Hồi ức không quên về mùa xuân đại thắng của người lính Biệt động Tây Đô

Ngày 30/4/1975 lịch sử dân tộc đã mãi mãi in một mốc son chói lọi khi lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu chiến dịch thắng lợi vẻ vang, miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. 44 năm đã qua đi nhưng ký ức hào hùng của dân tộc, xúc cảm về ngày vui đại thắng của những người lính hỏa cảm ở vùng đất Tây Đô vẫn còn nguyên vẹn.

Đại tá Võ Tấn Dũng (bên trái) hồi tưởng về năm tháng ở chiến trường chiến đấu đầy “kiêu hãnh”.

Đại tá Võ Tấn Dũng (bên trái) hồi tưởng về năm tháng ở chiến trường chiến đấu đầy “kiêu hãnh”.

“Vỡ òa” nghe tin chiến thắng

Ngay lần gặp đầu tiên, tôi cảm nhận được sự chân thành, đầy giản dị của Đại tá Võ Tấn Dũng (mọi người quen gọi ông là chú Tư), nguyên Đại đội trưởng kiêm Chính trị viên Đại đội Biệt động 824 - Tiểu đoàn Tây Đô, là người lính tham gia nhiều trận đánh ác liệt ở chiến trường Tây Đô. 44 năm đi qua với bao đổi thay trên khắp mọi miền đất nước, song khí thế của ngày toàn thắng vẫn mãi khắc ghi trong tâm trí của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, quả cảm.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, chàng thanh niên trẻ Võ Tấn Dũng nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường đi nhập ngũ. Năm 1965, chú Tư học Trường Bổ túc Công nông Tây Đô (huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ cũ). Đến năm 1968, chàng thanh niên nhập ngũ tại Tiểu đoàn Tây Đô. Sau đó, do nhu cầu của cuộc chiến, chú Tư được điều động về đội Biệt động Thành đội Cần Thơ vào năm 1969.

Nhớ lại ngày giải phóng, những chiến sỹ là người lính Biệt động năm nào vui mừng khôn xiết. Cảnh “nằm gai nếm mật”, sống – chết như trở bàn tay không còn nữa. Chú Tư nhớ lại, hồi đó lúc 11h30’, ngày 30/4/1975, khi radio phát bản tin Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện lúc ấy trong lòng vui mừng khó tả, không nói thành lời ba chữ “Giải phóng rồi”.

Tất cả như “chết lặng”, liếc mắt nhìn nhau không nói nên lời bởi cảm xúc hân hoan, vui sướng, những người đồng đội kề vai chiến đấu cứ lần lượt ôm nhau rồi khóc. Họ khóc vì vui mừng, vì niềm vui đại thắng.

Còn nhớ, đêm hôm đó Cần Thơ có một loạt tiếng súng nổ “vang trời” để mừng chiến thắng, để rồi từ đó không còn tiếng súng nữa. Hôm sau, ngày đầu chiến thắng ở đất Tây Đô yên bình lạ thường, người dân phấn khởi đổ xô ra đường đón chào Quân Giải phóng.

Lạ thường thay, vẫn là loa phát thanh như thường nhật thì nay đã được “đổi chủ”. Cũng chính trong lúc này, lòng chú Tư lại buồn man mác tưởng nhớ về người cha đã hy sinh, người chị bị bắt bỏ tù ở Khám Lớn, người mẹ bị giặc làm khó đành phải ly hương, những đồng đội, đồng bào yêu nước đã hy sinh để hòa bình được lập lại. “Lẽ ra ngày chiến thắng của dân tộc được quây quần lên gia đình, chung niềm vui cùng đồng đội thì hay biết mấy”, nói đến đây chú Tư ngừng lại và vội lau nước mắt.

Nhớ mãi tình đồng đội

Thật không dễ để phác họa lại một hành trình đầy gian khó và những hy sinh to lớn, song vô cùng vẻ vang, chói lọi của người Bộ đội Cụ Hồ - những chiến sỹ của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Lúc ở chiến trường, tuy thiếu thốn trăm bề, hoàn cảnh chiến đấu khắc nghiệt nhưng các anh em sống chết có nhau, được đồng bào đùm bọc, chở che. Khi được điều động về Đội Biệt động Thành đội, chú Tư nhận lệnh chiến đấu độc lập đứng vững vùng ven hỗ trợ cho phong trào đấu tranh Chính trị nội ô thành phố (một trong ba vùng chiến lược của Đảng gồm: Vùng đồi núi; vùng nông thôn, đồng bằng và vùng đô thị), những tháng năm cùng đồng đội chiến đấu ngoan cường sẵn sàng mất mát, hy sinh để đối lấy hòa bình vẫn còn nhớ mãi.

Tập ảnh được chú Tư cùng các công sự thực hiện suốt 9 năm để lưu giữ lại hình ảnh của những người lính Biệt động Tây Đô.

Kỷ niệm thời chiến với những chuyện đói, rét, bệnh tật, phải chiến đấu trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Ấy vậy mà đối với những người lính Biệt động những năm tháng được chiến đấu cùng đồng đội nghĩa tình với khát khao được đoàn viên gia đình, thống nhất đất nước lại là ký ức đẹp nhất.

Hồi tưởng lại những người đồng đội cũ, chú Tư không khỏi xúc động. “Hồi còn chiến đấu, đồng đội mỗi người mỗi cảnh, chú còn nhớ có đồng đội tên là Liệt, do nhớ gia đình nên ý định sẽ về rời khỏi chiến trường. Lúc đó chú choàng tay vào người đồng đội và nói “Không lẽ anh bỏ tôi và các đồng đội vậy sao!”. Cũng chính vì câu nói, hành động chân thành ấy đã níu giữ một người đồng đội ở lại. Nhưng tiếc thay, người đồng đội năm đó cũng đã anh dũng hy sinh oanh liệt ngay tại chiến trường”, chú Tư xúc động kể.

Đối với những chiến sỹ mãi mãi nằm lại trong cuộc chiến, họ không có cơ hội để kể lại những ký ức của một thời gian lao mà anh dũng. Thậm chí, họ còn chưa được tìm thấy hoặc chỉ là những nấm mộ vô danh. Những người chiến sỹ quyết tử cho tổ quốc quyết sinh ấy đi vào hồi ức dân tộc Việt Nam là một thiên trường ca anh hùng không thể nào quên.

Giờ đây, ngay trong cảnh thời bình, chú Tư được sống chan hòa trong tình cảm của người thân, bạn bè nhưng ngay cả trong giấc mơ tôi cũng nhớ về ngày giải phóng. “Tôi mơ ước làm sao có một căn nhà lưu niệm khắc họa hình ảnh lực lượng Biệt động Cần Thơ để tỏ lòng biết ơn sâu sắc, tri ân các những chiến sỹ, đồng đội đã mãi mãi nằm xuống trong chiến tranh. Qua đó, để giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay, khơi dậy lòng tự hào là truyền thống vẻ vang của dân tộc”, chú Tư bày tỏ.

Nguyễn Cuộc

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/hoi-uc-khong-quen-ve-mua-xuan-dai-thang-cua-nguoi-linh-biet-dong-tay-do-449751.html