Hồi ức đến tương lai
Tác giả Trần Văn Thọ là tiến sĩ kinh tế, giáo sư danh dự Đại học Waseda (Tokyo, Nhật Bản). Là một trí thức yêu nước chân chính, ông đã dành nhiều tâm huyết cho khát vọng vì một Việt Nam phát triển bền vững. Cuốn sách 'Hồi ức đến tương lai' tập hợp các bài nói, viết của ông đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước nhằm gợi mở nhiều vấn đề với niềm tin: Việt Nam nếu kết hợp hiệu quả nội lực và ngoại lực, phát triển hài hòa với thiên nhiên và xã hội sẽ trở thành một mô hình đáng để nhiều quốc gia học hỏi.

Trong cuốn sách của mình, giáo sư Trần Văn Thọ dành hai chương đầu tiên để hồi ức về năm tháng xưa cũ và có những ấn tượng, cảm nhận của bản thân về các gương sáng nhân sĩ trí thức Việt Nam mà ông ngưỡng mộ. Những vần thơ yêu nước, nghĩa tình thầy trò, tình cảm gia đình dòng tộc, truyền thống hiếu học của đại gia đình, tất cả đã hun đúc nên phẩm chất một giáo sư - nhà trí thức chân chính không ngừng học hỏi, nghiên cứu và sáng tạo nâng cao giá trị của bản thân trong công tác nghiên cứu giảng dạy về khoa học kinh tế ở Nhật Bản sau này. Đồng thời ông cũng dùng chính những kiến thức ấy đóng góp nhiều vào quá trình phát triển ở Việt Nam. Cũng phải nói thêm là, tác giả có một khoảng thời gian là thành viên tham gia Tổ tư vấn cải cách kinh tế và hành chính của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Cũng trong những năm tháng ấy, tác giả có nhiều bạn bè thân thiết là các chuyên gia nhân sĩ trí thức nổi tiếng của Việt Nam.
Các bài viết được tập hợp trong sách thuộc nhiều đề tài khác nhau, tựu trung lại có thể chia làm hai nội dung lớn: mối quan tâm của chính tác giả trong hơn 50 năm qua nhằm phác thảo những nét cơ bản từ bối cảnh, điều kiện phát triển của Việt Nam hôm nay; thứ hai là tầm nhìn về Việt Nam tương lai từ sự đúc rút nhiều mô hình phát triển ở các quốc gia mà tác giả đã công tác, nghiên cứu, giảng dạy.
Nếu sau khi nghiên cứu ở Nhật Bản, tác giả đã rút ra yếu tố có tính căn bản là năng lực xã hội thì trường hợp ở Hàn Quốc lại gợi mở cho tác giả về các điều kiện cần thiết trong xã hội đó là sự đồng thuận, công nghiệp hóa trên cơ sở giáo dục, học tập. Cuối cùng, tác giả rút ra nhận định đáng chú ý: khi có mục tiêu chiến lược tốt, cộng với năng lực lãnh đạo, chất lượng trí thức, và bệ đỡ là văn hóa - sức mạnh mềm, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra những kỳ tích ngay trong chính thế kỷ này.
Để tránh bẫy thu nhập trung bình và gia nhập những nước giàu mạnh trên thế giới, theo giáo sư Trần Văn Thọ, Việt Nam cần tăng trưởng bình quân trên 6% trong 20 năm tới. Đó là về mặt kinh tế, còn lâu dài, Việt Nam cũng cần quan tâm chú trọng nền tảng văn hóa đạo đức, là cơ sở để kinh tế thị trường phát triển lành mạnh, xây dựng xã hội hài hòa nhân ái. Sức mạnh mềm văn hóa của Việt Nam chính là sức lôi cuốn hấp dẫn dân tộc Việt với bạn bè thế giới. Nó không chỉ có tác dụng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà còn lôi cuốn sự mến mộ của thế giới.
Rất nhiều vấn đề cần đặt ra phải giải quyết để thành quả phát tiển mang lại hạnh phúc cho tuyệt đại đa số dân chúng. Giá trị của cuốn sách là đã gói ghém tâm tình và suy ngẫm phân tích của tác giả trong hồi ức về nửa thế kỷ qua và hướng về tương lai của Việt Nam trong hai thập niên tới.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/hoi-uc-den-tuong-lai-38236.htm