào quang ấy.

Sau hơn mười năm làm chuyên môn sinh học ở Phân viện Khoa học và Viện Cây có dầu, tôi chuyển về làm việc ở Phòng kỹ thuật IMEXCO. Khi con gái Xuân Hà của tôi đã tương đối lớn, tôi bỗng muốn được thử thách mình bằng việc chuyển sang một lĩnh vực mới hoàn toàn: làm doanh nghiệp may gia công xuất khẩu cho khách hàng Nhật Bản. Lúc đó, Nhật là thị trường duy nhất không cần quota, nghĩa là không cần tới ảnh hưởng của ba tôi khi ấy đã giữ trọng trách trong Chính phủ. Nghe tôi bày tỏ ý nguyện chuyển sang lĩnh vực doanh nghiệp, ba tôi chỉ nói đúng một câu: “Ba tin vào sự tự chịu trách nhiệm của con”. Từ ngày đó, ông không cần phải nhắc nhở tôi thêm lần nào nữa.

Gần 30 năm làm tổng giám đốc của một doanh nghiệp đa ngành: may mặc, gia công xuất khẩu, giáo dục và văn hóa giải trí, bất động sản nghỉ dưỡng... tôi đã luôn chăm chút xây dựng văn hóa doanh nghiệp cho đội ngũ nhân viên với các tiêu chí: chăm chỉ, tận tâm, trung thực và hiệu quả. Niềm tự hào nhỏ bé của tôi là nhân viên giỏi của công ty tôi chuyển đến nơi nào cũng được đánh giá cao và được phân bổ vào vị trí quản lý chủ chốt. Nếu có điều gì tôi luôn tự răn mình trong mấy chục năm dốc sức trên thương trường thì đó chính là: bản thân mình vốn không có tố chất làm doanh nhân, phải rèn luyện không ngừng để làm được công việc mình đã lựa chọn, ráng sống tử tế, kinh doanh tử tế, làm người tử tế. Bởi vì tôi biết, chỉ có làm được điều tự răn ấy tôi mới xứng đáng với mong đợi lặng lẽ của ba tôi.

Cha và con và... karaoke. Ảnh: TLGĐ

Tôi và anh tôi không thể chối bỏ một thực tế (mà chối bỏ làm gì): là con của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chúng tôi đã được sống trong hào quang của ông. Nhưng điều chúng tôi có thể làm, đó chính là sống sao để cho bản thân không phải chạy trốn hào quang của cha mình hoặc gục ngã trong chính hào quang ấy.

Đã mười năm nay tôi không còn được dựa vào vai ba tôi để khoe nho nhỏ với ông những gì tôi đã cố gắng đạt được trong cuộc sống và công việc. Mỗi khi nhớ ông, nhớ ghê gớm, tôi lại không cầm được nước mắt xúc động khi nhớ đến câu nói của chú Việt Phương: “Gần gũi anh Sáu Dân nhiều năm, chưa bao giờ tôi thấy anh Sáu có niềm vui rạng rỡ đến thế khi nghe tin con gái anh có kết quả xét nghiệm không phải K. Nét rạng rỡ đó ở anh mới con người làm sao, mới Dân làm sao”.

Ba ơi!...

Nguyễn Thế Thanh (thực hiện)

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/hoi-uc-ve-cha-cua-cac-con-co-thu-tuong-vo-van-kiet-14000.html